Nỗi lo ẩn sau lợi nhuận ngân hàng quý III

Minh Tâm - 20/11/2021 08:45 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều nỗi lo ẩn sau kết quả kinh doanh quý III/2021 của các ngân hàng thương mại, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến chi phí huy động vốn.

VNF
Nhiều nỗi lo ẩn sau kết quả kinh doanh quý III/2021 của các ngân hàng thương mại, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến chi phí huy động vốn.

So sánh kỳ hiện tại với cùng kỳ năm trước thường là “lát cắt” dùng để mổ xẻ lợi nhuận ngân hàng. Nhưng với lợi nhuận ngân hàng quý III/2021, có lẽ cần thêm một “lát cắt” khác bởi tính chu kỳ của nền kinh tế đã bị xáo trộn lớn bởi dịch Covid-19.

Hãy nhìn bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý vừa qua dưới “lát cắt” truyền thống. Trong số 27 ngân hàng đã lên sàn chứng khoán, có 7 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III/2021 suy giảm so với cùng kỳ năm trước, đó là BIDV, Eximbank, VIB, VPBank, Viet Capital Bank, VietBank và Sacombank.

Mặc dù có sự góp mặt của một số “ông lớn” những rõ ràng nếu chỉ nhìn vào con số 7, khó có thể nói quý III/2021 là một quý kinh doanh tồi của ngành ngân hàng, khi có tới 20/27 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận.

Ngay cả khi làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất ập đến tưởng chừng khiến hầu hết ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhưng số liệu tài chính quý vừa qua lại không cho thấy điều đó. Có tới 11/27 ngân hàng không tăng trích lập dự phòng so với cùng kỳ năm trước, thậm chí nhiều trường hợp giảm mạnh. Với 16 ngân hàng còn lại, mặc dù tăng trích lập dự phòng nhưng cũng có tới 8 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên 5%.

Khi “cơn bão” Covid-19 mạnh nhất quét qua, có vẻ như đã có sự lo lắng thái quá về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng?

Không hẳn! Hãy nhìn bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý III/2021 qua “lát cắt” khác: so sánh với kết quả kinh doanh quý liền trước (quý II/2021) thay vì so sánh với cùng kỳ năm trước (quý III/2020). Sự so sánh này mang nhiều ý nghĩa hơn trong việc hình dung mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với lợi nhuận ngân hàng.

Nếu như so với cùng kỳ năm trước, có 20/27 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong quý III/2021 thì khi so với quý gần nhất, lại có 19/27 ngân hàng ghi nhận… suy giảm lợi nhuận. Sự trái ngược này không phải đến từ tính chu kỳ trong hoạt động kinh doanh ngân hàng bởi nhìn lại năm 2019 và năm 2020, đa phần lợi nhuận ngân hàng quý III vẫn tăng so với quý II, mà đến từ một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, doanh thu mảng tín dụng (biểu thị qua khoản mục Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự) suy giảm. Điều này có thể là do hoạt động kinh doanh yếu đi, do ngân hàng phải cắt giảm lãi suất cho vay theo cam kết, do nhiều khoản cho vay không được phép ghi nhận lãi dự thu… Những vấn đề này hoặc mang tính tạm thời, hoặc có thể tự khắc phục được trong tương lai nên nhìn chung không quá đáng lo.

Thứ hai, chi phí huy động vốn dần quay trở lại xu hướng tăng sau một thời gian khá dài hưởng lợi từ việc lãi suất huy động giảm sâu. Trong số 19 ngân hàng suy giảm lợi nhuận đề cập phía trên, đáng chú ý có 4 ngân hàng ghi nhận khoản mục Chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự (biểu thị chi phí huy động vốn) tăng so với quý liền trước, trong khi so với cùng kỳ năm trước lại giảm, đó là ACB, BIDV, MSB và Techcombank. Đây là 4 đại diện tiêu biểu cho xu hướng đảo chiều của chi phí huy động.

Quý III/2021, nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận nếu so với quý III/2020, nhưng lại suy giảm lợi nhuận nếu so với quý II/2021. Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính các ngân hàng.

Trên thực tế, không chỉ 4 ngân hàng này mà nhiều ngân hàng khác trong số 19 ngân hàng ghi nhận suy giảm lợi nhuận cũng đang chứng kiến diễn biến chi phí huy động vốn ngày càng kém thuận lợi hơn, chẳng hạn như ở ABBank, trong quý III/2021, Chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự đã giảm 25% so với cùng kỳ năm trước nhưng nếu so với quý II/2021 chỉ giảm vỏn vẹn 4%; tình huống tương tự cũng xảy ra ở NCB (giảm 7% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ giảm 1% so với quý II/2021), Sacombank (giảm 21% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ giảm 3% so với quý II/2021), Saigonbank (giảm 15% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ giảm 1% so với quý II/2021), VietABank (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ giảm 1% so với quý II/2021), VPBank (giảm 19% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ giảm 5% so với quý II/2021).

Đây là mối lo lớn đối với các ngân hàng, bởi lãi suất huy động có thể coi là đã chạm đáy, lại đang phải chịu áp lực không nhỏ từ nguy cơ lạm phát và nhu cầu vốn ngày càng cao của nền kinh tế trong bối cảnh tư duy chống dịch đã chuyển từ “zero Covid” sang “sống chung với Covid” và quy mô tiêm phủ vắc xin ngày càng rộng.

Trong khi đó, việc tăng lãi suất cho vay (để bù đắp phần lãi suất huy động tăng thêm) không hề dễ dàng khi định hướng của nhà điều hành là duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. “Cứu rỗi” cho các ngân hàng trong tương lai sẽ là gói cấp bù lãi suất, tuy nhiên nếu quy mô gói cấp bù lãi suất quá nhỏ thì cũng không “nhẹ gánh” cho các ngân hàng là bao.

Một điểm cũng rất đáng lưu ý khác là trong số 19 ngân hàng suy giảm lợi nhuận, có tới 11 ngân hàng là ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý III/2021 giảm so với quý II/2021. Điều này cho thấy lợi nhuận ngân hàng có thể còn bi đát hơn nữa nếu như các ngân hàng hành động “hợp lý” hơn, tức là tăng cường trích lập dự phòng trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động rất tiêu cực bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư; đồng nghĩa tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trích lập dự phòng trong tương lai.

Ngoài ra, việc nguồn thu phi tín dụng (bao gồm dịch vụ, ngoại hối, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, các nguồn thu khác…) suy giảm cũng là một điểm cần quan sát kỹ càng thêm. Số liệu tổng hợp cho thấy có tới 20/27 ngân hàng ghi nhận lãi thuần phi tín dụng quý III/2021 suy giảm so với quý II/2021, trong đó 12 ngân hàng suy giảm không chỉ so với quý II/2021 mà còn so với cùng kỳ năm trước.

Cùng chuyên mục
Tin khác