ĐHĐCĐ VIB: Thông qua kế hoạch chia cổ tức 29,5% và kế hoạch lợi nhuận 12.045 tỷ năm 2024

Hoàng Ngân - 02/04/2024 15:57 (GMT+7)

(VNF) - Sáng 2/4/2024, Ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (VIB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) tại TP. HCM. Phương án chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% gồm cổ tức tiền mặt, cổ phiếu thưởng, và kế hoạch lợi nhuận trước thuế 12.045 tỷ năm 2024 đã được ĐHĐCĐ thông qua.

VNF
Đại hội đồng cổ đông thường niên VIB năm 2024 diễn ra tại TP. HCM vào sáng 2/4/2024

Hiệu quả kinh doanh ở top đầu ngành, lợi nhuận tăng trưởng trung bình 48%/năm trong 7 năm chuyển đổi

Theo báo cáo của HĐQT tại ĐHĐCĐ, sau 7 năm của hành trình chuyển đổi chiến lược 10 năm (2017-2026), VIB đã thiết lập được một nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng vượt trội về quy mô, chất lượng và giá trị thương hiệu, đưa Ngân hàng vào nhóm dẫn đầu ngành về hiệu quả kinh doanh, tăng trưởng quy mô tài sản và doanh thu, quản trị chi phí hiệu quả, kiểm soát rủi ro chặt chẽ.

Lợi nhuận của VIB đã đạt mức tăng trưởng bình quân (CAGR) là 48%/năm trong suốt giai đoạn 7 năm qua, mức hiệu quả lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25%, top đầu ngành trong nhiều năm liên tiếp. Các chỉ số về tăng trưởng doanh thu, hiệu quả hoạt động và kiểm soát chi phí đều vượt trội so với trung bình top 10 ngân hàng niêm yết.

Tăng trưởng lợi nhuận hàng năm, 2017-2023. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024)

Nhất quán với chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu về quy mô và chất lượng, VIB cho biết hiện có tỷ trọng bán lẻ top đầu ngành với tỷ lệ hơn 85% danh mục tín dụng và liên tục dẫn đầu thị phần trong các mảng kinh doanh trọng yếu như cho vay mua nhà, mua ô tô, thẻ tín dụng.

Trong năm 2023, với chiến lược dẫn đầu xu thế thẻ, VIB cho hay tiếp tục cho ra mắt thị trường nhiều dòng thẻ mới với các tính năng sản phẩm vượt trội và lần đầu được giới thiệu tại Việt Nam. Sau 6 năm, tổng số thẻ tín dụng lưu hành đạt hơn 700.000 thẻ, tăng gấp 8 lần cùng chi tiêu của khách hàng qua thẻ tín dụng VIB tăng trưởng hơn 10 lần, đạt mốc tổng chi tiêu 4 tỷ USD  trong năm 2023.

Tăng trưởng chi tiêu thẻ từ 2018-2023. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024)

Hệ sinh thái ngân hàng số VIB tiếp tục mở rộng, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ đa dạng phục vụ cho các nhu cầu sử dụng khác nhau của khách hàng, góp phần quan trọng giúp VIB tăng thêm 1 triệu khách hàng mới trong năm 2023. Số lượng giao dịch trên nền tảng số đạt hơn 300 triệu giao dịch, tăng hơn 130% so với năm 2022 và tăng 60 lần sau 7 năm, đưa tỷ lệ giao dịch qua kênh số chiếm đến 94% tổng lượng giao dịch bán lẻ.

Tăng trưởng số lượng giao dịch ngân hàng số, 2017-2023. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024)

Quản trị rủi ro vững mạnh, uy tín thương hiệu được nâng cao

Theo báo cáo của HĐQT, VIB là ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao với hơn 85% cho vay bán lẻ. Bên cạnh mức độ phân tán rủi ro tốt nhất thị trường, VIB cũng thể hiện khẩu vị rủi ro thận trọng trong đó các lĩnh vực có rủi ro tiềm ẩn cao, danh mục cho vay BOT, bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều bằng không trong 4 năm qua.

Trong năm 2023, NHNN tiếp tục xếp hạng VIB ở nhóm cao nhất ngành dựa trên những đánh giá về mức độ an toàn vốn, chất lượng tài sản, năng lực quản trị, hiệu quả sinh lời, quản trị thanh khoản và các chỉ số về độ nhạy. VIB luôn tuân thủ các chỉ số NHNN đề ra và thường xuyên đi tiên phong trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế, trong đó có Basel II, Basel III và IFRS.

Một số chỉ số quản trị rủi ro của VIB. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024)

Thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ và chia cổ tức

ĐHĐCĐ VIB cho biết đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 29,791 tỷ đồng, tăng 17,44%. ĐHĐCĐ cũng đồng thuận với kế hoạch chi 29,5% cổ tức cho cổ đông, với mức tỷ lệ 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng. Tỷ lệ chia cổ tức cao và cân bằng đã được VIB duy trì thành thông lệ qua nhiều năm, góp phần gia tăng sự tin tưởng và gắn bó của cổ đông dành cho ngân hàng cũng như tạo nguồn lực để ngân hàng tiếp tục các kế hoạch tăng trưởng.

Tỷ lệ chi trả cổ tức của VIB qua các năm. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024)

Thông qua kế hoạch lợi nhuận 2024 và triển khai các định hướng chiến lược mới

ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 do HĐQT đề xuất, bao gồm tăng trưởng tổng tài sản, dư nợ, huy động vốn và lợi nhuận. Trong đó, mức tăng trưởng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào hạn mức của NHNN.

Kế hoạch kinh doanh 2024. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024)

Trong giai đoạn tiếp theo, VIB cho biết đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng bền vững, tiên phong về nền tảng quản trị vững mạnh, dẫn đầu về số hóa và luôn nhất quán với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu về chất lượng và quy mô tại Việt Nam, từ đó tăng trưởng năng động và bền vững giá trị vốn hóa cho cổ đông.  Để đạt được các mục tiêu kinh doanh năm 2024 và chiến lược cho 3 năm còn lại của hành trình chuyển đổi, HĐQT VIB xác định 6 định hướng chiến lược như sau: giải pháp khách hàng, sản phẩm sáng tạo và vượt trội; công nghệ và Ngân hàng số xuất sắc; phát triển con người VIB; thương hiệu hàng đầu; đi đầu trong việc ứng dụng các chuẩn mực quốc tế; quản trị rủi ro và tuân thủ vững mạnh.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB

Chia sẻ tại đại hội, ban lãnh đạo VIB cho biết sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ hoạt động bán lẻ để hướng đến tầm nhìn trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam về chất lượng và quy mô. Bên cạnh đó, VIB cũng đặt mục tiêu trở thành ngân hàng đối tác hàng đầu cho các doanh nghiệp và tiếp tục là đối tác uy tín, tin cậy của các định chế tài chính ở các mảng kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và ngoại hối.

Cùng chuyên mục
Tin khác