Sau Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ lại nỗ lực ngăn Ấn Độ mua S-400
Thanh Tú -
13/05/2019 15:24 (GMT+7)
(VNF) - Dường như không thành công trong việc ngăn Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400, Mỹ mới đây lại tiếp tục tìm cách ngăn một khách hàng khác của Nga là Ấn Độ mua hệ thống tên lửa này.
Hãng tin Sputnik ngày 12/5 đưa tin chính quyền Mỹ mới đây đã đề nghị Ấn Độ mua các hệ thống tên lửa phòng không THAAD và Patriot của Mỹ thay cho “rồng lửa” S-400 của Nga.
Theo đó, Washington đã đưa ra lời đe dọa rằng nếu Ấn Độ tiếp tục thương vụ mua S-400 từ Nga, nước này có thể sẽ hứng chịu các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Đối phó các kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Đạo luật CAATSA được Mỹ thông qua giữa năm 2017, cho phép Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cũng như chống lại các quốc gia có hợp đồng mua vũ khí giá trị lớn với Moscow. Phía Moscow luôn coi luật CAATSA là một sự tuyên bố “chiến tranh thương mại toàn diện” với Nga.
Theo truyền thông Nga, trong năm 2018, Ấn Độ trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga. Hồi tháng 10/2018, Moskva và New Delhi đã ký kết thỏa thuận về việc Nga cung cấp cho Ấn Độ 5 trung đoàn tên lửa S-400 trị giá 5,43 tỷ USD. Đây là thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử cơ quan xuất khẩu vũ khí của Nga (Rosoboronexport). Đặc biệt, hai bên đã chọn hình thức thanh toán bằng đồng ruble.
Động thái này của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Ấn Độ rằng việc nước này mua hệ thống quân sự hiện đại của Nga có thể hủy hoại hợp tác quốc phòng và chia sẻ công nghệ giữa Washington và New Delhi, cũng như khả năng tương tác giữa lực lượng vũ trang hai nước.
Giới phân tích cho rằng, việc Ấn Độ tiếp tục triển khai hợp đồng mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga có nguy cơ sẽ khiến mối quan hệ giữa nước này và Mỹ trở nên căng thẳng.
Ấn Độ là đối tác nước ngoài thứ ba mua “rồng lửa” S-400 của Nga, sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi tháng 9/2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Cục phát triển trang thiết bị thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc vì đã mua tên lửa phòng không S-400 Triumf và các máy bay chiến đấu đa chức năng hai động cơ thuộc thế hệ thứ tư Su-35S do Nga sản xuất.
Thời gian gần đây, Mỹ cũng đã liên tiếp tạo áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ép nước này hủy thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Giới chức Mỹ ngày 1/4 vừa qua thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẽ ngừng bàn giao thêm các thiết bị liên quan để chuẩn bị cho máy bay F-35 “trong khi chờ quyết định rõ ràng của Thổ Nhĩ Kỳ về việc từ bỏ mua S-400”.
Theo Reuters, Washington dường như cũng đang cân nhắc loại Ankara khỏi chương trình chế tạo F-35. Trong chương trình này, Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách sản xuất các linh kiện như hộp số, màn hình hiển thị, thân máy bay.
Bên cạnh đó, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 3/4 còn đưa ra cảnh báo với Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này có thể bị khai trừ khỏi NATO nếu cố gắng theo đuổi hợp đồng mua “rồng lửa” S-400 của Nga.
Theo ông Pence, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá 2,5 tỷ USD từ Nga gây nguy hiểm lớn cho NATO và sức mạnh của liên minh.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Mosow ngày 8/4, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định rằng nước này đã soạn thảo lộ trình và tiến hành các biện pháp cần thiết để thực hiện hợp đồng mua tên lửa S-400 và không nước nào có thể yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ này.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone