Sau nhiều lần bị ‘tuýt còi’, GrabTaxi chính thức ‘bành trướng’ sang Nam Định và Hà Nam

Lệ Chi - 10/09/2018 11:19 (GMT+7)

(VNF) - Trong văn bản gửi Sở Giao thông vận tải Nam Định, Hà Nam, Bộ Giao thông vận tải đã cho phép Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nguyên Minh được triển khai dịch vụ GrabTaxi trên địa bàn 2 tỉnh này.

VNF
Bộ Giao thông vận tải cho phép triển khai dịch vụ GrabTaxi tại Hà Nam, Nam Định

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Nam Định và Sở Giao thông vận tải Hà Nam, Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nguyên Minh là đơn vị vận tải đã được Sở Giao thông vận tải Nam Định, Hà Nam cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Nam Định, tỉnh Hà Nam), phương tiện đã được cấp phù hiệu xe taxi theo quy định (115 xe trên địa bàn Nam Định, 109 xe trên địa bàn tỉnh Hà Nam).

Do vậy, Bộ Giao thông vận tải cho rằng Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nguyên Minh phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm để triển khai việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ công tác điều hành hoạt động vận tải taxi của đơn vị mình là phù hợp, cần được khuyến khích.

Bộ Giao thông vận tải khẳng định Bộ luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải (hàng hóa, hành khách), trong đó khuyến khích các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tạo sự thuận lợi cho người dân.

Liên tục bị "tuýt còi" hoạt động, cuối cùng GrabTaxi cũng được phép mở rộng thêm địa bàn.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông yêu cầu Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nguyên Minh chỉ được áp dụng đối với các phương tiện taxi đã được cấp phù hiệu theo quy định.

Đồng thời công ty phải báo cáo về Sở Giao thông vận tải Nam Định, Hà Nam trước khi triển khai thực hiện; phải chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch giữ các đơn vị kinh doanh vận tải và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tại cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải Nam Định, Hà Nam phối hợp Công an tỉnh và cơ quan chức năng có liên quan tổ chức buổi làm việc với các đơn vị vận tải taxi, hiệp hội vận tải trên địa bàn để trao đổi làm rõ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách bằng taxi.

Bộ Giao thông cũng lưu ý đơn vị cung cấp phần mềm không triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng (hợp đồng vận tải điện tử) trên địa bàn.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và sự phối hợp của Sở Giao thông vận tải Nam Định, Hà Nam.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã liên tục “tuýt còi” hoạt động của GrabTaxi trên địa bàn các tỉnh: Ninh Thuận, Đồng Tháp, Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Khánh Hòa…

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo GrabTaxi không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở Giao thông vận tải tại địa phương.

Khi chưa có chỉ đạo mới của Thủ tướng, Bộ Giao thông yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam không mở rộng thí điểm tại các địa phương nằm ngoài những tỉnh, thành được Thủ tướng cho phép.

Tuy nhiên, phía Grab Việt Nam khẳng định: “GrabTaxi hoạt động trên toàn quốc là hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Chính phủ về thương mại điện tử. GrabTaxi có thể hoạt động tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc sau khi đã ký kết hợp đồng hợp tác với những đơn vị kinh doanh taxi được Sở Giao thông vận tải địa phương cấp phép”.

Bộ Giao thông vận tải đã có công văn yêu cầu GrabTaxi chỉ được phép hoạt động tại 5 địa phương, bao gồm Hà Nội, TP. HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh trong đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.
Cùng chuyên mục
Tin khác