Tài chính quốc tế

Ông Trump nói Mỹ phóng ‘tên lửa tàng hình’ tới Syria

(VNF) - “Tôi đã gọi điện, hỏi xem có bao nhiêu tên lửa bị đánh chặn và được trả lời là không có tên lửa nào. Chúng đều là các tên lửa tàng hình”, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc thảo luận về cải cách thuế ở bang Ohio khi đề cập tới kết quả cuộc không kích Syria ngày 14/4 vừa qua.

Ông Trump nói Mỹ phóng ‘tên lửa tàng hình’ tới Syria

Ông Trump khẳng định không có tên lửa nào của Mỹ bị đánh chặn tại Syria.

“Họ nói họ bắn hạ 40 tên lửa (của Mỹ). Tôi không nghĩ như vậy”, ông Trump nhấn mạnh.

Phát biểu của Tổng thống Trump nhằm đáp lại công bố của Bộ Tổng tham mưu Nga trong cuộc họp báo công bố phân tích về vụ tấn công của Mỹ, Anh và Pháp vào một số vị trí tại Syria ngày 25/4.

Theo Thượng tướng Sergey Rudskoy, Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga, quân đội Syria đã bắn hạ tổng cộng 46 tên lửa của liên quân nhằm vào các mục tiêu ở thủ đô Damascus và các khu vực ngoại ô.

Con số này được đưa ra trên cơ sở tổng hợp các thông tin nhận được từ hệ thống trinh sát, giám sát phòng không, công tác thực địa và phỏng vấn các nhân chứng.

Mỹ và đồng minh ngày 14/4 phóng 105 tên lửa hành trình vào ba mục tiêu ở Syria.

Cũng theo lời ông Rudskoy, chỉ có 13 tên lửa đánh trúng vào Trung tâm nghiên cứu khoa học Barzeh ở ngoại ô Damascus, không phải 76 tên lửa như Lầu Năm Góc tuyên bố. Ông cũng cho biết giới chức Nga ước tính chỉ không quá 22 tên lửa trong số 105 tên lửa của liên quân đánh trúng mục tiêu tại Syria.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Thượng tướng Sergey Rudskoy cho biết Syria đã bàn giao một quả tên lửa hành trình Tomahawk và một quả tên lửa phóng từ trên không có độ chính xác cao chưa nổ mà Mỹ và các đồng minh sử dụng trong đợt tấn công cho Nga.

Theo ông Rudskoy, hiện tại, các kỹ sư quân sự Nga đang nghiên cứu những mảnh vỡ tên lửa này nhằm cải thiện khả năng của hệ thống chống chiến đấu cơ. Đồng thời ông nhấn mạnh rằng hai tên lửa này sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm mục đích cải thiện, nâng cao hiệu quả phát triển vũ khí của nước Nga.

Hình ảnh tên lửa Mỹ bị bắn hạ ngày 14/4.

Phản ứng trước công bố này của Nga, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định rằng đó là những thông tin thiếu căn cứ và "lố bịch".

"Về việc Nga tuyên bố đang nắm giữ một tên lửa Tomahawk còn nguyên vẹn, chúng tôi không thấy có bằng chứng xác thực nào ngoài những tuyên bố của Nga với truyền thông quốc gia. Nếu tuyên bố đó là đúng, chúng tôi muốn xem ngay bằng chứng", Sputnik dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eric Pahon nói.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên trang cá nhân Twitter sáng 11/4: "Nga vừa lên tiếng sẽ bắn hạ bất kỳ và tất cả tên lửa Mỹ không kích Syria. Sẵn sàng đi Nga, bởi vì những quả tên lửa đẹp, mới và thông minh sắp sửa đến".

Dòng trạng thái dường như là sự đáp trả những thông tin đã được truyền thông đưa cùng ngày trước đó. Đại sứ Nga tại Li Băng, ông Alexander Zasypkin, tuyên bố nếu có một cuộc không kích Syria do Mỹ tiến hành, "tên lửa và những nơi chúng được phóng đi sẽ bị bắn hạ".

Bộ Quốc phòng Nga cho trưng bày các mảnh vỡ tên lửa được cho bị không quân Syria bắn hạ trong vụ không kích bất ngờ của Mỹ.

Sau đó, Mỹ và đồng minh ngày 14/4 phóng 105 tên lửa hành trình vào ba mục tiêu ở Syria nhằm đáp trả việc nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.

Lầu Năm Góc khẳng định họ đã đánh trúng cả ba mục tiêu liên quan đến vũ khí hóa học và không tên lửa nào bị bắn hạ.

Thông tin trái ngược trên khiến dư luận thế giới hoang mang về cuộc chiến truyền thông của hai bên và không biết đâu là sự thật.

Một quan chức tình báo cấp cao xin được giấu tên của Israel, đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực, ngày 17/4 cho rằng không có căn cứ khi tuyên bố 'sứ mệnh hoàn thành' (của chính Tổng thống Donald Trump) và khẳng định của nhiều tướng lĩnh Mỹ về việc phá hủy, đẩy lùi năng lực vũ khí hóa học của Syria cũng không có cơ sở nào để khẳng định.

Tình báo Israel cho rằng cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh chỉ có thể phá hủy một phần năng lực vũ khí hóa học của Syria

Phát biểu trên báo chí Israel, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng nước này phân tích rằng nếu Tổng thống Mỹ Trump phát động tấn công Syria nhằm mục đích làm tê liệt năng lực vũ khí hóa học của Syria, Washington có thể chưa đạt được.

Trên thực tế, cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh không khiến Chính phủ Syria run sợ mà thậm chí quân đội nước này còn củng cố thêm nhiều vùng đất khi liên tục đẩy lùi các nhóm nổi dậy khỏi căn cứ của chúng.

>> Lãnh đạo phe đối lập lại ‘nhập kho’ trước ngày ông Putin nhậm chức

Tin mới lên