PVN đề xuất phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất, chịu mất 5.000 tỷ đồng

Anh Hùng (tổng hợp) - 29/08/2017 09:57 (GMT+7)

Theo báo cáo về tình hình xử lý các doanh nghiệp yếu kém do mình quản lý, Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) đề xuất bán vốn hoặc cho phá sản Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

VNF
Công nhân làm việc tại nhà máy đóng tàu Dung Quất

PVN vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình xử lý tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp kém hiệu quả. 

Theo báo cáo này, về việc xử lý Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (nhà máy đóng tàu Dung Quất), PVN cho biết ngày 25/7 đã có văn bản báo cáo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ Công Thương về phương án xử lý.

PVN đưa ra 4 kiến nghị, thứ nhất là đề xuất bán nhà máy đóng tàu Dung Quất theo hành lang pháp lý đã được Chính phủ quy định. Trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản đấu giá tài sản.

Đề xuất thứ hai của PVN là ủy quyền cho Hội đồng thành viên PVN quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến quá trình thực hiện phương án được duyệt.

Thứ ba, PVN đề xuất có cơ chế giao một số phần việc cho nhà máy đóng tàu Dung Quất thực hiện. Việc này nhằm đảm bảo đời sống, việc làm và ổn định tư tưởng, tâm lý cho cán bộ, công nhân viên chức của nhà máy.

Thứ tư là Bộ Công Thương sớm có văn bản kiến nghị Thủ tướng giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hồ sơ đối với tàu 104.000 DWT. Kết quả kiểm toán sẽ là cơ sở để xác định giá trị, nhằm xử lý dứt điểm việc bàn giao giữa PVN và Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam.

Liên quan đến việc xử lý các tài sản không cần dùng, chờ thanh lý theo quy định, PVN cho biết Hội đồng thành viên đang xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh lý, dự kiến trong tháng 8 sẽ hoàn thành.

Trước đó, PVN đã chuyển Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất gần 2.000 tỷ đồng góp vốn điều lệ và trên 3.100 tỷ đồng để thanh toán nợ cũ cho Vinashin.

Theo Bộ Công Thương, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư.

Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế, trong khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động khi mất việc cũng là vướng mắc.

Bộ này đánh giá phương án phá sản có nhiều khó khăn nhất định, gây ra thiệt hại về tài chính. Tuy nhiên, nếu các phương án khác không khả thi thì có thể xem xét, trình Thủ tướng quyết định.

Cùng chuyên mục
Tin khác