Ông lớn họ dầu khí ‘kẻ cười, người khóc’

Phương Minh - 19/08/2018 08:33 (GMT+7)

Các doanh nghiệp họ dầu khí đang phân hóa rất mạnh về hiệu quả hoạt động kinh doanh. Có những doanh nghiệp lãi cao ngất ngưởng và nhiều doanh nghiệp lỗ nặng, chủ yếu xoay quanh giá dầu biến động suốt thời gian qua.

VNF

Càng làm càng lỗ

Là một ông lớn trong ngành dầu khí, đảm nhiệm hầu hết các dịch vụ khoan tại các mỏ dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và vươn ra thị trường nước ngoài, nhưng hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) không tăng tương ứng.

Trong năm 2018, PVD khởi đầu không hề suôn sẻ, với cả hai quý kinh doanh đều lỗ. Lũy kế sáu tháng đầu năm 2018, PVD đã lỗ hơn 300 tỷ đồng. PVD lý giải lỗ do tăng chi phí bảo dưỡng, hoạt động dưới giá vốn và biến động tăng tỷ giá.

Thực tế, nếu nhìn vào hoạt động lõi kinh doanh là cung cấp giàn khoan thì việc lỗ lại nằm ở nguyên nhân khác. Ông Đỗ Văn Khạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVD, cho biết doanh thu của PVD được cấu thành từ đơn giá nhân với số ngày hoạt động và số lượng giàn khoan hoạt động. Do dịch vụ khoan là nền tảng kinh doanh cốt lõi của PVD nên chỉ cần các yếu tố trên suy giảm là tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận.

Theo giới phân tích, có rất nhiều nguyên nhân tác động đến điều này. Trước hết giá dầu suy giảm dẫn đến ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của mọi công ty trong ngành dầu khí. PVD là công ty chuyên cung cấp dịch vụ khoan nhưng giá dầu quá thấp khiến các nhà thầu dầu khí thắt chặt hầu bao tạm dừng các chiến dịch khoan khiến cho nhu cầu về thuê giàn thấp. Và tất yếu, một khi chênh lệch cung cầu quá lớn thì giá thuê giàn sẽ phải giảm mạnh.

Hiện nay có hơn 50% số lượng giàn khoan đang không có việc làm trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, các công ty nước ngoài chào giá dưới giá thành sản xuất nhằm kiếm việc làm. Chưa kể một lượng rất lớn giàn khoan đang đóng mới chờ đưa vào vận hành tạo ra một lượng cung dư thừa đang gây cạnh tranh lớn trên thị trường. Tất cả yếu tố này đưa đến giá thuê giàn ngày càng sụt giảm. Và PVD không nằm ngoài cuộc chơi này, mà hệ quả tất yếu là việc kinh doanh không thể khả quan.

Cách đây vài năm, PVD từng cho thuê giàn khoan với giá hơn 150-200 ngàn USD/ngày, nhưng giờ đây khi giá dầu xuống thấp thì giá thuê giàn cũng lao dốc mạnh chỉ còn khoảng 55-60 ngàn USD/ngày.

Theo các chuyên gia trong ngành dầu khí thì với giá dầu 50 USD/thùng, hầu hết công ty dầu khí đều hoạt động cầm chừng. Nếu giá dầu vượt qua mốc 60 USD thì các nhà thầu dầu khí triển khai hoạt động mạnh mẽ nên các giàn PVD sẽ không còn tình trạng chờ việc. Và giá dầu leo lên trên 70 USD, việc kinh doanh của các công ty trong ngành dầu khí trở nên ổn định hơn. Tuy nhiên, điều cần lưu ý khi giá dầu tăng tốc luôn có độ trễ cho các công ty cung cấp dịch vụ khoan. Chẳng hạn, năm 2018 giá dầu tăng trên 70 USD thì đến năm 2020 giá thuê giàn khoan mới tăng tương ứng.

Một công ty họ dầu khí khác là Tổng công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVS), dù không rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ như PVD nhưng cũng nhìn thấy rất trõ sự suy giảm lợi nhuận. Từ chỗ kiếm được lãi ròng là 1.800 tỷ đồng vào năm 2014 thì đến năm 2017, khoản mục này suy giảm chỉ còn 800 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính mới nhất, quý II/2018, PVS có khoản lợi nhuận sau thuế là 68 tỷ đồng, nếu so với quý cùng kỳ 2017 là 317 tỷ đồng, một sự chênh lệch khá lớn.

Tổng giám đốc PVS chia sẻ trong năm qua, hầu hết các dự án phát triển mỏ dầu khí biển trong và ngoài nước tiếp tục bị giãn, dừng triển khai dẫn đến khối lượng công việc giảm sút. Dịch vụ dầu khí biển (là khu vực dịch vụ chính của PVS) bị cạnh tranh khốc liệt, giảm nghiêm trọng theo cấp số nhân, về cả khối lượng công việc và giá trị dịch vụ.

Với thực trạng có hoạt động thì lỗ ít, không hoạt động thì lỗ nhiều hoặc phá sản, nhiều công ty cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài nước sẵn sàng chào phá giá, chấp nhận thực hiện dịch vụ với giá rất thấp.

Một cách tương tự, Công ty Cổ phần Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí (PXS) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Quý 2-2018, PXS lỗ 26,5 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế sáu tháng đầu năm 2018 lên đến mức 46,6 tỷ đồng và đây cũng là quý lỗ thứ ba liên tiếp của PXS.

Điểm sáng

Nếu như các công ty họ dầu khí nói trên thuộc về nhóm dịch vụ kỹ thuật, dù đã nỗ lực tìm kiếm việc làm, tạo doanh thu nhưng giá dịch vụ ở mức thấp, hồi phục chậm, cạnh tranh khốc liệt khiến biên lợi nhuận chưa được cải thiện, không đủ bù đắp chi phí, lợi nhuận tiếp tục đi xuống thì các công ty họ dầu chuyên về khai thác và bán lẻ lại thu được kết quả kinh doanh rất tốt.

Tổng công ty Cổ phần Khí Việt Nam (GAS) là một điển hình. Đây là đơn vị đi thu gom khí tại các mỏ và sau đó phân phối lại cho các doanh nghiệp khác trên thị trường. Giá dầu trong năm 2017-2018 có sự chuyển biến tốt cũng đã thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của GAS tăng cao.

Năm 2017, GAS ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 10.000 tỷ đồng thì lũy kế sáu tháng đầu năm 2018 thì lãi ròng đã đạt gần 6.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là giá dầu bình quân đạt mốc 70 USD/thùng đã giúp GAS có kết quả kinh doanh rất lạc quan.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) gần như miễn nhiễm với biến động giá dầu. Mặc dù lợi nhuận có ảnh hưởng đôi chút vì giá dầu giảm nhưng mỗi năm PLX luôn kiếm được hàng ngàn tỷ đồng. Bệ đỡ cho điều này là PLX là một ông lớn trên thị trường với hệ thống bán lẻ xăng dầu trải dài trên cả nước.

Trong mô hình kinh doanh, PLX đã thực hiện một chuỗi giá trị khép kín từ nhập khẩu hàng hóa, hệ thống kho hàng tiếp nhận, vận chuyển cho đến hệ thống bán lẻ tận tay người tiêu dùng. Mặt khác, Nhà nước gần như giữ lại quyền điều hành giá và cho doanh nghiệp một mức lợi nhuận cố định không bị chi phối bởi giá nguyên liệu đầu vào nên kinh doanh xăng dầu là ngành không có rủi ro.

Mặc dù các doanh nghiệp trong họ dầu khí có “người khóc, kẻ cười” thì dự báo trong tương lai triển vọng kinh doanh khá lạc quan. Theo dự báo của Bank of America, giá dầu Brent đến quý II/2019 có thể tăng lên 90 USD/thùng, thậm chí 100 USD/thùng do nguồn cung giảm.

Ở trong nước có thể thấy nhiều dự án đã đã bắt đầu triển khai. Chẳng hạn Tổ hợp hóa dầu miền Nam vừa được khởi công. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD tại Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2023.

Hay dự án Sao Vàng Đại Nguyệt (gồm 2 mỏ Sao Vàng và Đại Nguyệt) cũng được khởi công. Và các cổ đông của GAS cũng đã thông qua dự án đầu tư xây dựng công trình đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 với tổng mức đầu tư 6.483 tỷ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành dự án là vào quý III/2020.

Theo Pháp luật TP.HCM
Cùng chuyên mục
Tin khác