Sau PCI, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu chỉ số PAPI

Kỳ Thư - 12/04/2023 13:12 (GMT+7)

(VNF) - Nhờ việc dẫn đầu các chỉ số minh bạch trong việc ra quyết định, trách nhiệm giải trình với người dân, thủ tục hành chính công, quản trị điện tử, tỉnh Quảng Ninh đã trở lại dẫn đầu xếp hạng PAPI 2022.

VNF
Quảng Ninh đứng đầu về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2022

Hôm nay (12/4) tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022, đánh giá trải nghiệm của người dân đối với hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền trong quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

Trong kết quả nhóm nghiên cứu PAPI công bố hôm nay, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng với điểm số tổng hợp là 47,8763. Đây là một điểm số cho thấy chính quyền Quảng Ninh thời gian qua đã rất nỗ lực cải cách hành chính và các yếu tố phục vụ người dân. Tỉnh này cũng đứng đầu bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được VCCI công bố hôm qua.

Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng là Bình Dương (47,4488) và đứng thứ ba là Thanh Hóa (46,0154). Đứng cuối bảng xếp hạng là Cao Bằng (38.8037).

Theo kết quả PAPI, Hà Nội đã vươn từ vị trí thấp trong năm 2020 lên nhóm có vị trí cao nhất trong năm 2022. Ngược lại, Đà Nẵng lại tụt xuống nhóm có vị trí trung bình sau nhiều năm đứng ở top đầu. Đây là một điều rất đáng tiếc đối với Đà Nẵng.

Về chỉ số Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, đa phần các tỉnh thành phía Bắc có kết quả tốt hơn nhóm các tỉnh thành miền Nam.

Về chỉ số Công khai minh bạch, các tỉnh thành phố phía Bắc và miền Trung có kết quả tốt hơn các tỉnh thành Nam Trung Bộ

Về kiểm soát tham nhũng ở khu vực công, khác với kết quả ở trên, nhiều tỉnh thành ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm có điểm cao, trong khi nhiều tỉnh ở trung du và miền núi phía Bắc có điểm số thấp.

Về chỉ số Thủ tục hành chính công, người dân đánh giá có chuyển biến trong những năm qua. Sự khác biệt trong điểm số giữa các tỉnh là rất thấp. Tỉnh có điểm số thấp nhất là 6,58 và tỉnh cao nhất là 7,66. Gần như không có sự phân biệt giữa tỉnh giàu và tỉnh nghèo. Có một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Hòa Bình có sự sụt giảm, trong khi Tiền Giang có sự gia tăng điểm số tốt.

Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022.

Ở chỉ số Cung ứng dịch vụ công, các tỉnh thành phố được đánh giá cao nhất là các tỉnh có nền kinh tế phát triển. Có sự sụt giảm đáng kể ở 18 tỉnh thành phố. Điểm của Điện Biên và Bến Tre có mức gia tăng đáng kể so với năm 2021.

Về chỉ số Quản trị điện tử, các tỉnh thành trên toàn quốc vẫn chỉ đạt dưới 4 điểm trên thang điểm 10, tương tự như năm 2020 và 2021. Khoảng cách giữa tỷ lệ người dùng Internet và tỷ lệ người dùng cổng thông tin điện tử vẫn còn rất lớn.

Theo đại diện PAPI, có 3 câu trả lời cho việc này. Thứ nhất, có nhiều thông tin không được đưa lên mạng nên người dân không thể dùng; thứ hai là có đưa thông tin nhưng không thân thiện; thứ ba là có thân thiện nhưng không được truyền thông đến người dùng.

Về chỉ số PAPI tổng, các tỉnh thành có điểm số từ 38 đến gần 48 điểm - không cao. Các tỉnh nhóm cao tập trung nhiều ở miền Bắc. Điểm thú vị là Hà Nội sau nhiều năm xếp ở nhóm thứ 3 (nhóm điểm trung bình thấp) đã vươn lên nhóm top đầu.

Trước đó, ngày 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022.

Quảng Ninh vẫn tiếp tục giữ vị trí quán quân, dẫn đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm thứ 6 liên tiếp và 10 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Cùng chuyên mục
Tin khác