Rối loạn tiền bạc: Mạng xã hội 'đốt tiền' của bạn như thế nào?

Xuân Thạch - 04/01/2025 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Hội chứng rối loạn tiền bạc ngày càng phổ biến ở giới trẻ, một trong các nguyên nhân được cho là hậu quả của việc lạm dụng mạng xã hội

Rối loạn tiền bạc là gì?

Theo các chuyên gia, dưới góc độ tâm lý, rối loạn tiền bạc (Money dysmorphia) là một trạng thái tâm lý khi nhận thức của một người về tài chính không phù hợp với hoàn cảnh tài chính thực tế của họ. Nó thường là phản ứng để đối phó với những vấn đề tâm lý hoặc cảm xúc sâu xa hơn bằng cách sử dụng tiền bạc một cách thái quá.

Rối loạn tiền bạc có thể biểu hiện ở hai hướng đối lập. Người giàu nhưng vẫn sống kẹt xỉ như người nghèo vì cảm giác thiếu thốn từ quá khứ. Người gặp khó khăn tài chính vẫn chi tiêu hoang phí như khi giàu có để phủ nhận hiện thực.

Ảnh: 2Target

Những biểu hiện dưới đây có thể là dấu hiệu đang rơi vào tình trạng rối loại tiền bạc.

Chi tiêu quá mức, thường xuyên chi nhiều hơn số tiền mình kiếm được và dễ dàng bị cám dỗ bởi những món đồ không thực sự cần thiết, mua sắm theo cảm xúc nhất thời hoặc thậm chí có xu hướng vung tiền cho những món đồ xa xỉ chỉ để thể hiện bản thân, chạy theo xu hướng hay gây ấn tượng với người khác.

Sử dụng quá nhiều tín dụng hoặc vay mượn để chi trả cho các khoản chi tiêu hàng ngày. Không có kế hoạch tài chính rõ ràng, không lập ngân sách chi tiêu cụ thể. Không hề có ý thức tiết kiệm hoặc đầu tư cho tương lai. Tất cả số tiền kiếm được đều được chi tiêu hết, không có khoản dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp hoặc những mục tiêu dài hạn.

Theo đuổi lối sống ảo, xa hoa, hào nhoáng của những người trên mạng xã hội và cố gắng bắt chước theo mà không cân nhắc đến khả năng tài chính thực tế của bản thân. Mua sắm để tự an ủi và trở thành cách để giải tỏa căng thẳng, xoa dịu nỗi buồn hoặc tự thưởng cho bản thân sau những áp lực trong cuộc sống. Nhưng không chịu thay đổi, dù nhận thức được thói quen chi tiêu thiếu kiểm soát của mình.

Nguyên nhân và hậu quả để lại

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng rối loạn tiền bạc ở giới trẻ.

Theo thống kê, thời lượng sử dụng mạng xã hội trung bình mỗi ngày của giới trẻ Việt Nam là 7 giờ. Đây là con số đáng báo động, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh so sánh với khu vực và thế giới. Việc tiếp xúc thường xuyên với mạng xã hội, nếu không được kiểm soát tốt, có thể làm gia tăng nguy cơ rối loạn tiền bạc.

Ảnh: 2Target

Những cuộc sống lung linh trên màn hình đang âm thầm ảnh hưởng đến hành vi chi tiêu và lối sống của chúng ta theo những cách bạn không ngờ tới. Mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh, video về cuộc sống sang chảnh, du lịch khắp nơi, mua sắm hàng hiệu không tiếc tay. “Thế giới lý tưởng hóa” này khiến nhiều bạn trẻ khao khát và nỗ lực sao chép, bất chấp khả năng tài chính thực tế của mình. Áp lực “bắt trend”, “sống ảo” trở nên quá lớn, khiến việc chi tiêu vượt quá khả năng trở nên thường xuyên hơn.

Đặc biệt, gần đây, mạng xã hội Threads đã trở thành một nơi để nhiều bạn flex về độ giàu có của bản thân với số lương khủng ngay khi còn ở độ tuổi 22. Nhưng khi tìm hiểu kỹ, thì những thông tin đó 90% là bịa đặt. Tuy nhiên, có rất nhiều bạn trẻ khi nhìn vào những con số lương của mọi người thì lại thấy tự ti cũng như thất vọng và chán nản về bản thân.

Chưa kể đến việc các công ty, nhãn hàng liên tục “bắn phá” quảng cáo, khuyến mãi trên mạng xã hội, kích thích ham muốn mua sắm. Các influencer, KOL… cũng góp phần không nhỏ khi liên tục review sản phẩm, chia sẻ mã giảm giá, khiến người xem khó lòng cưỡng lại sức hút của việc mua sắm.

Kết quả là nhiều bạn trẻ rơi vào vòng xoáy mua sắm mất kiểm soát, lạm dụng thẻ tín dụng, vay nợ để thỏa mãn nhu cầu “sống ảo”, khiến gánh nặng tài chính đè lên vai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai. Theo Metric, người Việt chi trung bình 1 tỷ USD/tháng trên các sàn TMĐT.

Ảnh: 2Target

Và với biểu hiện của hội chứng này là sự mất kiểm soát trong chi tiêu và quản lý tài chính cá nhân, không chỉ gây ra những hệ lụy trước mắt mà còn tiềm ẩn nhiều hậu quả khôn lường, tác động sâu rộng đến tương lai của thế hệ trẻ.

Đầu tiên, việc chi tiêu quá mức, đặc biệt khi lạm dụng các công cụ tín dụng để duy trì lối sống ảo, dễ dàng đẩy các bạn trẻ vào vòng xoáy nợ nần, gây bất ổn về tài chính. Gánh nặng trả nợ, cùng với lãi suất tích lũy, sẽ “ngốn” một phần đáng kể thu nhập, hạn chế khả năng đầu tư, tích lũy và xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai.

Thứ hai, sự lệch lạc giữa kỳ vọng về một cuộc sống xa hoa được tô vẽ trên mạng xã hội và thực tế tài chính hạn hẹp có thể dẫn đến sự thất vọng, căng thẳng, thậm chí là trầm cảm và lo âu. Áp lực tài chính kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, gây ra những hệ lụy khó lường cho cuộc sống cá nhân và các mối quan hệ xã hội.

Tiếp theo, hội chứng này tạo ra rào cản đáng kể trong việc hoạch định và đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn. Những dự định quan trọng như sở hữu nhà riêng, du học, hay đảm bảo một cuộc sống an nhàn sau khi nghỉ hưu sẽ trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Cần xây dựng thói quen tài chính tích cực

Các chuyên gia tài chính khẳng định rằng, các tác động tiêu cực của rối loạn tiền bạc lên giới trẻ không thể xem nhẹ. Đồng thời cũng chỉ ra các bước cơ bản giúp giới trẻ nhận diện vấn đề và xây dựng thói quen tài chính tích cực.

Bước đầu tiên và quan trọng nhất là nhận thức và chấp nhận rằng mình đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi tiêu. Sự thừa nhận này là nền tảng để xác định các thói quen tiêu cực và tìm kiếm giải pháp khắc phục.

Hãy tìm hiểu và giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra hội chứng này, ví dụ như stress, áp lực xã hội, hay cảm giác thiếu tự tin, sẽ giúp kiểm soát hiệu quả các hành vi chi tiêu bất hợp lý. Thay vì “mua sắm trị liệu”, hãy tìm đến những cách giải tỏa lành mạnh hơn như tập thể dục, yoga, hay các hoạt động nghệ thuật.

Ảnh: 2Target

Cùng với đó, chia sẻ khó khăn với bạn bè, gia đình, hoặc chuyên gia tâm lý có thể mang lại sự hỗ trợ tinh thần quý giá. Việc trò chuyện cởi mở giúp giảm bớt áp lực tâm lý và tạo động lực để thay đổi. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, việc tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các chuyên gia tâm lý hoặc tư vấn tài chính là vô cùng cần thiết. Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là một phương pháp được chứng minh hiệu quả trong việc điều trị rối loạn tiền bạc.

Tiếp đến, cần trang bị kiến thức về quản lý tài chính cá nhân là “vũ khí” hữu hiệu để kiểm soát chi tiêu và đưa ra quyết định tài chính sáng suốt. Hiểu rõ về ngân sách, đầu tư, tiết kiệm, và quản lý nợ sẽ giúp bạn xây dựng một kế hoạch tài chính vững chắc và tránh xa những cạm bẫy chi tiêu.

Kiểm soát môi trường mạng xã hội, hạn chế tiếp xúc với những nội dung kích thích mua sắm, tập trung vào các nội dung tích cực như học tập, kiến thức…

Cuối cùng, lập ngân sách chi tiết và theo dõi chặt chẽ các khoản thu chi là bước quan trọng để kiểm soát dòng tiền và xác định các khoản chi tiêu không cần thiết. Sử dụng các ứng dụng quản lý tài chính hoặc sổ ghi chép để theo dõi chi tiêu hàng ngày, hàng tuần, và hàng tháng. Đồng thời, xây dựng mục tiêu tài chính rõ ràng, ví dụ như tiết kiệm cho việc mua nhà, du học, hoặc đầu tư, sẽ tạo động lực để bạn quản lý chi tiêu hiệu quả hơn và hướng tới tương lai tài chính vững chắc.

25 tuổi tiết kiệm 1 tỷ đồng: Vay thêm mua nhà hay vẫn đi thuê?

25 tuổi tiết kiệm 1 tỷ đồng: Vay thêm mua nhà hay vẫn đi thuê?

Tài chính
(VNF) - Nhiều người đã quyết định vay thêm để sớm sở hữu nhà trong bối cảnh giá căn hộ chung cư liên tục tăng cao, ngược lại một số cũng lo sợ khoản nợ tài chính đè nặng. Tuy nhiên, quyết định vay hay không vay nên dựa trên sự tham vấn chuyên gia về tài chính cá nhân
Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.