Quyền Tổng giám đốc VEAM đi nước ngoài khi chưa được Bộ Công Thương cho phép
Lệ Chi -
25/12/2018 10:06 (GMT+7)
(VNF) - Bộ Công Thương vừa có công văn hỏa tốc về việc đi nước ngoài của ông Ngô Văn Tuyển, đại diện vốn nhà nước tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được Công văn số 1041 của VEAM và đơn xin phép nghỉ đi nước ngoài của ông Ngô Văn Tuyển, người đại diện vốn nhà nước, thành viên Hội đồng quản trị, quyền Tổng giám đốc VEAM.
"Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xem xét giải quyết việc xin nghỉ phép đi nước ngoài của ông Ngô Văn Tuyển. Trong thời gian Vụ Tổ chức cán bộ đang xin ý kiến tham gia của các đơn vị thuộc Bộ được biết ông Ngô Văn Tuyển đã đi nước ngoài từ 11/12 trong khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ", công văn của Bộ Công Thương nêu.
Bộ Công Thương yêu cầu người phụ trách đại diện vốn nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị tại VEAM báo cáo giải trình cụ thể về việc đi nước ngoài của ông Ngô Văn Tuyển, đại diện vốn nhà nước tại VEAM.
Trước đó, ngày 20/1/2018, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã ký và ban hành Công điện số 1696/CĐ-KTNN về việc chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra thông qua hoạt động kiểm toán; nghiêm cấm các đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán giữ lại hoặc kiến nghị xử lý nội bộ; tuyệt đối không được có hành vi che dấu vi phạm pháp luật.
Ngày 23/1/2018, Kiểm toán Nhà nước ra thông báo số 65/TB-KTNN nêu rõ Công ty mẹ - VEAM có nhiều khoản nợ quá hạn phải thu tổng số là 1.121,53 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Veam (Vetranco) là 264,72 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các tập thể cá nhân.
Tiếp đó, ngày 1/11/2018 Bộ Công An cũng đã có văn bản số 1174/CO3-P4 gửi tới VEAM về việc giới thiệu các cán bộ sang phối hợp với HĐQT, lãnh đạo Tổng công ty trong công tác phòng, chống tội phạm kinh tế và tham nhũng; tiến hàng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật trong Tổng công ty theo quy định của pháp luật.
9 tháng năm nay, doanh thu và lợi nhuận gộp của VEAM (UPCoM: VEA) lần lượt đạt 4.681 tỷ và 359,5 tỷ. So với cùng kỳ 2017, doanh thu thuần tăng trưởng 12,1% nhưng lợi nhuận gộp lại sụt giảm 24% do giá vốn sản xuất tăng cao.
Tuy nhiên, trong cơ cấu doanh thu của VEAM, doanh thu tới từ các đơn vị liên doanh liên kết chiếm tới 97% tổng lợi nhuận trước thuế (4.762 tỷ/4.907 tỷ). Phần lớn khoản doanh thu này tới từ các khoản đầu tư tại các liên doanh Toyota Việt Nam (VEAM góp vốn 20%), Honda Việt Nam (tỷ lệ 30%) và Ford Việt Nam (tỷ lệ 25%). So với cùng kỳ 2017, khoản doanh thu này tăng trưởng tới 35%.
Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 của VEAM đạt 4,876 tỷ, về cơ bản hoàn thành kế hoạch cả năm (4,908 tỷ).
Tháng 8/2018, HĐQT VEAM đã ban hành nghị quyết về công tác cán bộ tại Công ty mẹ - Tổng công ty VEAM. Theo đó, HĐQT quyết nghị tạm dừng nhiệm vụ điều hành với chức danh Tổng giám đốc Tổng công ty VEAM của ông Trần Ngọc Hà – Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc.
HĐQT giao ông Trần Ngọc Hà phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của VEAM tập trung vào công tác thu hồi công nợ và công tác bán hàng đối với lô hàng sản xuất từ lô 3.000 bộ linh kiện và phụ tùng xe Hyundai Mighty mua từ Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại TCG.
Cùng với việc tạm dừng nhiệm vụ điều hành của ông Hà, HĐQT VEAM giao ông Ngô Văn Tuyển – thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc, đảm nhiệm công việc của Tổng giám đốc VEAM theo quy định của pháp luật, điều lệ VEAM.
Ông Tuyển cũng đồng thời là người đại diện theo pháp luật của VEAM trong thời gian đảm nhận công việc của Tổng giám đốc.
Ông Ngô Văn Tuyển (58 tuổi) công tác tại VEAM ở vị trí Phó tổng giám đốc từ năm 2010 tới nay. Ông là thành viên HĐQT kiêm người đại diện vốn góp (17%) VEAM, đồng thời cũng đang đảm nhiệm vị trí thành viên HĐTV của Công ty TNHH Honda Việt Nam.
Trước khi làm viêc tại VEAM, ông Tuyển cũng đã có thời gian làm Giám đốc Công ty Diesel Sông Công, Phó tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone