‘Ông lớn’ năng lượng Nga: Khí đốt của chúng tôi, quy tắc do chúng tôi quyết định
Thanh Tú -
17/06/2022 15:35 (GMT+7)
(VNF) - Sau khi giảm một nửa nguồn cung khí đốt tới Đức và vấp phải nhiều chỉ trích, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom Alexey Miller khẳng định rằng: “Sản phẩm của chúng tôi, quy tắc do chúng tôi quyết định”.
Trước đó vào hôm 15/6, Gazprom đã tuyên bố cắt giảm lượng khí đốt chuyển tới Đức qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) lên đến mức 60%, cao hơn mức 40% mà Gazprom đưa ra một ngày trước đó. Nguồn cung khí đốt qua đường ống này giảm từ 167 triệu m3/ngày xuống chỉ còn 67 triệu m3.
Phản ứng trước động thái này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng động thái của Gazprom là "một quyết định chính trị chứ không chính đáng về mặt kỹ thuật". Ông Habeck cáo buộc Nga đang tìm cách gây bất ổn thị trường, đẩy giá năng lượng leo thang bằng cách giảm mạnh nguồn cung.
Các công ty năng lượng châu Âu, bao gồm ENI của Ý, OMV của Áo cũng xác nhận nguồn cung khí đốt của Nga giảm đáng kể vào ngày 15-16/6. Ý là nước nhập khẩu khí đốt từ Nga lớn thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Đức.
Đứng trước những lời cáo buộc của Bộ trưởng Kinh tế Đức, Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller cho biết Nga sẽ tuân theo các quy tắc của riêng mình.
"Sản phẩm của chúng tôi, quy tắc do chúng tôi quyết định. Chúng tôi không chơi theo luật mà chúng tôi không tạo ra", ông Miller phát biểu trong một cuộc thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg ngày 16/6.
Ông Miller cho biết Gazprom đang sử dụng một số tuabin khí do Siemens sản xuất trên đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc của họ ở Đức, và hai trong số đó cần được bảo dưỡng trong năm nay. Những thiết bị này, được sử dụng để bơm khí vào đường ống, thường được bảo dưỡng từ ba đến bốn năm một lần và việc bảo dưỡng được thực hiện ở Canada.
Tuy nhiên, một tuabin hiện không thể quay trở lại Đức sau khi được bảo dưỡng ở Canada do lệnh trừng phạt, tuabin thứ hai cũng cần được bảo dưỡng nhưng không thể gửi ra nước ngoài để thực hiện việc này.
Ông Miller đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt đã cản trở việc trao trả thiết bị - một tuyên bố mà Đức bác bỏ là "vô căn cứ".
Trước đó, Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch và Hà Lan đã bị Gazprom đình chỉ việc giao khí đốt tự nhiên sau khi họ từ chối yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.