Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, bất ổn trong năm 2020

Lê Anh - 15/01/2020 16:11 (GMT+7)

(VNF) - Trả lời phỏng vấn tại Nhà khách Chính phủ ngày 14/1, dự báo về tình hình thế giới trong năm 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng chắc chắn năm 2020 sẽ tiếp tục khó khăn, bất ổn; nhất là tình hình kinh tế dự báo chiều hướng tiếp tục khó khăn, trong đó vấn đề thương mại toàn cầu sẽ chịu tác động.

VNF
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Theo Phó Thủ tướng, cho dù là có được giải pháp giữa Mỹ và Trung Quốc, giải pháp tạm thời hoặc là những biện pháp, nhưng vẫn còn đâu đó chính sách bảo hộ mậu dịch, những chính sách ảnh hưởng đến vấn đề tự do thương mại.

“Tình hình thế giới, khả năng vẫn còn nhiều bất ổn khó lường ở các khu vực chưa giải quyết được vì chưa có các giải pháp căn cơ để giải quyết, nhất là khu vực Trung Đông, khu vực Châu Phi”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.

Đề cập tới quan hệ Việt-Mỹ và quan hệ Việt-Trung, Phó Thủ tướng cho biết quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là quan hệ trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện còn quan hệ của Việt Nam với Mỹ là trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện.

“Quan hệ của Việt Nam với các nước này đã có khuôn khổ rồi và trong năm 2019 cũng diễn ra như vậy. Cơ bản Việt Nam duy trì quan hệ ổn định; về kinh tế thương mại thì đây là hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam; như tôi đã nói  đều là tăng trưởng thương mại trong năm 2019 so với 2018,  đều là tăng nhiều phần trăm so với năm 2018. Những con số đó nói lên quan hệ của chúng ta  vẫn tiếp tục được duy trì”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết thêm.

Phó Thủ tướng nêu rõ trong năm 2019, Việt Nam có 3 trụ cột quan trọng trong đối ngoại đó là chính trị - an ninh, kinh tế, ngoại giao văn hóa.

Nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2019 đạt những thành tựu rất nổi bật, thể hiện qua các con số như đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt mức xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, đạt mức 517 tỷ USD.

Đó là sự đóng góp chung của cả nền kinh tế, trong đó có kinh tế đối ngoại trong việc thúc đẩy thực hiện các cam kết trong hiệp định thương mại tự do. Bắt đầu từ đầu năm 2019, sau khi phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), từ tháng 1/2019 Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện cam kết trong CPTPP. Việc thực hiện CPTPP đã đóng góp những phần trăm nhất định vào thương mại của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục duy trì được quan hệ với các nước có nền kinh tế mạnh. Thương mại của Việt Nam với Mỹ  tiếp tục tăng trưởng, năm 2019 tăng trên 24% so với 2018. Quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trên 105 tỷ USD, tăng trưởng khoảng trên 8% so với năm 2018.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đó là kết quả của nền kinh tế chung của Việt Nam, nhưng trong đó cũng có đóng góp của ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường và khai thác thị trường.

Liên quan đến Biển Đông, Phó Thủ tướng khẳng định Biển Đông là vấn đề quan tâm chung của tất cả các nước. Biển Đông là đường biển hết sức là quan trọng về thông thương hàng hóa liên quan đến tất cả các nước, không phải chỉ các nước trong khu vực. Đương nhiên đối với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam thì vấn đề chủ quyền là vấn đề thiêng liêng, chúng ta phải bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam; cũng như tất cả các nước cũng đều có nhiệm vụ như thế.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề quan trọng là các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982. Khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nêu cao vấn đề tăng cường chủ nghĩa đa phương, tức là các cơ chế đa phương, và tôn trọng luật pháp quốc tế.

“Nếu các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982 và giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hòa bình thì sẽ đảm bảo được hòa bình. Nhưng nếu diễn ra các hoạt động vi phạm chủ quyền của các nước, đương nhiên là các nước ASEAN sẽ có một lập trường chung là phải đấu tranh, bảo vệ chủ quyền và yêu cầu phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982. Các nước ASEAN hiện nay cũng đang trong quá trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử với Trung Quốc, nhằm đảm bảo các mục tiêu và nguyên tắc như vậy”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ.

Xem thêm >> Kim ngạch thương mại Nga-Trung Quốc tăng kỷ lục

Cùng chuyên mục
Tin khác