Sau đồng Yên, Nhân dân tệ sẽ gây ra làn sóng bất ổn mới?

Quang Đăng - 09/08/2024 08:15 (GMT+7)

(VNF) - Thị trường chứng khoán toàn cầu dường như đã ổn định sau khi sụt giảm mạnh vào đầu tuần qua, nhưng có một nỗi lo mới đang hiện hữu liên quan đến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Trong phiên giao dịch ngày 5/8, thị trường chứng khoán Nhật Bản ghi nhận mức giảm tồi tệ nhất kể từ ngày Thứ Hai Đen tối vào năm 1987, góp phần làm gia tăng nỗi lo về tình trạng hỗn loạn trên phạm vi toàn cầu. Nguyên nhân một phần là do việc giới đầu tư ồ ạt rút khỏi giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) đồng yên Nhật Bản.

"Carry trade" là một chiến lược đầu tư khá phổ biến khi nhà đầu tư đi vay bằng đồng tiền tại một thị trường có lãi suất thấp (như Nhật Bản hoặc Trung Quốc) và lấy số vốn đó đầu tư vào một đồng tiền khác có lãi suất cao hơn, hoặc các tài sản có lợi tức cao hơn, như đồng peso Mexico hoặc đồng USD hay cổ phiếu công nghệ ở Mỹ.

Nhật Bản từ lâu đã có lãi suất rất thấp hoặc thậm chí là âm, điều này làm cho việc vay tiền bằng đồng yên trở nên rẻ hơn. Chẳng hạn, nếu nhà đầu tư vay bằng đồng yên với lãi suất 0.5%, sau đó quy đổi sang USD, và kiếm được lợi nhuận 5% từ trái phiếu Mỹ, thì sự chênh lệch (4.5%) là lợi nhuận.

Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhật Bản tăng lãi suất vào tuần trước đã làm rung chuyển thị trường, buộc các nhà đầu tư phải thanh lý các giao dịch chênh lệch lãi suất, gây ra sự hỗn loạn trên thị trường toàn cầu.

"Việc tháo chạy khỏi các giao dịch chênh lệch lãi suất tiếp theo có thể là đồng nhân dân tệ", ông Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu châu Á tại ANZ, phát biểu với CNBC.

Ông đồng thời chỉ ra rằng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã tăng vọt so với đồng USD vào đầu ngày 5/8 như một phản ứng tức thời trước việc các nhà đầu tư rút khỏi giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên.

Hiện nay, các nhà phân tích và nhà đầu tư đang lo lắng về diễn biến tương tự của đồng nhân dân tệ Trung Quốc.

Trung Quốc đang trong môi trường lãi suất thấp khi chính quyền đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế đang suy thoái của nước này.

Chuyên gia của ngân hàng ANZ cho biết các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã nắm giữ một lượng lớn thu nhập bằng USD mà họ không muốn chuyển đổi do lãi suất cao hơn ở Mỹ. Tuy nhiên, họ có thể sớm làm như vậy khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị cắt giảm lãi suất, điều này có thể tạo ra "những biến động lớn" trên thị trường.

Đồng USD hiện đang được giao dịch ở mức khoảng 7,17 USD đổi 1 nhân dân tệ ở nước ngoài sau khi giảm xuống dưới 7,1 USD ngày 5/8 trong bối cảnh thị trường hỗn loạn.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giống như đồng yên, hiện đang yếu. Nhưng các nhà phân tích không cho rằng hậu quả từ việc carry-trade đảo chiều với đồng nhân dân tệ sẽ hỗn loạn như diễn biến của đồng yên.

Ông Vishnu Varathan, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á không bao gồm Nhật Bản tại Ngân hàng Mizuho, đã viết trong một lưu ý vào ngày 8/8 rằng đồng nhân dân tệ không phải là "cú sốc lớn tiếp theo" xảy ra.

Ông Varathan cho biết thêm rằng đó là "một quan điểm hơi sai lầm", vì không giống như đồng nhân dân tệ, đồng yên là một loại tiền tệ toàn cầu và có tính thanh khoản cao. Kinh tế Trung Quốc cũng có những vấn đề khác với Nhật Bản.

Ông Varathan lý giải rằng trong khi đồng yên yếu đi là do lãi suất thấp của Nhật Bản thì đồng nhân dân tệ yếu đi chủ yếu là do "những trở ngại về mặt cấu trúc kinh tế" từ Trung Quốc.

Trung Quốc đang trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế từ một cường quốc sản xuất hàng giá rẻ sang việc thúc đẩy vào "ba ngành công nghiệp mới" đang phát triển mạnh mẽ là xe điện, pin lithium và pin mặt trời.

Tuy nhiên, nước này đang phải đối mặt với những căng thẳng địa chính trị gia tăng, bao gồm cả thuế nhập khẩu cao từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với các ngành công nghiệp giá trị cao như vậy.

Theo ông Varathan, điều này có nghĩa là những rủi ro địa chính trị này phải giảm bớt thì đồng nhân dân tệ mới mạnh lên và gây ra sự sụp đổ mạnh mẽ của giao dịch chênh lệch lãi suất như đối với đồng yên vào đầu tuần này.

Ông Varathan cho biết nền kinh tế Trung Quốc chưa thể khởi sắc một cách thuyết phục kể từ khi nước này thoát khỏi gần ba năm hạn chế vì đại dịch, do đó, nhiều khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn cần phải cắt giảm lãi suất.

Do đó, rủi ro của đồng nhân dân tệ, không giống như đồng yên, là mất giá thay vì tăng giá, và sự sụp đổ của đồng nhân dân tệ có thể gây ra tâm lý sợ rủi ro trên thị trường nói chung, các chuyên gia kinh tế nói thêm.

"Chúng tôi lo ngại sự sụp đổ đột ngột của đồng nhân dân tệ hơn là sự tăng giá đột ngột của đồng tiền này", ông Varathan nhấn mạnh thêm.

Theo Business Insider
Sau phiên ‘đỏ lửa’, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm kỷ lục

Sau phiên ‘đỏ lửa’, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm kỷ lục

Tài chính quốc tế
(VNF) - Cổ phiếu Nhật Bản phục hồi mạnh trong phiên 6/8 sau khi chỉ số Nikkei 225 và Topix giảm hơn 12% trong phiên trước. Các thị trường châu Á - Thái Bình Dương khác cũng chứng kiến màn lội ngược dòng ngoạn mục.
Cùng chuyên mục
Tin khác