Nội bộ EU ‘lục đục’ trước đề xuất áp giá trần khí đốt Nga

Thanh Tú - 08/09/2022 13:29 (GMT+7)

(VNF) - Trước đề xuất áp giá trần với khí đốt Nga của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Pháp và Ba Lan lên tiếng ủng hộ nhưng Đức và Cộng hòa Czech lại không đồng tình.

VNF
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen ngày 7/9 đã đề xuất các nước thành viên chấp thuận áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga nhằm cắt bớt nguồn thu mà Nga sử dụng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong một tài liệu mà tờ Financial Times có được, EC muốn các nước thành viên thực hiện áp đặt "trần giá bán buôn khẩn cấp" đối với khí đốt từ Nga và có 2 lựa chọn để triển khai việc này.

Phương án đầu tiên là hoặc áp giá trần đối với tất cả khí đốt nhập khẩu từ Nga, hoặc thành lập một bên mua khí đốt Nga duy nhất để tiến hành đàm phán về giá nhiên liệu này. Hai là đưa ra một hệ thống giá trần khác nhau ở mỗi nước thành viên, tùy thuộc vào mức tiêu thụ năng lượng.

Đề xuất trên của ban lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cần có sự thông qua của các quốc gia thành viên. Hiện Pháp và Ba Lan đã lên tiếng ủng hộ việc áp mức trần giá khí đốt và mở rộng biện pháp này với tất cả hoạt động nhập khẩu khí đốt vào châu Âu. Tuy nhiên, Đức, nền kinh tế lớn nhất và cũng là nước nhập khẩu nhiều khí đốt Nga nhất EU, và CH Czech, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, lại không đồng tình với đề xuất của EC.

Chính phủ Đức cho rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa của Moscow dưới hình thức ngắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt đối tới EU, điều này có thể tác động mạnh đến các nước Trung Âu như Czech, Slovakia và Romania. Các nước này nhận khí đốt Nga qua đường ống xuyên Ukraine hoặc đường ống phía nam TurkStream.

Giới chức Đức đồng thời lo ngại rằng khi Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, Đức sẽ buộc phải chia sẻ khí đốt của mình với các nước khác theo quy định của EU. Điều này sẽ khiến nguồn khí đốt của Đức trở nên khan hiếm hơn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp Czech Jozef Sikela cũng cho rằng ý tưởng áp giá trần với khí đốt Nga là “công cụ chính trị”, không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo ông Sikela, đó là cách để trừng phạt Nga thay vì giải pháp thực tế cho cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Bộ trưởng Công nghiệp Czech cho hay nước này sẽ cố gắng loại bỏ đề xuất áp giá trần đối với khí đốt của Nga khỏi chương trình nghị sự cuộc họp bất thường Hội đồng Năng lượng EU vào ngày 9/9 tới.

Trước đó, đề cập tới khả năng phương Tây áp giá trần với năng lượng Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng: “Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì, khí đốt, dầu mỏ, than đá hay dầu sưởi ấm nếu nó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi”.

Xem thêm >> OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác