Nợ thuế của doanh nghiệp đã ‘chết’, ‘mất tích’ chiếm hơn 38%

Nhật Minh - 12/11/2017 08:24 (GMT+7)

Báo cáo của Tổng cục Thuế về nợ thuế cho thấy, số thuế nợ của doanh nghiệp đã "chết", "mất tích", mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 28.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,2% tổng số tiền thuế nợ.

VNF

Cập nhật về tình hình quản lý nợ và thu hồi nợ thuế của Tổng cục Thuế cho thấy, tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 30/9/2017 là 73.930 tỷ đồng. So với thời điểm 31/12/2016 giảm 293 tỷ đồng (-0,4%); so với thời điểm 31/8/2017 giảm 197 tỷ đồng (-0,3%).

Trong đó, tiền thuế nợ (có khả năng thu) đến 90 ngày và trên 90 ngày là 27.648 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,4% tổng số tiền thuế nợ; so với 31/12/2016 giảm 3.185 tỷ đồng (-10,3%), so với thời điểm 31/8/2017 giảm 265 tỷ đồng (-0,9%); tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu nội địa là 3%.

Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp (0,03%/ngày) là 18.061 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,4% tổng số tiền thuế nợ; so với 31/12/2016 tăng 123 tỷ đồng (+0,7%); so với thời điểm 31/8/2017 giảm 65 tỷ đồng (-0,4%).

Riêng tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh (không có khả năng thu hồi) là 28.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,2% tổng số tiền thuế nợ; so với 31/12/2016 tăng 2.769 tỷ đồng (+10,9%); so với thời điểm 31/8/2017 giảm 133 tỷ đồng (-0,5%).

Như vậy, số tiền thuế nợ có khả năng thu tính đến 30/9/2017 đã giảm mạnh so với năm 2015 (giảm 28,6%) và năm 2016 (giảm 10,3%), tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu so với tổng dự toán thu nội địa chỉ ở mức 4,9% (tính cả tiền chậm nộp), so với tổng thu ngân sách Nhà nước thì bằng 3,8%.

Tổng cục Thuế cho biết, có đến 62,6% số nợ thuế hiện nay là số nợ không có khả năng thu hồi và tiền phạt, tiền chậm nộp. Nguyên nhân là do trong những năm vừa qua, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp khó khăn. Một bộ phận doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn, làm ăn thua lỗ, tài chính yếu không có nguồn để nộp thuế.

Nhiều doanh nghiệp phá sản, tự ngừng kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh, không có khả năng thanh toán nợ thuế. Một số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, làm ăn thua lỗ dẫn tới mất khả năng chi trả, 12 tháng chỉ phát sinh kê khai thuế nộp thuế môn bài, thậm chí nhiều doanh nghiệp không còn tài sản để nộp thuế, cơ quan thuế đã áp dụng đến biện pháp cưỡng chế hóa đơn nhưng không nộp được, dẫn đến cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc xử lý nợ và thu hồi nợ thuế.

Mặt khác, các doanh nghiệp nợ thuế chỉ quan tâm đến việc nộp nợ gốc nhưng chưa nộp, hoặc nộp rất ít nợ tiền chậm nộp, đồng thời do tất cả các khoản nợ (kể cả khó thu) đều phải tính tiền chậm nộp ở mức 0,03%/ngày, làm cho tổng số nợ thuế không có khả năng thu tăng lên.

Theo TBTC
Cùng chuyên mục
Tin khác