Sai phạm tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Những ai chịu trách nhiệm?

Lê Hữu Việt - 24/09/2019 07:29 (GMT+7)

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) đã 8 lần lỡ hẹn về đích và hiện chưa biết ngày nào mới xong dù đã đội vốn lên gần gấp đôi, hơn 18.000 tỷ đồng vậy các bên nào phải chịu trách nhiệm với việc này?

VNF
Bộ GTVT "phấn đấu" đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại trong năm 2019

Trả lời kiến nghị cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây ít ngày về dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông khi nào đưa vào sử dụng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết hiện dự án đã hoàn thành 99%. Thiết bị đã cơ bản được lắp đặt hoàn chỉnh phục vụ công tác vận hành thử (từ tháng 9/2018). 

Thời gian qua, dù Bộ GTVT và các bên liên quan đã quyết liệt chỉ đạo nhưng dự án vẫn triển khai rất chậm. Đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành chuyển sang chạy thương mại và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu chưa thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Hiện Bộ GTVT đã phối hợp cùng Tham tán công sứ thương mại - Đại sứ quán Trung Quốc tiến hành họp kiểm điểm tình hình thực hiện dư án định kỳ 2 tuần 1 lần. Nhằm đôn đốc, chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan quyết liệt triển khai thực hiện, sớm hoàn thành, bàn giao đưa dự án vào khai thác thương mại.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng thầu cam kết mốc thời gian cụ thể đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại, làm cơ sở để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng chấp thuận và phối hợp với các bên liên quan (UBND TP Hà Nội, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước...) để nghiệm thu, bàn giao dự án.

Dù vậy, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra mốc cụ thể khi nào dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác thương mại.

Về trách nhiệm liên quan đến việc chậm trễ và đội vốn khủng của dự án, trước hết có thể khẳng định là Bộ GTVT, trên cương vị là chủ đầu tư đứng ra đàm phán, ký hợp đồng và giám sát thực hiện. Trước đây, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam làm đại diện chủ đầu tư. Tuy nhiên, do yếu kém, thiếu kinh nghiệm nên năm 2014, Bộ GTVT đã chuyển về Ban quản lý dự án Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư. 

Chủ đầu tư là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất toàn bộ dự án, như đàm phán hợp đồng thực hiện dự án, giám sát quá trình xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, chất lượng, tiến độ… Đặc biệt, do hợp đồng EPC chưa chặt chẽ nên khó xử lý nhà thầu, thậm chí nhà thầu không thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT. 

Tới nay, dự án này trải qua tổng cộng 5 kỳ Bộ trưởng GTVT, gồm: Ông Đào Đình Bình, ông Hồ Nghĩa Dũng, ông Đinh La Thăng, ông Trương Quang Nghĩa và hiện là ông Nguyễn Văn Thể.

Sau Bộ GTVT, là trách nhiệm của tổng thầu theo hợp đồng EPC (Hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ - thi công xây dựng công trình) là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Đơn vị được bên cho vay vốn chỉ định thầu theo hợp đồng vay ODA. Đặc biệt, tổng thầu này lại thiếu kinh nghiệm, thiết kế sơ sài, chưa thực hiện đúng cam kết, dẫn tới lúng túng, bất cập…

Ngoài ra, còn trách nhiệm của tư vấn giám sát là Công ty TNHH giám sát xây dựng viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. 

UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng rất chậm, không đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật.

Nhà thầu tư vấn thẩm tra, thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình là Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), nhưng dự án phải điều chỉnh thiết kế nhiều lần, tăng vốn…

Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) là cơ quan quản lý, cung cấp nguồn vốn vay không thiết lập đại diện thường trú tại Việt Nam, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành cấp vốn thực hiện dự án; chờ nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài.

Ðường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông dài 13,5km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó bị đội lên 891,9 triệu USD (sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay bổ sung năm 2017.

Dự án khởi công tháng 10/2011, ban đầu dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015. Sau đó lùi tới tháng 6/2016, rồi tháng 12/2016, tháng 2/2017, tháng 10/2017, quý II/2018, cuối năm 2018, tháng 4/2019. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa hẹn ngày về đích, Bộ GTVT vẫn nói “phấn đấu” hoàn thành trong năm 2019.

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác