Sau kiểm toán, lợi nhuận nhiều ngân hàng 'bốc hơi' trăm tỷ đồng

Minh Dũng - 07/04/2024 23:39 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều ngân hàng chứng kiến lợi nhuận năm 2023 “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng sau khi công bố báo cáo kiểm toán chủ yếu do tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. 

Lợi nhuận nhiều ngân hàng sụt giảm sau kiểm toán

Mới đây, nhiều ngân hàng đã bắt đầu công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Không ít ngân hàng gây bất ngờ khi công bố báo cáo kiểm toán ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh so với báo cáo tự lập trước đó. Lợi nhuận nhiều ngân hàng đã sụt giảm, có nhà băng “bay” gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán.

Trong 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, có 10 nhà băng ghi nhận biến động về lợi nhuận sau thuế. Tổng cộng, lợi nhuận của các ngân hàng này đã giảm 1.325 tỷ đồng so với trước khi kiểm toán.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ghi nhận lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán đạt 3.303 tỷ đồng, giảm 875 tỷ đồng, tương đương giảm 21% so với trước khi kiểm toán. Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm đến từ việc điều chỉnh giảm một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 chuyển sang hạch toán trong năm 2024 và tăng chi phí dự phòng.

Cụ thể, thu nhập từ lãi thuần của OCB được điều chỉnh giảm từ 7.290 tỷ đồng xuống 6.765 tỷ đồng, tương ứng giảm 525 tỷ đồng; còn chi phí dự phòng được điều chỉnh tăng 501 tỷ đồng từ 1.126 tỷ đồng lên 1.627 tỷ đồng.

 

Theo lý giải của OCB, một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi này là sự thiếu thống nhất và đồng bộ giữa địa phương và các cơ quan hữu quan do vướng mắc tại khâu đăng ký cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất khi thực hiện phương thức nhận tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ.

Ngân hàng này cũng cho biết đã xử lý hơn một nửa các khoản nợ khách hàng đã bàn giao tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ nên chi phí dự phòng đã trích bổ sung cho những tài sản này vào cuối 2023 cũng sẽ được hoàn lại tương ứng.

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cũng ghi nhận lợi nhuận giảm 14 tỷ đồng, tương ứng 1,8% sau kiểm toán.

Theo nhà băng này, số liệu thay đổi đến từ biến động trong trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Cụ thể, sau kiểm toán, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng thêm 12 tỷ đồng, lên gần 687 tỷ đồng và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp nhích thêm 2 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng bị giảm tương ứng.

Cũng nằm trong nhóm nhà băng có lợi nhuận “bốc hơi” sau kiểm toán là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). VPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 147 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7% xuống 8.494 tỷ đồng. Đồng thời, tổng tài sản của ngân hàng giảm nhẹ khoảng 133 tỷ đồng.

Nguyên nhân lợi nhuận sau kiểm toán giảm theo VPBank chủ yếu đến từ việc ngân hàng tăng chi phí dự phòng rủi ro thêm 150 tỷ đồng. Ngoài ra, các chỉ tiêu như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ (tăng 116 tỷ đồng), lãi thuần từ hoạt động khác (giảm 120 tỷ đồng) và chi phí hoạt động cũng có thay đổi, tác động tới lợi nhuận. 

Tương tự, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng giảm 146 tỷ đồng, tương đương giảm 1,95%; tổng tài sản điều chỉnh tăng 76 tỷ đồng.

Theo SHB, lợi nhuận sau kiểm toán giảm khi một loạt các chỉ tiêu như thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh, lãi thuần từ hoạt động khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần và chi phí hoạt động đều được điều chỉnh so với báo cáo chưa kiểm toán.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của SHB đã giảm 379 tỷ đồng. Tuy chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được điều chỉnh giảm 375 tỷ đồng giúp lợi nhuận trước thuế không chênh lệch quá nhiều nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp của SHB đã được tính lại, tăng 140 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế đi xuống sau kiểm toán.

Về phía nhóm ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) báo cáo lãi giảm 89 tỷ đồng hay 0,4% sau kiểm toán. Ngoài ra, tổng tài sản của ngân hàng cũng giảm 76 tỷ đồng. 

Sự sụt giảm này của VietinBank đến từ việc thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, lãi thuần từ hoạt động khác được điều chỉnh. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VietinBank đã giảm 110 tỷ đồng xuống 50.105 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro được giữ nguyên. 

Ngoài những trường hợp kể trên, một số nhà băng như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB) cũng ghi nhận lợi nhuận thay đổi sau kiểm toán. Song tỷ trọng hoặc quy mô biến động tại những ngân hàng này không quá lớn.

Ở chiều ngược lại, cũng có trường hợp lợi nhuận nhích lên sau kiểm toán như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Theo đó, nhà băng này lãi sau thuế 8.563 tỷ đồng, nhích nhẹ 1 tỷ đồng so với trước kiểm toán.



Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 ra sao?

Giới chuyên gia nhận định, lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2024 sẽ tăng trưởng khi các dấu hiệu kinh tế hồi phục dần rõ nét, tín dụng tăng trở lại khi lãi suất giảm dần, kể cả với tài chính tiêu dùng.

Tại báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2024, các chuyên gia phân tích của Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating nhận định, sau một năm 2023 với kinh tế tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ nợ xấu tăng cao, lợi nhuận của ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ hồi phục trong năm 2024 nhờ điều kiện kinh doanh trong nước khả quan hơn cùng môi trường lãi suất thấp sẽ cải thiện khả năng trả nợ của khách hàng và chất lượng tài sản.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân của ngành sẽ hồi phục nhờ biên lãi thuần và tăng trưởng cho vay cải thiện, từ đó củng cố khả năng tạo vốn nội bộ. Ngoài ra, nguồn vốn và thanh khoản vẫn sẽ duy trì ổn định nhờ tăng trưởng tiền gửi theo kịp tốc độ tăng trưởng cho vay và các ngân hàng tăng cường huy động nguồn vốn dài hạn.

Tương tự, Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sẽ phục hồi, dự báo lợi nhuận sau thuế của danh sách theo dõi tăng trưởng 20% trong 2024 so với mức 4% trong 2023, với động lực chính đến từ sự nở ra của tỷ lệ thu nhập lãi cận biên. Nhưng tốc độ nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cầu tín dụng và chất lượng tài sản.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của FiinGroup cho rằng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng niêm yết năm nay chỉ 12-15%. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đến từ tín dụng - dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại khi hoạt động sản xuất, kinh doanh dần hồi phục và sự phục hồi của biên lãi ròng nhờ giá vốn giảm. Đáng lưu ý là, tín dụng tiêu dùng bất động sản bắt đầu tăng trở lại.

Còn Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, 2024 vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Tuy vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với 2023 và lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Trong báo cáo dự báo lợi nhuận quý I/2024, Chứng khoán MBS nhìn nhận, ngành ngân hàng sẽ giữ nhịp tăng trưởng toàn thị trường với ước tính lợi nhuận tăng 20% so với cùng kỳ. Theo MBS, khi cầu tín dụng vẫn đang cho thấy sự suy yếu, kết quả kinh doanh trong quý I/2024 sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Các ngân hàng có lợi thế riêng về mảng cho vay (HDBank, Techcombank, ...) hoặc những ngân hàng có chất lượng tài sản cải thiện, giảm bớt áp lực trích lập dự phòng (BIDV, Sacombank...) sẽ có kết quả kinh doanh khả quan hơn so với toàn ngành.

Cùng chuyên mục
Tin khác