PNJ: Lợi nhuận quý I giảm 4% vì dịch Covid-19, đặt trọng tâm tối ưu hóa chi phí

Thanh Long - 10/04/2020 08:36 (GMT+7)

(VNF) - Quý I/2020, lợi nhuận sau thuế của PNJ giảm 4% so với năm 2019 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; riêng tháng 3 ước tính giảm tới 34%. Phía PNJ cho biết tối ưu hóa chi phí sẽ là trọng tâm của năm 2020, đồng thời sẽ chuyển hướng tập trung bán trang sức có hàm lượng vàng cao và vàng miếng nhằm tận dụng sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng do dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp.

VNF
PNJ: Lợi nhuận quý I giảm 4% vì dịch Covid-19, đặt trọng tâm tối ưu hóa chi phí

Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) mới đây đã tổ chức buổi họp trực tuyến liên quan đến tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động của công ty và kế hoạch của ban lãnh đạo trong giai đoạn khó khăn này.

Theo tường thuật của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quý I/2020, tổng doanh thu của PNJ đạt 5 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý I chỉ đạt 411 tỷ đồng, giảm 4%. Ước tính của VCSC cho thấy, lợi nhuận của PNJ đã giảm tới 34% tính riêng trong tháng 3.

Theo ban lãnh đạo PNJ, kết quả kinh doanh tháng 3/2020 của PNJ chịu tác động từ lượng khách đến cửa hàng bán lẻ giảm trong bối cảnh Covid-19, điều này khiến doanh thu bán lẻ giảm 10% trong tháng.

Trong vài ngày cuối tháng 3, PNJ cũng ghi nhận mức giảm tới 39% cho doanh thu bán lẻ. PNJ cũng ghi nhận doanh thu bán buôn ở mức thấp; tuy nhiên, doanh số bán vàng miếng mạnh mẽ giúp hỗ trợ doanh thu của công ty.

Vào đầu tháng 3, HĐQT của công ty đã đặt kế hoạch 2020 bao gồm tăng trưởng doanh thu và LNST đạt lần lượt 12% và 13%. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ban lãnh đạo công ty này cho biết nhiều khả năng sẽ điều chỉnh các kế hoạch này.

Tính đến cuối quý I/2020, PNJ có tổng cộng 350 cửa hàng, bao gồm 296 cửa hàng vàng, 54 cửa hàng bạc và 27 cửa hàng đồng hồ (mô hình shop-in-shop). Do Chỉ thị 16 của Chính phủ yêu cầu tạm thời đóng cửa tất cả dịch vụ không thiết yếu trong toàn quốc ít nhất cho đến ngày 15/4, PNJ đã đóng cửa khoảng 86% tổng số cửa hàng (bao gồm 100% cửa hàng tại TP. HCM và Hà Nội, chiếm tổng cộng 52%-55% tổng doanh thu).

Theo ban lãnh đạo công ty, trong trường hợp 100% cửa hàng đóng cửa, PNJ có thể ghi nhận lỗ khoảng 60 tỷ đồng/tháng.

Để đối phó với tình hình khó khăn này, ban lãnh đạo PNJ cho biết công ty đã gia tăng nỗ lực bán hàng online, với khuyến mãi độc quyền cho kênh online dành cho khách hàng và giao hàng miễn phí. Do đó, doanh thu bán hàng online của PNJ đã tăng mạnh 173% trong quý I/2020 so với quý I/2019 (sau khi tăng mạnh 215% trong năm 2019 so với 2018).

Chỉ tính trong tháng 3/2020, doanh số online đã tăng mạnh 164%. Dù vậy, đóng góp doanh thu từ doanh số online duy trì ở mức thấp khoảng dưới 5% trong tổng doanh thu, theo ước tính của VCSC.

Ban lãnh đạo PNJ cho hay tối ưu hóa chi phí sẽ là trọng tâm của PNJ trong năm 2020. Các kế hoạch chính bao gồm điều chỉnh thu nhập cho nhân viên và thương lượng lại tiền thuê mặt bằng.

Liên quan đến thu nhập nhân viên, ban lãnh đạo công ty sẽ tình nguyện cắt giảm 50% thu nhập trong khi các nhân viên khác sẽ nghỉ phép không lương 2 ngày/tuần và sử dụng các ngày nghỉ này cho việc đào tạo. Trong khi đó, cho đến hiện tại, PNJ đã thương lượng với khoảng 40% chủ mặt bằng để giảm tiền thuê. Mức giảm nằm trong khoảng 15% đến 100%.

Về giải pháp liên quan đến cơ cấu sản phẩm, PNJ sẽ tập trung vào trang sức có hàm lượng vàng cao và vàng miếng nhằm tận dụng sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng do dịch Covid-19.

Theo ban lãnh đạo, trong thời gian này, các khách hàng bán lẻ của của PNJ, phần lớn là nhóm khách hàng có thu nhập cao, nhiều khả năng sẽ ưa chuộng trang sức có hàm lượng vàng cao hơn so với trang sức thời trang (như đá quý) khi các khách hàng này xem các loại trang sức không chỉ là phụ kiện thời trang mà còn là tài sản.

Theo quan điểm của VCSC, các thay đổi trong cơ cấu sản phẩm này sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp trang sức vàng bán lẻ do trang sức hàm lượng vàng cao thường có biên lợi nhuận gộp thấp hơn so với kim cương có giá trị cao và trang sức đá quý.

Mặt khác, PNJ cũng có kế hoạch gia tăng các sản phẩm bạc, bao gồm phân khúc cao cấp, nhằm tận dụng xu hướng người tiêu dùng trẻ chuyển sang các sản phẩm giá rẻ hơn.

Đối với hoạt động sản xuất, PNJ đã bắt đầu giảm quy mô sản xuất từ đầu năm 2020 trong bối cảnh doanh thu bán lẻ và bán buôn suy yếu. Tính từ đầu năm đến nay, công ty đã giảm số ca làm việc của công nhân.

PNJ đang sử dụng khoảng thời gian này nhằm nâng cao tay nghề cho công nhân khi đặt mục tiêu triển khai tự sản xuất các sản phẩm trang sức bạc có giá trị cao, trang sức vàng Ý cao cấp cũng như trang sức bạch kim ngay khi hoạt động kinh tế và chi tiêu của khách hàng phục hồi sau khủng hoảng do dịch Covid-19.

Ngoài ra, ban lãnh đạo PNJ cho biết đã tăng cường lượng tiền mặt dự trữ gấp 4 lần so với mức thông thường để chuẩn bị cho các kịch bản kinh doanh mùa Covid-19.

Cùng chuyên mục
Tin khác