Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: ‘Hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều đột phá’

Thanh Tú - 14/12/2021 16:39 (GMT+7)

(VNF) - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều đột phá trong 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước, qua đó đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

VNF
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh.

Nhân dịp Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn về thành tựu và định hướng đối ngoại của đất nước.

Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia và có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế-phát triển hàng đầu như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA “thế hệ mới” như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Bên cạnh đó, trong hai năm qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, Việt Nam đã triển khai công tác ngoại giao y tế/ngoại giao vaccine rất kịp thời và hiệu quả, đến nay đã nhận được trên 151 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị y tế, góp phần quan trọng cho công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Việt Nam cũng đã viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, thể hiện rõ vai trò “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế.

Phó Thủ tướng nhận định rằng trong 5-10 năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta.

Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, thu hút mạnh mẽ nguồn lực bên ngoài để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đồng thời nâng cao chất lượng hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá, du lịch, v.v…

Cũng theo Phó Thủ tướng, cần nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai công tác hội nhập quốc tế. Không ngừng củng cố bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.

Xem thêm >> Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2

Cùng chuyên mục
Tin khác