Phát triển ngân hàng số tại Việt Nam: Đang đi nhanh nhưng cần 'xa lộ' lớn hơn

Kỳ Thư - 10/05/2024 06:30 (GMT+7)

(VNF) - Theo TS Cấn Văn Lực, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu, đảm bảo điều kiện cần thiết cho phát triển ngân hàng số. Đồng thời, ban hành các quy định quản lý theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngành ngân hàng tại Việt Nam đang trong một cuộc cách mạng về cách thức hoạt động và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Trong một thời đại mà công nghệ thấm vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn là một bước đi không thể tránh khỏi để các ngân hàng tồn tại và phát triển trong tương lai.

Trong quá trình đó, việc tìm ra cơ hội và đối mặt với thách thức rất quan trọng đối với không chỉ các ngân hàng thương mại mà cả những người làm chính sách. Xung quanh vấn đề này, Đầu tư Tài chính đã có cuộc trò chuyện với TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia.

- Ông đánh giá như thế nào về thực trạng phát triển các ngân hàng số tại Việt Nam?

TS Cấn Văn Lực: Ngân hàng số tại Việt Nam đang phát triển khá nhanh. 

Thứ nhất, số hóa hoạt động ngân hàng đã đến cấp độ thứ 2 trong 3 cấp độ số hóa chính đối với các ngân hàng gồm: Số hóa kênh giao tiếp khách hàng, số hóa hoạt động kinh doanh và ngân hàng số thuần túy. 

Trên thực tế, các ngân hàng tại Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới, ngân hàng lõi để phục vụ chuyển đổi số. Một số ngân hàng đã tiên phong cung ứng dịch vụ số cho khách hàng từ rất sớm. 

Cùng với đó, có khá nhiều công nghệ hiện đại, đột phá đã được các ngân hàng ứng dụng vào hoạt động. Bên cạnh các giải pháp thanh toán điện tử với cổng thanh toán điện tử, thẻ hoặc ví điện tử ngày càng trở nên quen thuộc, nhiều ngân hàng ứng còn ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain), chẳng hạn BIDV ứng dụng blockchain trong tài trợ thương mại, tiếp đó là MB, VPBank, Vietcombank... đã ứng dụng blockchain trong một số giao dịch tài chính. Các công nghệ sinh trắc học (nhận diện giọng nói, khuôn mặt, vân tay, mống mắt) cũng đã được ứng dụng một cách phổ biến. Cùng với đó, nhiều ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như: BIDV Smart Banking ứng dụng AI cho ra mắt không gian giao dịch số và đưa robot vào sử dụng (năm 2019); VIB kết hợp công nghệ AI với công nghệ xử lý Big Data vào quy trình chấm điểm tín dụng và duyệt hạn mức thẻ tín dụng (cuối năm 2020); SHB ra mắt robot – trợ lý SAHA trực tiếp phục vụ khách hàng tại trụ sở (tháng 3/2022).

Song song với việc ứng dụng AI, các ngân hàng cũng chú trọng ra quyết định dựa trên dữ liệu: VPBank ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu của IBM để đồng bộ hoá dữ liệu khách hàng, hỗ trợ phân tích hành vi khách hàng từ năm 2015; BIDV thành lập Trung tâm quản trị dữ liệu từ cuối năm 2020; VIB bắt đầu triển khai hoạt động trên Metaverse, thông qua hợp tác với nền tảng thực tế ảo Bizverse World để thành lập VIB showroom từ đầu năm 2022. 

Thứ hai, các hệ sinh thái ngân hàng dần hình thành. Tại Việt Nam, các dịch vụ trong hệ sinh thái ngân hàng đang cung cấp tập trung vào lớp dịch vụ lõi ngân hàng (core) và một số dịch vụ hệ sinh thái ngân hàng (banking ecosystems), thí dụ như BIDV ngày càng hoàn thiện hệ sinh thái số với BIDV SmartBanking, BIDV iBank… kết nối cung cấp dịch vụ công mức độ 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, bệnh viện, giao thông, cổng thông tin thuế cho nhà cung cấp nước ngoài…; liên tục mở rộng hợp tác kết nối với các trung gian thanh toán, các Fintech trên thị trường; hoặc như Vietcombank đã thành công trong kết nối trực tiếp với hệ thống ERP của khách hàng.

Thứ ba, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đạt mức tăng trưởng cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lũy kế 8 tháng năm 2023, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua internet cũng tăng tương ứng 76% và 1,79%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 65% và 77%; qua QR code tăng tương ứng 152% và 301% so với cùng kỳ năm 2022. Với khách hàng, có tới 95% các giao dịch của ngân hàng đã được thực hiện trên kênh số. Đến nay, đã có 90% hồ sơ của ngân hàng đã không sử dụng giấy tờ trong các quy trình nghiệp vụ. Theo dự báo của NHNN, giá trị thanh toán di động tại Việt Nam dự kiến tăng 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025.

Thứ tư, Fintech và Bigtech được tạo điều kiện phát triển, đang chủ động tham gia, vừa cạnh tranh vừa hợp tác với các ngân hàng, góp phần tăng tốc độ chuyển đổi số cho hệ thống ngân hàng.

TS Cấn Văn Lực

- Đâu sẽ là những thuận lợi trong việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam, thưa ông?

Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc phát triển ngân hàng số, những thuận lợi đó có thể kể đến:

Thứ nhất, hành lang pháp lý từng bước được hoàn thiện, ngày càng đề cao vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng thể hiện bằng nhiều văn bản pháp lý.

Thứ hai, Việt Nam có dân số đông, cơ cấu trẻ và phổ cập internet/smartphone cao. Theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc, tính đến ngày 25/9/2023, Việt Nam có 99,9 triệu dân, đứng thứ 15 trên thế giới với cơ cấu dân số trẻ, độ tuổi trung bình là 33,7 tuổi. 

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á.

Thứ ba, sức đẩy lớn đến từ cả phía cung và phía cầu. Về phía cung, các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam coi chuyển đổi số là một trong những trọng tâm chiến lược, tăng tốc đầu tư cho công nghệ số nhằm tự động hóa các quy trình nghiệp vụ giúp tiết giảm chi phí và thời gian, đồng thời đưa ra các sản phẩm trên nền tảng số ngày càng tiện ích, nhanh chóng, an toàn và phù hợp hơn với khách hàng. Về phía cầu, GDP của Việt Nam tăng trưởng khá khả quan. Theo WB, tăng trưởng GDP trong năm 2024 được dự báo khoảng 5,5% và khoảng 6% vào năm 2025.

Thứ tư, các công ty Fintech là động lực khiến các ngân hàng thương mại chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe hơn của khách hàng, từ đó thu hút các khách hàng mới và tạo lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng. Việc các công ty Fintech gia nhập thị trường với những lợi thế về mặt công nghệ khiến các ngân hàng phải tích cực chuyển đổi số nhằm cải thiện hiệu suất hoạt động của ngân hàng cũng như trải nghiệm của khách hàng và phần nào đó cạnh tranh lại với các công ty Fintech.

- Theo quan điểm của ông, đâu sẽ là những khó khăn trong việc triển khai các ngân hàng số tại Việt Nam? 

Triển khai ngân hàng số tại Việt Nam đòi hỏi kết hợp cả yếu tố con người và công nghệ. Việc triển khai ngân hàng số hiện còn gặp một số khó khăn như sau:

Thứ nhất, chi phí đầu tư công nghệ cao, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngân hàng số còn nhiều bất cập. Công nghệ ứng dụng trong ngân hàng số thường có tốc độ phát triển nhanh và dễ dàng thay thế bằng các công nghệ mới. Chi phí đầu tư công nghệ lớn đến từ việc các ngân hàng thường xuyên cải tiến, bảo trì và nâng cấp hệ thống để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây được coi là thách thức lớn đối với các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là những ngân hàng vừa và nhỏ khi việc đầu tư công nghệ đòi hỏi rất nhiều chi phí nhưng công nghệ đó lại nhanh chóng lỗi thời và phải cập nhật mới.

Thứ hai, rủi ro công nghệ thông tin và chuyển đổi số tăng. Rủi ro về bảo mật gia tăng làm ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng và được xem là một trong những nhân tố chính cản trở sự phát triển các phương tiện giao dịch điện tử tại Việt Nam. Bên cạnh đó, xu hướng Open Banking trong đó các ngân hàng hợp tác với Fintech như hiện nay cũng đặt ra yêu cầu về bảo mật thông tin và quản lý rủi ro đối với hệ thống ngân hàng vì Fintech sẽ được tiếp cận và sử dụng các nguồn dữ liệu của ngân hàng. Các dịch vụ bảo mật như dấu vân tay hiện tại ở các ngân hàng số Việt Nam thật sự chưa được kích hoạt như các ngân hàng số trên thế giới mặc dù dịch vụ này có hiển thị trên ứng dụng Mobile. 

Thứ ba, hạn chế về cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin. Để tạo ra một hệ sinh thái thì việc chia sẻ dữ liệu cần ở mức sâu, rộng hơn và số hóa. Việt Nam hiện chưa có quy định pháp luật về Open Banking như tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo mật, các loại dữ liệu được chia sẻ, các bên được quyền tiếp cận, quyền lợi và nghĩa vụ liên quan... Điều này khiến các ngân hàng Việt Nam chưa thể hình thành được một hệ sinh thái đúng nghĩa. Hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng vẫn là một hạn chế lớn đối với các ngân hàng tại Việt Nam, kể cả các ngân hàng lớn, khi mà dữ liệu còn rời rạc, chưa được cập nhật, chuẩn hóa và số hóa.

Thứ tư, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phân tích dữ liệu thiếu và yếu. Các ngân hàng Việt Nam hiện nay đang đối diện với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong phát triển ngân hàng số. Trong quá trình chuyển đổi số, nhu cầu nhân sự vừa am hiểu về tài chính ngân hàng, vừa am hiểu về công nghệ là một trong những thách thức lớn. Thực trạng nhân sự ngân hàng Việt Nam hiện nay là nhiều nhân sự am hiểu về tài chính ngân hàng thì chưa am hiểu về công nghệ và ngược lại. 

Ngoài ra, khung pháp lý còn chưa hoàn thiện cho các dịch vụ số mới. Theo đó, các quy định trong pháp luật còn nhiều mâu thuẫn như vướng mắc trong Luật Giao dịch điện tử, Luật Kế toán... liên quan đến số hóa hoạt động trong ngành ngân hàng. Dự thảo luật TCTD đã có bổ sung một số quy định về giao dịch điện tử như yêu cầu đảm bảo an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, nhưng còn khá sơ sài và chưa có quy định về ngân hàng số thuần túy (100%), chưa có quy định về các công nghệ mới, hiện đại (như Blockchain, Bigdata, Cloud, OpenAPI…). Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng hiện đang dừng lại ở dự thảo và mới chỉ tập trung vào lĩnh vực ngân hàng, nhiều dịch vụ như cho vay, đầu tư vẫn chưa được cho phép thực hiện online 100%...

Ảnh minh họa

- Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp trong việc phát triển Ngân hàng số tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về các giải pháp này? Theo ông, những chính sách này đã tác động như thế nào tới quá trình phát triển các ngân hàng số tại Việt Nam? 

Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng số nói riêng và thị trường tài chính số nói chung. Cụ thể, trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tài chính – ngân hàng là một trong tám lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về ngày Chuyển đổi số quốc gia, trong đó quyết định ngày 10 tháng 10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (dưới 10 triệu đồng/tháng). 

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. 

NHNN đã ban hành: Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra các mục tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện; Thông tư 16/2020 sửa đổi Thông tư 23/2014, trong đó cho phép áp dụng thử nghiệm công nghệ định danh điện tử e-KYC để mở tài khoản thanh toán có lượng giao dịch nhỏ (dưới 100 triệu/tháng); Thông tư 06/2023 sửa đổi TT39/2016 về hoạt động cho vay, trong đó cho phép các ngân hàng thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử với những khoản vay giá trị nhỏ (dưới 100 triệu đồng).

NHNN đã phối hợp với Bộ Công an xây dựng và triển khai phương án cấp và quản lí tài khoản an sinh xã hội trên nền tảng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Quy định kĩ thuật về dữ liệu trong thanh toán không dùng tiền mặt đối với việc thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục; hỗ trợ triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng kí xét tuyển đại học... NHNN tiếp tục đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Những giải pháp này đã thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng số tại Việt Nam. Để thực hiện theo các chỉ đạo của Chính phủ và mục tiêu của NHNN, các NHTM đã đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động chuyển đổi số. Hầu hết các tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số; tích cực ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 hoặc hợp tác với công ty Fintech nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng. Thói quen sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng của khách hàng cũng dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn: khách hàng đang tương tác với ngân hàng thông qua các ứng dụng di động, internet banking thay vì đến các chi nhánh vật lý; thanh toán số tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhìn chung, các giải pháp đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: Hành lang pháp lý còn nhiều thiếu sót như đã nêu trên; cơ sở hạ tầng công nghệ (như mạng internet, phủ sóng mạng di động 4G/5G, kho dữ liệu quốc gia về người dân/ doanh nghiệp…) còn chưa hoàn chỉnh; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao về côn nghệ thống tin (CNTT)… 

- Các nước trên thế giới đã và đang phát triển ngân hàng số như thế nào, thưa ông? Việt Nam có thể học hỏi gì từ họ?

Công nghệ đang làm thay đổi cách thức vận hành của ngân hàng, các mô hình kinh doanh như hệ sinh thái tài chính, dịch vụ ngân hàng (Banking-as-a-service)… trở nên phổ biến hơn. 

Tại Ideabank và ING (Hà Lan), ngoài dịch vụ ngân hàng đã cung cấp các dịch vụ như quản lý phải thu khách hàng, phân tích dòng tiền, kế toán… cho các khách hàng vừa và nhỏ (SME). Một số ngân hàng trên thế giới đã rất thành công với dịch vụ phi ngân hàng như Post Bank (Ý) trở thành nhà cung ứng dịch vụ viễn thông di động lớn nhất của Ý; Commonwealth Bank (Úc) đã triển khai ứng dụng mua nhà, cho phép cung ứng các khoản vay mua nhà và các sản phẩm ngân hàng khác bên cạnh việc mua bán nhà với tỷ lệ sinh lời đạt mức 100%; DBS (Singapore) đã thiết lập mối quan hệ đối tác trong nhiều ngành nghề lĩnh vực như vận tải, ẩm thực, giải trí, mua sắm, viễn thông…, đồng thời lập lên các sàn giao dịch (marketplace) ô tô, bất động sản, điện và tích hợp các sản phẩm ngân hàng vào các sàn giao dịch này. Tại Mỹ, ước tính khoảng 75,4% dân số đã sử dụng ngân hàng số trong năm 2021, và dự báo sẽ tăng lên hơn 80% vào năm 2025.

Khảo sát của Insider Intelligence năm 2020 cho biết 89% lượng phản hồi đã sử dụng ứng dụng ngân hàng di động, trong đó 80% coi đây là phương thức giao dịch chính với ngân hàng. Sự thay đổi này cũng kéo theo xu hướng cắt giảm mạng lưới hoặc tạm dừng mở rộng các kênh phân phối vật lý để cắt giảm chi phí, tập trung nguồn lực phát triển các kênh phân phối điện tử tại các ngân hàng, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển. Ví dụ như tại Anh, trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, các ngân hàng lớn đã đóng hơn 4.000 chi nhánh. Tại Mỹ, số lượng chi nhánh ngân hàng đã giảm hơn 5%, từ 85.993 xuống còn 81.586, trong giai đoạn 2017-2020 (theo thống kê của National Community Reinvestment Coalition được đăng tải bởi Forbes). Tại Hàn Quốc, 5 ngân hàng lớn nhất tại Hàn Quốc là Kookmin, Hana Bank, Shinhan, Woori và NongHyup đã tiến hành cắt giảm số lượng chi nhánh từ năm 2015 (giảm từ 5.093 xuống 4.682 chi nhánh năm 2021). 

Để thích ứng với mô hình kinh doanh mới, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, các quy trình của ngân hàng đang thay đổi theo hướng số hóa, tự động hóa nhiều hơn. Các quy trình của ngân hàng đang được áp dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ để trở nên nhanh chóng, hiệu quả hơn. Thí dụ như ngân hàng DBS đã sử dụng kho dữ liệu sinh trắc học Quốc gia của Singapore (Singpass) để tự động kiểm tra thông tin của khách hàng, giúp việc mở tài khoản được thực hiện nhanh chóng và không cần đến các giấy tờ khác; ngân hàng CGD (Bồ Đào Nha) đã sử dụng robot để tự động hóa trên ١١٠ quy trình nội bộ, giúp tiết kiệm hơn ٣٧٠.٠٠٠ giờ công của cán bộ; UBS (Thụy Sĩ) đã giảm thời gian xử lý hồ sơ cho vay từ ٣٠-٤٠ phút xuống còn ٥-٦ phút nhờ cũng nhờ công nghệ robot; ngân hàng Commonwealth (Australia) đã xây dựng trợ lý ảo COBA dựa trên công nghệ AI để hỗ trợ hoạt động chăm sóc khách hàng với khả năng trực tiếp thực hiện các giao dịch thay vì chỉ hướng dẫn đơn thuần…

Không dừng lại ở việc hợp tác, các ngân hàng còn lựa chọn mua lại các công ty fintech để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới nhằm rút ngắn thời gian phát triển các giải pháp công nghệ. Chiến lược này mang lại một số lợi thế về tính độc quyền, khả năng tiếp cận nhanh chóng với khách hàng/thị trường mới và bảo mật dữ liệu. Một số thương vụ nổi bật trong năm 2022 là BNP Paribas mua lại HedgeMark International, Veritex Holdings mua lại StoneCastle Insured Cash Sweep, Western Alliance Bancorp mua lại Digital Settlement Technologies.

- Ông có khuyến nghị gì để phát triển các ngân hàng số, đặc biệt là khuyến nghị về mặt chính sách, thưa ông? 

Về phía Chính phủ, tôi cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu, đảm bảo điều kiện cần thiết cho phát triển ngân hàng số.

Cùng với đó, chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với NHNN sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ; đồng thời quá trình vận hành khung khổ này cung cấp cơ sở thực tiễn để các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý, ban hành quy định quản lý theo hướng tạo thuận lợi, thích ứng đối với hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu về việc xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Fintech (Fintech Innovation Hub) tại Việt Nam theo mô hình doanh nghiệp với sự kết hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân, qua đó đem lại những lợi ích thiết thực và hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Fintech.

Thêm vào đó, tiếp tục chỉ đạo thực hiện những chính sách hỗ trợ khác như: Cải thiện cơ sở hạ tầng về viễn thông, mạng internet, kết nối 5G; hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia cũng như ban hành các quy định cho phép các định chế tài chính (ĐCTC) và công ty fintech truy cập, sử dụng kho dữ liệu này; 

Về phía NHNN, theo tôi, NHNN cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi hoặc bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động của tổ chức không phải ngân hàng trong hoạt động trung gian thanh toán quy chuẩn kết nối Open API, hướng dẫn cụ thể về việc ngân hàng giao đại lý thanh toán; sửa đổi Luật các TCTD theo hướng bổ sung quy định về ngân hàng số thuần túy (100%) và cơ sở pháp lý cho các công nghệ mới, hiện đại (như Blockchain, Bigdata, Cloud, OpenAPI…).

Với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là đầu mối định hướng, chỉ đạo các trường đại học phối hợp với doanh nghiệp Fintech, các tổ chức tài chính - ngân hàng đánh giá, tìm hiểu nhu cầu về nguồn nhân lực cho lĩnh vực Fintech, đào đạo và cung cấp đầy đủ nguồn nhân lực với chất lượng cao cho thị trường Fintech.

- Còn với các ngân hàng, theo ông, họ cần phải làm gì để có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số?

Các NHTM cần thực hiện một số việc sau để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số:

Thứ nhất, có kế hoạch chuẩn bị và phân bổ nguồn lực để phát triển công nghệ mới. Vốn đầu tư cho công nghệ là rất lớn nên các TCTD cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn lực cũng như lựa chọn phương án đầu tư phát triển công nghệ tài chính phù hợp.

Thứ hai, tăng cường, hợp tác với các công ty Fintech để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. 

Thứ ba, tăng cường công tác quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro công nghệ và đảm bảo an toàn thông tin. Trong đó, chú trọng đào tạo về kiến thức, kỹ năng và văn hóa quản trị rủi ro cho nhân viên, truyền thông và hướng dẫn khách hàng có ý thức về đảm bảo an toàn thông tin, đồng thời phải đầu tư cho hoạt động bảo mật thông tin của khách hàng.

Thứ tư, tăng cường giám sát và cảnh báo về rủi ro trong hoạt động thanh toán, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như thu hút, giữ chân nhân tài. Đối với đội ngũ nhân viên hiện có, cần tổ chức những khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về công nghệ thông tin, bồi dưỡng các nghiệp vụ, cập nhật các kiến thức về kỹ năng vận hành công nghệ số vào các hoạt động, giao dịch trong ngân hàng. Đồng thời, cần tổ chức các buổi giao lưu, học hỏi, đào tạo các kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo, đột phá, kỹ năng giải quyết nhanh và hiệu quả các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng cơ chế phúc lợi tốt cho nhân viên. 

Đối với tuyển dụng nhân viên mới, nên ưu tiên tuyển dụng lực lượng kỹ sư CNTT đủ lớn có chuyên môn cao cùng các chuyên viên nghiệp vụ cao có khả năng nghiên cứu ứng dụng công nghệ để sáng tạo sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Thứ sáu, xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ tương thích với nền tảng khoa học kỹ thuật hiện đại.

Cuối cùng, chủ động kết nối với các đối tác, khách hàng lớn tạo lập và dẫn dắt hệ sinh thái cung ứng dịch vụ tài chính gắn liền với hàng hóa, dịch vụ giải trí, du lịch, khách sạn, mua sắm hàng hóa… trọn gói “all in one”.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
KienlongBank triển khai Basel III, nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro

KienlongBank triển khai Basel III, nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro

(VNF) - Vừa qua, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) đã tổ chức lễ triển khai dự án Basel III nhằm nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro với sự tư vấn của KPMG.

Vạn Hương Investoco: Lỗ chồng lỗ, nợ gấp 8 lần vốn chủ

Vạn Hương Investoco: Lỗ chồng lỗ, nợ gấp 8 lần vốn chủ

(VNF) - Kết thúc năm 2023, Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco)- chủ đầu tư dự án khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Hải Phòng) báo lỗ gần 62 tỷ đồng.

Trực thăng chở Tổng thống Iran rơi: Không còn người sống sót

Trực thăng chở Tổng thống Iran rơi: Không còn người sống sót

(VNF) - Theo truyền thông nhà nước Iran, Tổng thống Ebrahim Raisi được cho là đã tử vong sau vụ rơi máy bay trực thăng.

Thị trường chuyển đổi số Việt Nam: Tiềm năng lớn, lợi nhuận cao nhưng ngại pháp lý

Thị trường chuyển đổi số Việt Nam: Tiềm năng lớn, lợi nhuận cao nhưng ngại pháp lý

(VNF) - “Việt Nam là quốc gia ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vì các bạn có tiềm năng và nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số”, đại diện công ty phần mềm TPIsoftware của Đài Loan nói và cho biết, thị trường chuyển đổi số Việt Nam có tiềm năng mang lại lợi tức đầu tư cao.

Phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn: 'Quốc hội quyết định công tác nhân sự, lập pháp'

Phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn: 'Quốc hội quyết định công tác nhân sự, lập pháp'

(VNF) - Sáng 20/5, Quốc hội khóa 15 đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Khoanh, xóa nợ thuế cho hơn 700 nghìn người

Khoanh, xóa nợ thuế cho hơn 700 nghìn người

(VNF) - Ngành thuế và hải quan đã thực hiện khoanh nợ đối với 704.431 người nộp thuế với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 28.380 tỷ đồng, sau 3 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 94.

Trung Quốc ra đòn trả đũa Mỹ và EU

Trung Quốc ra đòn trả đũa Mỹ và EU

(VNF) - Trung Quốc đã phát tín hiệu sẽ trả đũa các rào cản thương mại do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra khi nước này tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá đối với hóa chất nhập khẩu.

Hơn 18.000 căn hộ bỏ không, lãng phí hàng trăm tỷ mỗi năm

Hơn 18.000 căn hộ bỏ không, lãng phí hàng trăm tỷ mỗi năm

(VNF) - Chỉ tính riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước mỗi năm.

Đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 7 vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 7 vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 20/5/2024, trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cảng Đoạn Xá: Doanh thu tăng gấp 4, không dính nợ nần

Cảng Đoạn Xá: Doanh thu tăng gấp 4, không dính nợ nần

(VNF) - Cảng Đoạn Xá là doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn không vay nợ và rủng rỉnh tiền để đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh.

Cảnh sắc Mã Pí Lèng

Cảnh sắc Mã Pí Lèng

(VNF) - Mã Pì Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km đi qua 3 xã thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Từ lâu, nơi đây được coi là đệ nhất danh đèo của Việt Nam, là một trong "tứ đại đỉnh đèo" bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Pha Đin. Cùng ngắm vẻ đẹp hùng vĩ của tuyến đường đèo này qua ống kính của nhiếp ảnh gia Thanh Hải.