Sẽ có nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi

Mỹ Phương - 14/11/2018 23:33 (GMT+7)

Quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật về thị trường chứng khoán nói chung và điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng nói riêng thường có độ trễ so với thị trường nên thiếu tính dự báo và dẫn dắt.

VNF
Sẽ có nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi

Do đó, mục tiêu ban hành quy định pháp luật cần đảm bảo tạo động lực cho thị trường phát triển bền vững và theo thông lệ quốc tế.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) khu vực phía Nam, do Bộ Tài chính tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 14/11.

Liên quan đến mô hình tạo mối liên kết giữa Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm bù trừ, Lưu ký chứng khoán, các đại biểu cho rằng cần đầu tư đồng bộ về hệ thống, nhất là công nghệ để có thể triển khai các sản phẩm tài chính trên thị trường.

Đặc biệt, để đảm bảo tính hiệu quả của các sản phẩm tài chính đang được giao dịch trên thị trường chứng khoán và thị trường chứng chứng khoán phái sinh đòi hỏi sự thống nhất quy trình và phối hợp chặt chẽ trong vận hành, quản lý, cũng như xử lý sự cố phát sinh. 

Theo kiến nghị của Câu lạc bộ Công ty Quản lý quỹ đầu tư, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) mới có quy định quy mô vốn điều lệ cần thiết đối với công ty chứng khoán nhưng chưa có các quy định cụ thể đối với công ty quản lý.

Trong khi đó, muốn có đủ nguồn lực tài chính cho hoạt động của công ty quản lý quỹ và đảm bảo loại hình công ty này được thành lập đúng mục tiêu quản lý tài sản cho người đầu tư, cần xem xét quy định nâng cao vốn điều lệ tối thiểu. 

Để duy trì được sự phát triển về tài sản quản lý và hình thành các quỹ mới, Luật Chứng khoán phải tạo ra hành lang pháp lý để các văn bản dưới luật có thể đưa ra những hướng dẫn cần thiết cho hoạt động quản lý quỹ. 

Đại diện Công ty Cổ phần Hàng không VietJet cho biết mặc dù đã có những văn bản luật hướng dẫn trước đó về chứng khoán phái sinh nhưng đối với dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) nên tìm hiểu và nghiên cứu thêm để hoàn thiện hướng dẫn về thị trường chứng khoán phái sinh. Từ đó, tạo thêm môi trường đầu tư thuận lợi, phù hợp với mục tiêu phát triển chung của ngành. 

Những hướng dẫn về chào bán chứng khoán cần bổ sung quy định cụ thể hơn đối với việc phát hành quốc tế để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn nhiều hơn và thực hiện chiến lược phát triển lâu dài. 

Ngoài ra, thời hạn chuyển nhượng của cổ phiếu chào bán riêng lẻ dành cho các nhà đầu tư trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quá lâu, với "tối thiểu 3 năm cho nhà đầu tư chiến lược, tối thiểu 1 năm cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp", điều này ảnh hưởng lớn đến việc huy động vốn trong kinh doanh của doanh nghiệp. 

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, cho rằng việc mua cổ phiếu quỹ phải giảm vốn điều lệ rất phiền toái cho doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán sẽ xem xét, điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu không theo Luật Doanh nghiệp thì lại có vấn đề. Một số doanh nghiệp lớn trong quá trình mua cổ phiếu quỹ có hành vi lợi dụng thị trường để kinh doanh. Còn ở lĩnh vực cổ phần hóa, trước đây, các đợt thoái vốn được coi là IPO. 

Theo dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) thì cổ phần hóa sẽ không áp dụng theo Luật Chứng khoán còn việc niêm yết thì theo Luật Chứng khoán để giảm phức tạp trong quá trình thực hiện. 

Thống kê qua 18 năm hoạt động, tính đến thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa tăng gấp hơn 4.000 lần so với những năm đầu tiên. Quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán đã đạt gần 2,2 triệu tỷ đồng; trong đó, Chính phủ đã huy động được 1,6 triệu tỷ đồng, còn doanh nghiệp huy động 571 nghìn tỷ đồng thông qua đấu thầu cổ phần hóa và phát hành trái phiếu, cổ phiếu. 

Ông Huỳnh Quang Hải - Thứ trưởng Bộ Tài chính, chia sẻ mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến ngày 30/9/2018 đạt 4,235 triệu tỷ đồng, tương đương 84,6% GDP. Còn thị trường trái phiếu hiện có quy mô niêm yết đạt 1.106 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm cuối năm 2017 (tương đương 22% GDP) với gần 590 mã trái phiếu niêm yết. Riêng thị trường UPCoM hiện có 744 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết với 778 công ty giao dịch. 

Nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu hội nhập; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế... Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đồng thời lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân theo quy định, trước khi chính thức trình Chính phủ, trình Quốc hội. 

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm: 10 chương, 137 điều; trong đó, việc sửa đổi Luật lần này bám sát các nguyên tắc chỉ đạo quan trọng là kế thừa những quy định pháp luật về chứng khoán còn phù hợp với thực tế; sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh, quy định còn chưa rõ, bất cập; luật hóa một số quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện hành đã ổn định và phù hợp với thực tế nhằm tạo hiệu lực pháp lý cao hơn; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... 

Một trong những điểm đáng chú ý là so với luật hiện hành, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) ghép hai chương: “Thanh tra và xử lý vi phạm” và “Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại” thành một chương “Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại”, để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự kiến Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội cho ý kiến vào quý II/2019.

Theo TTXVN/Bnews
Cùng chuyên mục
Tin khác