Ôm 300 nghìn tỷ trái phiếu đến hạn trong 2023: Ngân hàng đối mặt rủi ro
Kỳ Thư -
25/03/2023 23:12 (GMT+7)
(VNF) - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngân hàng nắm hơn 300.000 tỷ TPDN đến hạn trả nợ trong năm nay. Với khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp phát hành rất thấp thì đây là vấn đề cần cảnh báo.
Nỗi lo thanh khoản
TS Nguyễn Trí Hiếu chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, Việt Nam đang đi vào một giai đoạn với những biến động lớn trên thị trường tài chính thế giới. Ngành ngân hàng sẽ gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng liên quan đến sự suy thoái của thị trường chứng khoán và bất động sản. Đồng thời nguồn vốn tín dụng của ngành ngân hàng sẽ bị thắt chặt vì phải kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ hơn trong khi một phần đáng kể nguồn vốn huy động sẽ được sử dụng cho mục đích thanh khoản, thay vì cho mục đích cho vay.
Hơn nữa, tình trạng lãi suất tăng cao, lạm phát tăng, tăng trưởng chậm và các thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đang trong khủng hoảng sẽ trực tiếp tác động tới việc kinh doanh của các ngân hàng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
“Riêng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng nắm một số lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), hơn 300.000 tỷ TPDN đến hạn trả nợ trong năm nay. Với khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp phát hành TPDN thấp thì tình hình quả đáng báo động”, ông Hiếu nói và cho biết với vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng ước tính khoảng 1,7 triệu tỉ đồng thì lượng TPDN mà các ngân hàng đang nắm giữ tương đương với 18% vốn chủ sở hữu của ngành ngân hàng.
Do đó, ông Hiếu lo ngại, việc vỡ nợ hàng loạt của TPDN nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng và có khả năng kéo hệ số an toàn vốn của ngân hàng (CAR) từ mức 11,69% tính vào tháng 10/2022 theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xuống mức dưới 10% cho toàn thể hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng mức rủi ro hệ thống cho ngân hàng Việt Nam. Với những ngân hàng nhỏ, nếu nắm giữ một lượng TPDN lớn mà là những trái phiếu có khả năng mất thanh khoản thì nguy cơ kéo những ngân hàng này vào vùng mất an toàn là rất lớn.
Phân tích từ chuyên gia đầu ngành về ngân hàng cho thấy, sự thiếu hụt thanh khoản đến từ 2 nguyên nhân chính: nợ xấu làm dòng tiền cho vay không trở lại với ngân hàng và do đó buộc nhiều ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản; các khoản đầu tư nhiều rủi ro, trong đó có việc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong khi nhiều nhà phát hành trái phiếu phải hoãn nợ.
Cũng vì thiếu thanh khoản, nhiều ngân hàng vẫn phải duy trì lãi suất cao để huy động tiền gửi. Lãi suất huy động cao đẩy lãi suất cho vay cao làm tê liệt nền kinh tế và đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng ngưng hoạt động hay phá sản.
“Cứ như thế vòng xoáy doanh nghiệp gặp khó khăn đưa đến nợ xấu và chậm trả nợ; nợ xấu và hoãn nợ dẫn đến tăng lãi suất để huy động vốn mới để trả vốn cũ và từ đó đẩy lãi suất lên cao, tạo ra nguyên nhân nhiều doanh nghiệp bị đánh bật khỏi thương trường. Cuối cùng, khủng hoảng và suy thoái sẽ xuất hiện”, ông Hiếu nêu.
Bên cạnh khó khăn về thanh khoản và tác động của lãi suất, ngân hàng đang phải duy trì tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được rút xuống 34%. Theo quy định của NHNN, tỷ lệ này sẽ được rút xuống 30% kể từ ngày 31/9/2023. Điều này có nghĩa là các ngân hàng phải huy động rất nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn vì có đến 80% tổng nguồn vốn huy động là vốn ngắn hạn.
Chất lượng tài sản suy giảm
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hệ thống ngân hàng không thể tăng cường và khai thông nguồn vốn tín dụng nếu vấn đề chất lượng tài sản của ngành ngân hàng cũng đang đặt ra nhiều lo ngại khi nợ xấu có xu hướng đi lên. Chất lượng tài sản ngân hàng mà cụ thể là chất lượng các khoản cho vay của ngân hàng là điểm tối trong hệ thống đánh giá sức khỏe ngân hàng CAMELS.
Để cải thiện chất lượng tài sản, ngân hàng nên minh bạch các con số và thông tin về nợ xấu. “Nợ xấu sẽ không tự nhiên biến mất nếu cứ mãi quét rác rưởi xuống dưới tấm thảm đẹp để che giấu”, ông Hiếu nêu.
Hiện nay, các ngân hàng có thể tìm cách bán nợ xấu trên sàn giao dịch nợ xấu mà VAMC đã thành lập. Tuy nhiên, để chợ nợ xấu được hoạt động mạnh, luật pháp cần sửa đổi việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm, thế chấp, cầm cố. Cùng với đó, Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu đã được gia hạn từ ngày 15/8/2022 đến 31/12/2023. Nghị quyết này cần bổ sung sửa đổi hay thay thế bằng một nghị quyết khác của Quốc hội để biến việc xử lý nợ xấu thành luật và cần phải được bổ sung nhiều điều khoản để công việc xử lý nợ và thu hồi nợ hiệu quả hơn và phù hợp hơn trong môi trường kinh doanh và pháp luật mới.
Ông Hiếu cũng khuyến nghị các cơ quan quản lý và thanh tra nên đặc biệt quan tâm đến hai lĩnh vực được dự báo tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.
NHNN cho biết đã thanh tra đột xuất một số ngân hàng và xử phạt những đơn vị vi phạm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Và NHNN nên công bố thông tin về kết quả của lần thanh tra này liên quan đến những vi phạm cụ thể của các ngân hàng để đại chúng có thể biết những sai phạm của các ngân hàng để tránh. Việc thanh tra chắc chắn sẽ giúp cải thiện các hoạt động cho vay của các ngân hàng và từ đó giúp khai thông nguồn vốn tín dụng.
“Muốn khai thông nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác thì hệ thống ngân hàng Việt Nam phải được cải tổ một cách toàn diện và thực chất. Nếu chúng ta đi tìm những giải pháp để khai thông nguồn vốn mà hệ thống tuần hoàn các nguồn vốn đó chính là ngân hàng và hệ thống ngân hàng chưa hoạt động một cách hiệu quả thì việc khai thông nguồn vốn chỉ mang tính ngắn hạn và giải quyết tình thế”, ông Hiếu đánh giá.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone