Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trọng tâm kinh tế thế giới đang dịch chuyển về châu Á

Lê Anh - 31/05/2019 09:03 (GMT+7)

(VNF) - Phát biểu tại Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 25 tại Nhật Bản ngày 30/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng trọng tâm kinh tế thế giới đang dịch chuyển về châu Á và xu thế này nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong những thập kỷ tới.

VNF
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng cho biết chỉ trong 30 năm từ 1988 đến 2018, tỷ trọng của Châu Á trong GDP toàn cầu đã tăng từ 14% lên trên 36%. Đến năm 2050, dự kiến Châu Á sẽ chiếm tới 55% tổng sản lượng kinh tế thế giới và đóng góp 2/3 tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Về mặt công nghệ, từ chỗ là vùng trũng của thế giới, Châu Á nay đã là một trong những khu vực đi đầu về thử nghiệm công nghệ mới. Có tới 51% công ty ở khu vực này đã đầu tư vào các công nghệ để đón đầu cho việc triển khai mạng 5G.

Ước tính đến năm 2021, công nghệ số sẽ giúp GDP của khu vực tăng thêm 1.160 tỷ USD và giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng thêm 0,8% nữa. Riêng ở khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ dân số sử dụng Internet đã đạt 53%.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh  trả lời câu hỏi của các đại biểu tại Hội nghị. 

Về liên kết kinh tế, Châu Á hiện chiếm tới gần 2/3 tổng số FTA trên toàn thế giới. Bất chấp làn sóng bảo hộ thương mại đang nổi lên trên thế giới, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết và đi vào triển khai, trở thành FTA thế hệ mới đầu tiên trên thế giới. Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang được đẩy mạnh đàm phán và có thể được ký kết cuối năm nay.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. 

Đề cập tới Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết sau hơn 30 năm đổi mới, mở cửa, Việt Nam đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của khu vực và thế giới. Hiện Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và có độ mở lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt gần 7,1%, vào mức cao nhất trên thế giới; tổng kim ngạch thương mại đạt 485 tỷ USD, tương đương 200% GDP.

Các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã đem lại những kết quả tích cực. Theo Ngân hàng thế giới, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 xếp thứ 69/190 quốc gia.Xếp hạng năng lực cạnh tranh đạt mức 77/140 theo Diễn đàn kinh tế thế giới và chỉ số sáng tạo đạt mức 45/127 theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Các con số này đã phần nào thể hiện lòng tin, và sự hưởng ứng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với nỗ lực cải cách, đổi mới của Chính phủ Việt Nam thời gian qua.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh băt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. 

Việt Nam cũng là nước ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với toàn bộ nhóm G7 và 16/20 nước G20. Đây đều là các đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Việt Nam, chỉ tính riêng G7 chiếm gần 27% tổng vốn đầu tư nước ngoài; chiếm 50% tổng kim ngạch thương mại 2017 và đang có mức tăng bình quân 10-12%/năm.

Việt Nam đang thuộc nhóm nước dẫn đầu ASEAN về số lượng các Hiệp định thương mại tự do đã triển khai và đang được đàm phán.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch và rõ ràng; cải thiện khâu thực thi pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và tăng cường đối thoại với nhà đầu tư.

Xem thêm >> Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm Mỹ, thảo luận về Biển Đông

Cùng chuyên mục
Tin khác