Sếp FPT lý giải vì sao người giàu Việt đa số nhờ bất động sản

An Lan - 10/07/2017 08:14 (GMT+7)

(VNF) - Thế giới đã bước vào CMCN 4.0, nhưng nền kinh tế Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đang ở 1.0, 2.0, 3.0 hay 4.0?

"Tại sao các tỷ phú giàu nhất thế giới thì quá nửa là các tỷ phú công nghệ? Tại sao Việt Nam không có tỷ phú công nghệ? Tại sao những người giàu nhất Việt Nam chủ yếu thuộc lĩnh vực bất động sản?", ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT đặt vấn đề.

Theo ông Bảo, rất nhiều người cho rằng có gì đó bất bình thường ở Việt Nam. Vì vậy đã có rất nhiều lý giải cho sự bất bình thường này.

Dưới góc nhìn của cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ nhất 1.0, lần thứ hai 2.0, lần thứ ba 3.0, lần thứ tư 4.0 và góc nhìn của tháp nhu cầu Maslow thì Phó tổng FPT lại thấy vấn đề người giàu nhất Việt Nam chủ yếu thuộc lĩnh vực bất động sản và Việt Nam không có tỷ phú công nghệ lại "đang đúng với quy luật phát triển kinh tế và phù hợp với nền kinh tế Việt Nam hiện nay".

Theo ông, đúng là thế giới đã bước vào CMCN 4.0, nhưng nền kinh tế Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đang ở 1.0, 2.0, 3.0 hay 4.0? Trả lời được câu hỏi này thì sẽ trả lời được tất cả các câu hỏi trên.

VietnamFinance trích lại phân tích của ông Đỗ Cao Bảo dưới đây:

Người tiêu dùng Việt Nam mới ở 1.5

Mãi đến năm 2009, GDP đầu người của Việt Nam mới đạt 1.171 USD, vượt qua ngưỡng nước nghèo. Năm 2017 dự kiến GDP đầu người Việt Nam đạt 2.300$, bằng 35% mức trung bình của thế giới.

Như vậy người dân Việt Nam mới vượt qua mức đủ ăn, đủ mặc, đang phấn đấu có đủ chỗ ở.

Nói theo ngôn ngữ CMCN thì người tiêu dùng Viêt Nam mới đang ở mức 1.5.

Nền kinh tế Việt Nam cũng chỉ 1.5

Tuy Việt Nam đã có một số doanh nghiệp đi vào CMCN 4.0: áp dụng trí tuệ nhân tạo AI, giải pháp thông minh (Smart Solution), Điện toán đám mây (Cloud), Phân tích dữ liệu lớn (Big Data), mạng xã hội (Social)... nhưng có đến 65% vẫn đang là nông dân, lao động giản đơn, lao động thủ công (1.0); sản xuất công nghiệp chủ yếu là các mặt hàng gia công.

Tuy Việt Nam có lượng hàng hoá xuất khẩu lớn, nhưng hầu hết là nông sản, thực phẩm, may mặc, giầy da và các mặt hàng gia công (may mặc, giầy da, linh kiện, thiết bị điện tử, điện thoại); xuất khẩu dịch vụ và chất xám rất ít.

Nói theo ngôn ngữ CMCN thì nền kinh tế Viêt Nam mới đang ở mức 1.5

Các doanh nghiệp Việt cũng chỉ 1.6

Theo định nghĩa CMCN ở trên, tôi thử xếp các doanh nghiệp Việt Nam theo các mức từ 1.0 đến 4.0 theo nguyên tắc sau:
1. Ngành nghề kinh doanh: từ 1.0 đến 4.0 theo định nghĩa CMCN ở trên
2. Sản phẩm, dịch vụ: từ 1.0 đến 4.0 theo định nghĩa CMCN ở trên
3. Thị trường tiêu thụ: là 1.0 nếu chỉ ở Việt Nam, 2.0 nếu ở Asean, 3.0 nếu sang các nước Nam Á, Châu Phi, Mỹ La tinh và 4.0 nếu sang các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản.
4. Xếp hạng doanh nghiệp theo số trung bình của ngành nghề, sản phẩm và thị trường (cộng chia 3).

Theo phương pháp này thì kết quả xếp loại 50 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam như sau:
1. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông, hải sản được xếp thấp nhất: doanh nghiệp 1.2
2. Doanh nghiệp bất động sản, xây dựng được xếp hạng: doanh nghiệp 1.3
3. Doanh nghiệp bán lẻ thiết bị điện tử, tiêu dùng được xếp: doanh nghiệp 1.3
4. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xe máy được xếp: doanh nghiệp 1.5
5. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô được xếp: doanh nghiệp 1.6
6. Doanh nghiệp bán lẻ, phân phối thiết bị CNTT, Smart Phone được xếp: doanh nghiệp 1.6
7. Ngân hàng, bảo hiểm (chỉ có thị trường Việt Nam) được xếp: doanh nghiệp 1.8
8. Các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu sẽ được cộng điểm, tuỳ vào thị trường xuất khẩu
9. Với lĩnh vực phần mềm, dịch vụ CNTT, Viễn thông làm chủ đạo (3.0), có thị trường quốc tế từ Asean, Nam Á, đến Âu, Mỹ, Nhật Bản (2.5), FPT được xếp cao nhất: doanh nghiệp 2.8
10. Trung bình 50 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là doanh nghiệp 1.6

Với những phân tích như trên, người tiêu dùng 1.5 và nền kinh tế 1.5, các doanh nghiệp 1.6 thì theo Phó tổng FPT Đỗ Cao Bảo, những người giàu nhất Việt Nam thuộc nhóm bất động sản là hợp với qui luật phát triển và hợp với tháp nhu cầu Maslow.

Ông Bảo cho rằng, muốn có nhiều người giàu thuộc giới công nghệ thì Việt Nam phải có nhiều doanh nghiệp 3.0, 4.0 đi tiên phong trong cuộc cách mạng 4.0 tạo ra giải pháp, sản phẩm, dịch vụ 4.0, có thị trường toàn cầu, đặc biệt là thị trường Âu, Mỹ, Nhật Bản (thị trường 4.0).

"Bạn nào đang kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam yên tâm: Bây giờ chưa phải thời của bạn, 10-15 năm sau mới là thời của bạn. Nói như vậy không có nghĩa là bạn ngồi chờ, vẫn phải hành động, tham gia vào CMCN 4.0 vẫn phải toàn cầu hoá", Phó tổng FPT khẳng định.

Cùng chuyên mục
Tin khác