Ngân hàng

Sẽ giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tối thiểu tại các ngân hàng quốc doanh xuống 51%

(VNF) – Giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tối thiểu tại các ngân hàng quốc doanh sẽ ở mức 51%, thay vì 65% như hiện nay. Trừ Agribank, các ngân hàng quốc doanh còn lại (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV) sẽ phải niêm yết cổ phiếu trên thị trường nước ngoài.

Sẽ giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tối thiểu tại các ngân hàng quốc doanh xuống 51%

Sẽ giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tối thiểu tại các ngân hàng quốc doanh xuống 51%

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt hé lộ nhiều thông tin “đắt giá” về định hướng phát triển của các ngân hàng thương mại. Chiến lược khẳng định các ngân hàng thương mại Nhà nước đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường.

Bố trí tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng quốc doanh

Chiến lược ngành ngân hàng đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12 – 15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn trở lên; có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á.

Cùng với đó, tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 12 – 13%; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đồng thời, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Để thực hiện được các mục tiêu trên, đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước (không bao gồm Agribank), Thủ tướng yêu cầu phải tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các ngân hàng thương mại Nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đối với Agribank, Thủ tướng yêu cầu ngân hàng này tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại theo mô hình ngân hàng thương mại đa năng; triển khai cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp và bảo đảm Nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II.

Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước theo Phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt.

Giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tối thiểu xuống 51%

Chiến lược ngành ngân hàng phấn đấu đến cuối năm 2025, có ít nhất 2 đến 3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3 – 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Cùng với đó, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt, đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.

Thêm vào đó, tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 16 – 17%. Mục tiêu nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3%

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng thương mại Nhà nước ở mức 51% trong giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng quốc doanh này trên thị trường nước ngoài (riêng Agribank chỉ niêm yết trong nước).

Tin mới lên