Ông Nguyễn Duy Hưng: PAN vào Bibica không phải để đấu với Lotte

Hoài Nam - 21/09/2017 14:52 (GMT+7)

(VNF) - Mới đây, tại chương trình NDH Talk chủ đề "Giấc mơ Thương hiệu Việt" , ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị của PAN Group đã nói về việc đầu tư vào Bibica của tập đoàn và ước mơ quyết tâm đưa thương hiệu bánh kẹo này lên số 1 Việt nam trong thời gian tới.

VNF
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch của The PAN Group

Bibica chỉ là đứa con rơi của chủ nghĩa thương mại tập trung

Tại chương trình NDH Talk chủ đề "Giấc mơ Thương hiệu Việt", Nhà báo Đinh Đức Hoàng hiện đang là biên tập viên phụ trách chuyên mục Góc Nhìn của tờ VnExpress có chia sẻ: "Thế hệ chúng tôi may mắn được trưởng thành sau khi bức tường Berlin sụp đổ, toàn cầu hóa diễn ra. Chúng tôi lớn lên với việc uống Coca-cola hay Fanta. Chúng tôi quen với việc tiêu dùng những sản phẩm toàn cầu hóa. Bây giờ chúng tôi ăn KFC hay McDonald’s. Chúng tôi không có ý thức gì về việc có tồn tại cái gọi là thương hiệu Việt Nam hay có cần thương hiệu Việt Nam hay không khi mà toàn cầu hóa mang lại cho chúng tôi mọi thứ chúng tôi cần".

Theo ông Hoàng, thương hiệu ở đây viết lên từ yếu tố văn hóa, kết nối cộng đồng trên tưởng tượng. Tất nhiên sẽ có người phản đối điều này. Trên thế giới thậm chí còn có một từ trong tiếng Anh là Cocacolanisation lai giữa Coca-cola và colonisation (thuộc địa hóa) dành cho những người hoàn toàn chấp nhận những sản phẩm văn hóa Mỹ.

Ông còn chia sẻ thêm: "Chúng tôi gọi Bibica là đứa con rơi của chủ nghĩa thương mại tập trung. Chúng ta không thể so sánh với nhứng đứa con cưng của chủ nghĩa tư bản được. Nếu giờ chúng ta muốn có thương hiệu Việt thì cuộc chiến sẽ căng thẳng hơn rất nhiều. Đối với tôi, việc lựa chọn uống Nestle, Coca-cola đơn giản hơn rất nhiều xây dựng một thứ thương hiệu Việt chỉ để có cái gọi là chủ nghĩa dân tộc. Đó là lựa chọn rất khó khăn. Tôi rất mong các anh gợi ý cho tôi chúng ta sẽ chọn Cocacolanisation hay chúng ta sẽ chọn có thương hiệu".

Thương hiệu Việt là điều hướng đến chứ không phải mục tiêu

Định nghĩa về thương hiệu, ông Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch công ty Ngô Viết cho rằng: "Nếu nói về mặt văn hóa của thương hiệu, tôi xin có một vài ý kiến. Vấn đề về tầm ảnh hưởng của thương hiệu, nó không chỉ đo bằng số lượng mà còn bằng chất lượng. Ví dụ thành phố Hội An là thành phố lịch sử đang trở thành thương hiệu quốc tế, không chỉ phục vụ cho người Việt Nam.

Tôi cảm thấy rất may mắn là sau chiến tranh làn sóng phát triển đô thị không lan đến Hội An, mặc quy mô Hội An nhỏ nhưng lại được cả thế giới biết đến, rất nhiều những người nổi tiếng đến Việt Nam đều mong muốn ghé qua Hội An. Điều đó cho thấy sự ảnh hưởng, thương hiệu của Hội An trên thế giới.

Nếu nói về số lượng, chúng ta có nhiều triệu người Việt Nam ở nước ngoài, mỗi quốc gia nước ngoài đều có cộng đồng người Việt Nam sinh sống. Nếu chúng ta tạo được ảnh hưởng từ chính những cộng đồng này thì chúng ta sẽ lan truyền được sự ảnh hưởng của chúng ta. Khi mà người ta muốn ăn một bát phở, được tham gia các hoạt động của người Việt như trung thu, tết, đó cũng chính là thương hiệu."

Ông Sơn nhìn nhận, thương hiệu Việt là cái chúng ta hướng đến chứ không phải là mục tiêu. Khi chúng ta làm được một sản phẩm cho người Việt và tiến tới tạo được ảnh hưởng tới cả thế giới thì đó mới chính là giá trị thương hiệu Việt.

PAN vào Bibica không phải để đấu với Lotte

Khi được hỏi về mối quan hệ giữa Bibica, Lotte và PAN, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết: "Mối quan hệ Bibica - Lotte, khi Lotte đầu tư vào Bibica thì muốn biến Bibica thành Bibica Lotte, bán sản phẩm Lotte ở thị trường trong nước. Tôi không đồng ý vì muốn gọi đối tác chiến lược để cùng xây dựng thương hiệu.

PAN vào Bibica để PAN mua những gì thuộc chiến lược phát triển của PAN, không phải một cuộc chiến. Anh Hưng thuộc về PAN nhưng PAN không thuộc về anh Hưng.

Thương hiệu có sống được hay không không phụ thuộc vào PAN, Bibica, Anh Hưng hay anh Chiến mà là ở chất lượng các sản phẩm. Thương hiệu sống khi sản phẩm luôn được cập nhật chất lượng".

Chủ tịch tập đoàn PAN chia sẻ rằng concept (ý tưởng chủ đạo) của tập đoàn là: "Sự phát triển của tập đoàn là cơ hội của người Việt".

"Đó là một cam kết chiến lược của tập đoàn để phấn đấu, không phải khẩu hiệu với người tiêu dùng. Chúng tôi mang các sản phẩm tốt nhất, giá cả tốt nhất, hợp lý cho người tiêu dùng. Tôi tin rằng sự tồn tại của thương hiệu không phải là câu chuyện duy ý chí, vì hàng Việt hay vì tình yêu Việt, nó là thứ phụ thuộc sản phẩm", ông Hưng cho biết thêm.

Cùng chuyên mục
Tin khác