‘Phớt lờ’ lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga tuyên bố duy trì hợp tác với Venezuela

Thanh Tú - 18/03/2019 12:09 (GMT+7)

(VNF) - “Nga sẽ tiếp tục phát triển hợp tác đôi bên cùng có lợi với Venezuela bất chấp áp lực từ phía Mỹ”, hãng tin Sputnik của Nga ngày 17/3 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov.

VNF
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Chúng tôi (Nga và Venezuela) đã phát triển và sẽ tiếp tục phát triển hợp tác hoàn toàn bình thường, tự nhiên, đôi bên cùng có lợi và hợp pháp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng, sản xuất dầu mỏ, khai thác mỏ, hợp tác kỹ thuật quân sự, mà chúng tôi đã phát triển thành công trong những năm qua", vị Thứ trưởng khẳng định.

Ông nhấn mạnh rằng "các cuộc tấn công của Mỹ sẽ không ngăn được chúng tôi, các lệnh trừng phạt của Mỹ là hiện tượng rất bình thường".

"Vào tuần trước, viện cớ sự việc ở eo biển Kerch, các lệnh trừng phạt mới đã được đưa ra và đây là vòng thứ 67. Chúng tôi đã học được cách sống trong điều kiện trừng phạt, chúng tôi không sợ chúng, chúng tôi tự tin vào khả năng của mình, chúng tôi có đối tác, nhiều quốc gia có lập trường tương tự như chúng tôi, có quan điểm chung về tính không thể chấp nhận được của các lệnh trừng phạt mà Mỹ đưa ra”, ông Ryabkov tuyên bố.

Theo ông, Washington "có thể đe dọa bất cứ ai, nhưng đây không phải là lý do để từ bỏ các lập trường mang tính nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia".

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã cáo buộc nhà sản xuất dầu khí Rosneft của Nga đang thách thức các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách tiếp tục mua dầu từ công ty dầu lửa nhà nước Venezuela, PDVSA.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov.

Bên cạnh đó, Bộ tài chính Mỹ mới đây cũng đã bổ sung ngân hàng Eurofinance Mosnarbank của Nga vào danh sách trừng phạt, vì được cho là đã liên lạc với công ty sản xuất dầu nhà nước Venezuela PDVSA.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 13/3 khẳng định rằng những lời đe dọa của Mỹ đối với công ty Rosneft là vô nghĩa. Công ty Rosneft đã nhận nhiều lệnh trừng phạt song nó vẫn phát triển mạnh mẽ.

Công ty Nga nêu rõ, công ty này không liên quan đến hoạt động chính trị và chỉ thực hiện các hoạt động thương mại đơn thuần, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các hợp đồng mà hãng thực hiện với Venezuela đều diễn ra trước thời điểm Mỹ áp đặt trừng phạt với quốc gia Nam Mỹ này và Rosneft sẽ tìm kiếm các biện pháp pháp lý để bảo vệ lợi ích cần thiết của hãng.

Trước những biến động trên chính trường, Venezuela đã chủ động chuyển văn phòng từ EU sang Nga. Dòng dầu đổ từ Venezuela về Nga và thành phẩm dầu từ Nga về Venezuela không những không bị ảnh hưởng gì mà còn gia tăng. Chỉ có giao dịch của Venezuela với Mỹ, EU là giảm mạnh.

Vốn đã chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, Venezuela lại rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị lớn kể từ khi ông Juan Guaido hồi tháng 1 tự phong là Tổng thống lâm thời của Venezuela và gọi ông Maduro là "kẻ tiếm quyền".

Mỹ cùng một số quốc gia công nhận Guaido và cam kết ủng hộ chính trị gia 35 tuổi này. Nga, Trung Quốc, Cuba và một số nước khác khẳng định Maduro là tổng thống hợp pháp của Venezuela.

Xem thêm >> Dữ liệu hộp đen trong 2 thảm kịch Boeing 737 MAX có nhiều ‘điểm tương đồng’

Theo Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác