Quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thế nào?

PV - 17/12/2018 08:49 (GMT+7)

Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông tư 29/2018/TT-NHNN hướng dẫn việc xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

VNF
Quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Tiền ký quỹ là khoản tiền đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và Nhà nước trong các trường hợp quy định.

Xác nhận tiền ký quỹ của doanh nghiệp

Khi có nhu cầu ký quỹ tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện giao kết hợp đồng ký quỹ.

Hợp đồng ký quỹ bao gồm các nội dung chính sau: Tên, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp; Tên, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của ngân hàng (hoặc chi nhánh ngân hàng) nhận ký quỹ; Số tiền ký quỹ; Mục đích ký quỹ; Lãi suất tiền gửi ký quỹ; Hình thức trả lãi tiền ký quỹ; Sử dụng tiền ký quỹ; Rút tiền ký quỹ; Tất toán tài khoản ký quỹ; Trách nhiệm của các bên liên quan và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục mở tài khoản ký quỹ theo hướng dẫn của ngân hàng nhận ký quỹ và nộp số tiền ký quỹ vào tài khoản ký quỹ theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Sau khi nhận đủ số tiền ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ hạch toán tiền ký quỹ vào tài khoản tiền ký quỹ bằng đồng Việt Nam, cấp giấy Xác nhận ký quỹ cho doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp thay đổi vốn điều lệ và có nhu cầu điều chỉnh số tiền ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ và doanh nghiệp thực hiện việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng ký quỹ hoặc ký kết hợp đồng ký quỹ mới và thực hiện ký quỹ theo quy định.

Lãi suất tiền ký quỹ do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng ký quỹ giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ đảm bảo phù hợp với quy định về lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.

Xử lý khoản tiền đã ký quỹ

Khi nhận được văn bản của Bộ Công Thương yêu cầu trích tiền ký quỹ của doanh nghiệp để xử lý các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện trích tiền ký quỹ cho người tham gia bán hàng đa cấp hoặc theo quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp số tiền trên tài khoản ký quỹ của doanh nghiệp không đủ để sử dụng chi trả theo yêu cầu tại văn bản của Bộ Công Thương, ngân hàng nhận ký quỹ phải có văn bản thông báo cho Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) biết và xử lý theo văn bản phản hồi của Bộ Công Thương.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/01/2019.

Khoản 2 Điều 50 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP quy định: Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ và ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Khoản 1 Điều 53 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP quy định tiền ký quỹ được sử dụng trong các trường hợp sau:

a- Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này nhưng không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý các tranh chấp giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp liên quan đến các nghĩa vụ đó;

b- Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp đã có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền.

Cùng chuyên mục
Tin khác