Quốc hội chính thức bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh

Trung Mỹ - 20/11/2018 09:28 (GMT+7)

(VNF) - Sáng 20/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch với 418/463 ĐBQH biểu quyết tán thành, chiếm 86,19% tổng số ĐBQH.

VNF
Quốc hội chính thức bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh

Bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị không lập Quy hoạch xây dựng tỉnh vì nội dung, mức độ chi tiết của Quy hoạch xây dựng tỉnh trùng với Quy hoạch tỉnh tại Luật Quy hoạch.

Một số ý kiến khác đề nghị cần có Quy hoạch xây dựng tỉnh với tính chất là quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành để cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh và là công cụ quan trọng trong quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc bỏ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh đồng nghĩa với việc phải thay đổi lại toàn bộ hệ thống đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh của Việt Nam được xây dựng từ trước đến nay.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), đây là vấn đề mới và còn nhiều ý kiến khác nhau, để bảo đảm thận trọng, khách quan, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH về nội dung nêu trên.

Kết quả có 217/469 phiếu (46,26%) đồng ý phương án 1, tức là Quy hoạch xây dựng tỉnh được lập là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh).

251/469 phiếu (53,51%) đồng ý phương án 2, là Quy hoạch xây dựng tỉnh được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh để bảo đảm sự đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp.

Trên cơ sở đó, Ủy ban TVQH chỉnh lý theo hướng không tiếp tục lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (Quy hoạch xây dựng tỉnh) mà tích hợp nội dung này vào Quy hoạch tỉnh, để bảo đảm không trái với các nguyên tắc xây dựng Luật và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch.

Các loại quy hoạch khác còn lại trong quy hoạch xây dựng như quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tiếp tục được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh.

Với nội dung của Quy hoạch tỉnh được quy định tại Điều 27 của Luật Quy hoạch, bảo đảm đủ căn cứ để quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn chuyển tiếp, các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt theo pháp luật về xây dựng vẫn được thực hiện cho đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo pháp luật về quy hoạch.

Giữ quy định chung thành phố trực thuộc Trung ương

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng nội dung quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương không trùng lặp với nội dung quy hoạch tỉnh và phù hợp với Luật Quy hoạch, đề nghị nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng các thành phố trực thuộc trung ương thiếu đi một công cụ quy hoạch quan trọng.

Theo Uỷ ban TVQH, trên thực tiễn, các thành phố trực thuộc trung ương có vai trò động lực phát triển đối với các vùng và cả nước, có mật độ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa rất cao, khối lượng đầu tư xây dựng lớn.

Trong thời gian qua, UBND các thành phố trực thuộc trung ương đã tổ chức lập quy hoạch chung đô thị và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở để quản lý, đầu tư phát triển đô thị. Do vậy, việc tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị sẽ bảo đảm các đô thị này phát triển hiệu quả, bền vững, đồng bộ.

Với lý do đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương tại Luật Quy hoạch đô thị.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Quy hoạch thì Quy hoạch tỉnh cũng được lập ở thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, cần xác định rõ mối quan hệ giữa 2 quy hoạch cùng cấp đều điều chỉnh về tổ chức không gian đô thị này, tránh chồng chéo, lãng phí, mâu thuẫn về nội dung giữa 2 quy hoạch; bảo đảm khai thác hiệu quả các nguồn lực trong triển khai thực hiện; đáp ứng yêu cầu quản lý, xây dựng và phát triển đô thị, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng chuyên mục
Tin khác