PYN Elite Fund: 'Vẫn chưa muộn để lên tàu và tận hưởng triển vọng tích cực của thị trường'

Thanh Long - 26/11/2020 09:37 (GMT+7)

(VNF) - "Vẫn chưa muộn để lên tàu và tận hưởng triển vọng tích cực của thị trường", PYN Elite Fund gửi thông điệp, đồng thời tin rằng khối ngoại sẽ mua ròng trên TTCK Việt Nam trong tháng 12/2020.

VNF
PYN Elite Fund: 'Vẫn chưa muộn để lên tàu và tận hưởng triển vọng tích cực của thị trường'. Ảnh: Ông Petri Deryng, Giám đốc PYN Elite Fund.

Trong thông báo mới đây gửi đến các nhà đầu tư, quỹ PYN Elite (PYN Elite Fund) nhìn nhận các doanh nghiệp Việt Nam đã có đà tăng trưởng tốt trong năm 2020 và đây là tiền đề cho màn trình diễn ấn tượng của thị trường chứng khoán. Thế nhưng, việc dòng vốn nước ngoài rút lượng lớn trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã triệt tiêu triển vọng của thị trường.

Tuy nhiên, PYN Elite Fund cho rằng mọi thứ bây giờ đã khác.

Quỹ này nhấn mạnh hiện VN-Index chỉ tăng 2,9% so với đầu năm bất chấp GDP Việt Nam tăng trưởng cỡ khoảng 2,5% trong năm nay và thu nhập của các doanh nghiệp niêm yết dự báo sẽ tăng tới 34% vào năm 2021.

Mặc dù năm nay, PYN Elite Fund ghi nhận hiệu suất sinh lời 12,5% nhưng quỹ này lưu ý rằng điều này đến từ sự tăng trưởng mạnh của một số cổ phiếu riêng lẻ, đặc biệt là CTG. Một số cổ phiếu khác vẫn có mức giá thấp hơn so với đầu năm dù tiềm năng tăng trưởng trong năm 2021 rất tốt, như VHM - nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam hay POW - công ty phát điện hàng đầu.

Phía PYN Elite Fund nhấn mạnh P/E năm 2021 của VN-Index dự báo sẽ giao dịch ở mức thấp so với lịch sử cũng như so với mức định giá của các thị trường mới nổi khác ở châu Á. Đồng thời tin rằng dòng vốn ngoại ròng chảy vào TTCK Việt Nam sẽ chuyển từ âm sang dương trong tháng 12.

"Vẫn chưa muộn để lên tàu và tận hưởng triển vọng tích cực của thị trường", phía PYN Elite Fund gửi thông điệp.

Thời gian vừa qua, TTCK Việt Nam ghi nhận màn trình diễn ấn tượng, VN-Index đã có lúc vượt mốc 1.000 điểm.

Lý giải cho đà tăng của TTCK, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng cho rằng việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, dẫn đến những thiệt hại về người và tài sản được giảm thiểu, nền kinh tế được phục hồi, là nguyên nhân quan trọng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK thời gian qua.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý TTCK cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Cùng với đó, thời gian qua, TTCK còn nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo đó, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước trong 3 quý đầu năm có nhiều điểm sáng, xuất khẩu khả quan, thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát được kiểm soát. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong quý IV được các tổ chức quốc tế đánh giá khá tốt (IMF, World Bank, ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng từ 1,6% - 3% trong năm 2020).

Thêm vào đó, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt các dự án quy mô lớn, trọng điểm sẽ có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế nói chung và phát triển các doanh nghiệp nói riêng. Nhiều doanh nghiệp có tiềm năng phát triển nếu tận dụng được các cơ hội dịch chuyển đầu tư, đồng thời xử lý tốt những thách thức trong bối cảnh triển khai các hiệp định thương mại và đầu tư quốc tế mới được phê chuẩn (EVFTA, AVIPA).

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong 9 tháng đầu năm có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ nét, số công ty có lãi giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn chiếm tới 86%.

Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh với việc Kuwait được nâng hạng Emerging Markets, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong đợt phân loại lại thị trường MSCI Frontier Markets vào tháng 11. Đây cũng sẽ là động lực thu hút dòng vốn từ các quỹ theo dõi chỉ số cận biên vào TTCK Việt Nam.

Ngoài ra, trong thời gian qua, các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư vàng trở nên kém hấp dẫn hơn do các ngân hàng giảm lãi suất và đà tăng của giá vàng chững lại, dẫn đến dòng tiền nhàn rỗi đã được đầu tư vào TTCK, góp phần tăng sức mua trên TTCK.

Bên cạnh những yếu tố nội tại trong nước, theo ông Trần Văn Dũng, sự phục hồi kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu trong quý III vừa qua cũng là một trong những động lực khiến TTCK Việt Nam tăng trưởng.

Chủ tịch UBCKNN lưu ý trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, triển vọng kinh tế toàn cầu khó dự đoán sẽ tác động tới định hướng chính sách phát triển kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.

Cùng chuyên mục
Tin khác