Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: ‘Có thể kiện Tổng thầu EPC Trung Quốc’?
Trí Anh -
22/09/2019 13:45 (GMT+7)
(VNF) - Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công và 10 lần lùi tiến độ nhưng vẫn chưa rõ ngày về đích. Không những vậy, dự án vừa bị kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ rõ sai phạm trong lập dự án, giải phóng mặt bằng, đội vốn tới 205% … Đến nay, các đơn vị vẫn “hoà cả làng”, không ai chịu trách nhiệm.
Phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu
Là một dự án thực hiện theo hình thức vay vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Theo Hiệp định giữa hai Chính phủ, bên tài trợ vốn được chỉ định Tổng thầu EPC thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Tuy nhiên, rất lạ rằng Tổng thầu này năng lực kém và bản thân cũng thừa nhận chưa từng thi công dự án đường sắt đô thị nào nhưng vẫn được... chỉ định thầu.
Điều này thể hiện rõ sau 8 năm thi công, dự án đã hoàn thành 99%, chỉ còn 1% vận hành chạy tàu nhưng Tổng thầu hết sức lúng túng do không làm chủ được công nghệ, tiến độ.
Theo KTNN, chính vì sự chậm trễ trong thi công, vận hành của Tổng thầu EPC đã khiến Bộ GTVT phải điều chỉnh vốn đầu tư dự án từ 8.769 tỉ đồng lên 18.001 tỉ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt.
Trao đổi với vấn đề này, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (QLDA), Bộ GTVT cho biết: “Thực chất, tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu USD, nhưng năm 2011, đã đội vốn thành 552 triệu USD. Và đến năm 2019 đã thành 886 triệu USD. Đó là quy đổi ra USD vì khi vay vốn bằng USD, còn tính ra Việt mới ra con số như KTNN”.
Tuy nhiên, vị đại diện này tỏ ra khá lúng túng trước vấn đề KTNN nêu những khoản chi sai tại Dự án. Cụ thể, Ban QLDA đường sắt đã chi sai 91 triệu đồng khi lập dự án; Còn Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, TP.Hà Nội chi sai hơn 14 tỷ đồng trong công tác giải phóng mặt bằng. Về số tiền trên, phía KTNN yêu cầu phải thu hồi và xử lý các bên có liên quan.
Còn về tiến độ dự án bao giờ mới có thể vận hành, phía Ban QLDA đường sắt cũng như Bộ GTVT chưa có câu trả lời chính xác. Vì việc này lại phụ thuộc hoàn toàn vào tổng thầu EPC Trung Quốc.
Có thể kiện ra toà kinh tế được không?
Ngày 17/9, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Tổng thầu EPC Trung Quốc báo cáo thời gian chạy tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông trước ngày 30/9. Tuy nhiên, phía nhà thầu Trung Quốc vẫn không có câu trả lời. Rõ ràng, việc chây ì của các nhà thầu đang khiến Bộ GTVT bất lực.
Vậy liệu Chính phủ Việt Nam có nên thực hiện bài toán đánh đổi – nghĩa là bỏ thêm vốn, hoặc mời bên thứ ba vào giúp dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện Trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng: Hiện dự án chỉ còn 1%, vì thế, không ủng hộ phương án bên thứ 3 cùng thực hiện. Mặt khác, đây là hợp đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc, nên hai bên cần có giải pháp để giải quyết với nhau”.
Trao đổi với VietnamFinance, một kỹ sư đang xây dựng, vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho hay, dù chỉ còn 1%, nhưng quy trình an toàn chạy tàu là rất nghiêm trọng, nếu tổng thầu không quyết thì không ai dám cho chạy.
“Vì thế, Việt Nam phải cùng Đại sứ quán Trung Quốc có thống nhất với nhau để từ đó đảm bảo an toàn chạy tàu. Từ trước đến nay đã chạy thử có tải và không tải rồi, vấn đề cần là quy trình, để đảm bảo nếu thực hiện đúng quy trình đó thì an toàn”, vị kỹ sư này chia sẻ.
Như vậy, sau nhiều lần chậm trễ, giờ lại không thể chạy tàu chủ yếu do lỗi của Tổng thầu EPC, vậy chúng ta có thể khởi kiện được không?
Về vấn đề này, luật sư Tô Việt Hưng, đoàn luật sư Tp. Hà Nội cho biết, nếu khởi kiện tổng thầu Trung Quốc thì phải căn cứ theo hợp đồng, mà hợp đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc bản chất là một hợp đồng thương mại, trách nhiệm chính là do nhà thầu. Dù hợp đồng không rõ ràng, tuy nhiên, khởi kiện là cần thiết.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone