Shark Hưng: Startup nên rũ bỏ ‘áo phong trào’ để tập trung vào tính thực chất và hiệu quả

Lệ Chi - 20/02/2021 08:05 (GMT+7)

(VNF) - Ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng), Phó chủ tịch Cen Group bày tỏ một trong những điều khiến ông cảm thấy buồn nhất là tính trung thực của các startup và khuyên các startup là nên rũ bỏ “áo phong trào” để tập trung vào tính thực chất và hiệu quả.

VNF
Shark Hưng: Startup nên rũ bỏ ‘áo phong trào’ để tập trung vào tính thực chất và hiệu quả

Startup coi nhà đầu tư như cây xăng miễn phí

Chia sẻ về hành trình đồng hành và đầu tư vào các startup Việt Nam, Shark Hưng đánh giá cao những ý tưởng của các startup, đầy sự hào hứng, sự nhiệt huyết. Song, ông Hưng cho biết cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề và mỗi một trường hợp lại có một kiểu khác nhau.

“Tựu trung lại, chúng tôi chưa thực sự ngồi lên một con thuyền. Các startup nhìn các nhà đầu tư như một cây xăng. Vô đổ xăng rồi chạy tiếp mà đổ xăng không mất tiền. Các bạn cứ nghĩ rằng tiền cho khởi nghiệp cũng giống như nhiên liệu cho xe, cứ hết lại đổ mà không biết đi đến đâu”, Shark Hưng nhấn mạnh.

Ông Hưng nói đây là điều băn khoăn nhất đối với các bạn trẻ.

Vấn đề thứ hai, ông cho rằng khó khăn với các startup ở Việt Nam là khả năng quản trị. Trong một môi trường kinh doanh mờ mờ ảo ảo và rất nhiều thứ bất định mà các bạn trẻ không nắm rõ dẫn đến thiếu đi tính thực tế.

Có một điều thú vị ông Hưng tiết lộ kể cả trong chương trình Shark Tank cũng như các startup mà ông có dịp tiếp cận thì tỷ lệ các startup có yếu tố từ nước ngoài (bao gồm học ở nước ngoài, từng làm việc ở nước ngoài, từng sống hay sinh ra ở nước ngoài) chiếm tỷ lệ rất cao.

“Tại sao các bạn trẻ trong nước ít khởi nghiệp hơn, hoặc khởi nghiệp lại thất bại nhiều hơn, tỷ lệ thất bại cao hơn”, ông đặt câu hỏi.

Theo ông Hưng, vấn đề ở đây là môi trường nhưng không phải là môi trường giáo dục mà chính là tính thực tiễn. Nhiều bạn trẻ cả tin quá, tin vào những lời hứa và tin vào cả hợp đồng.

“Thực ra trong môi trường kinh doanh Việt Nam có một sự không chắc chắn do chính con người tạo ra, hợp đồng cũng chưa chắc huống chi là lời nói. Đừng tin vào những lời nói thậm chí đến lúc soạn được hợp đồng, ký được hợp đồng rồi cũng chưa hẳn tin mà chỉ khi nào tiền về tài khoản lúc đó thỏa thuận mới thành công”, vị “cá mập” nói.

Ông cũng đưa ra lời khuyên trong nhiều trường hợp, có hợp đồng cũng chưa chắc thành hiện thực, vì người ta có thể hủy hợp đồng bất cứ lúc nào.

Một yếu tố nữa mà Shark Hưng cũng đề cập đến là các startup khá lạc quan vào cơ hội thị trường. Các startup cứ nghĩ rằng mình là người đi đầu tìm ra điều mới nên có thể nhanh chóng tiếp cận và bao phủ thị trường. Trong khi thực tế, nhiều người đã làm chung một ý tưởng, thậm chí trong kinh doanh có một yếu tố mà các startup không nhìn thấy hết là những sản phẩm thay thế khác.

“Người ta có nhiều phương án để thay thế, giải quyết vấn đề, không chỉ có mỗi cách của bạn. Do đó, các startup phải tự đánh giá cách của mình đã thực sự tiện lợi, hiệu quả, giá cả ổn và có thể trở thành năng lực cốt lõi chưa hay chỉ là một ý tưởng”, ông Hưng lưu ý.

Không thành thật với nhà đầu tư và cổ đông

Cuối cùng, một trong những điều khiến Shark Hưng cảm thấy buồn nhất là tính trung thực của các startup.

“Rất đáng tiếc là các startup không thành thật với nhà đầu tư, không thành thật với cổ đông. Khi đã không thành thật thì với khách hàng, người tiêu dùng cũng vậy. Lớn hơn nữa là không thành thật với nhân viên và không thành thật với chính bản thân mình. Điều đó sẽ làm cho các startup không thể nào đi xa được”, ông Phạm Thanh Hưng nhấn mạnh.

Ông Hưng cho biết từng có một startup ông đầu tư trên sóng truyền hình nhưng khi đến làm việc mọi sự khác hoàn toàn so với những gì startup nói. Mặc dù vậy ông vẫn chấp nhận đầu tư và nói một câu rằng: “Thôi nhé, xóa cờ đánh lại!”.

“Tôi bỏ hết những báo cáo mà họ nói rằng tích lũy được bao nhiêu tiền, góp được mấy tỷ, trong hai năm qua đã thặng dư được vốn, lợi nhuận chưa phân bổ bao nhiêu... nhưng khi thẩm định thì không có gì hết và thậm chí còn khá nhiều nợ.

“Tôi coi như startup trở về mốc ban đầu. Tức là, họ xác lập đúng mức vốn cam kết lúc ban đầu, còn lời lãi tôi bỏ qua, cho phép họ rút ra tiêu. Tôi chỉ cần trả về đúng mốc số 0 ban đầu”, ông Hưng kể lại.

Thế nhưng, ông cũng cho biết sau khi vào đầu tư rồi nhà sáng lập này lại đẩy tất cả những chi phí trong quá khứ để rút nốt phần vốn điều lệ ban đầu.

“Tôi bỏ ra toàn bộ tiền mà tôi chỉ nắm giữ 25%. Hơn nữa, sau khi đầu tư và hoạt động được 2 năm, doanh nghiệp này liên tục báo lỗ và tăng chi phí. Cuối cùng chúng tôi đành chia tay nhau”, Shark Hưng chia sẻ.

Ông Hưng cho rằng một số startup còn thiếu đi sự trung thực, đồng thời lại nghĩ rằng: “Shark thiếu gì tiền, đầu tư có mấy trăm ngàn USD, mấy tỷ cũng đâu có nhằm nhò gì mà tại sao có tí tiền shark lại quan tâm sâu sắc thế”.

“Đó là điều rất nguy hiểm. Các startup đẩy tôi sang bên kia chiến tuyến để trở thành người mà các bạn phải đối phó chứ không phải người đồng hành. Đó là một điều rất đáng tiếc và thực sự rất đáng buồn của các startup”, ông bày tỏ.

Một trong những điều khiến Shark Hưng cảm thấy buồn nhất là tính trung thực của các startup

Sau bài học này, ông Hưng bộc bạch đã thay đổi chiến thuật đầu tư. Gần đây, ông đã giảm bớt số tiền đầu tư và tăng giá trị lời cam kết. Hải bên phải có cam kết và sự tương tác nhiều hơn để giải ngân và cách giải ngân cũng sẽ thông minh hơn. Tức là không phải giải ngân theo cách đưa thẳng tiền cho startup mà giải ngân cho những nền tảng xung quanh môi trường startup đấy để đối tác phát triển.

Ví dụ startup đó cần tiền để thuê văn phòng, ông sẽ cung cấp văn phòng thay vì đưa tiền. Nói cách khác, thay vì đưa con cá thì dạy họ đi câu. “Tôi sẽ tìm những đối tác mà họ thực sự thấy giá trị về sự tham gia của tôi”, ông nói.

“Phải hiểu, bắt chước được rồi mới đổi mới sáng tạo”

Vị “cá mập” này cũng tiết lộ khẩu vị đầu tư của ông cần có 3 yếu tố: trung thực, bền bỉ quyết tâm và năng lực quản trị chứ không phải là ý tưởng, vấn đề công nghệ và không phải việc hình thành sản phẩm.

“Sau rất nhiều thời gian tìm kiếm, tôi mới nhận ra ở Việt Nam, đến thời điểm này rất hiếm hoi tìm được những ý tưởng có tính đột phá, đổi mới thật sự mà nó vẫn còn bắt chước là nhiều”, ông Hưng đánh giá.

Trong 3 yếu tố trên, ông Hưng ưu tiên đến năng lực quản trị của startup. Nguồn vốn nên được cấp vừa đủ để startup biết cách quản trị và luôn luôn phải cảm thấy đói. Thực tế, ông Hưng thấy rằng khi doanh nghiệp càng đói, càng thiếu thì càng có năng lực sáng tạo cao hơn. Nếu không vượt qua khó khăn nội bộ, các doanh nghiệp càng khó có thể ứng phó với những thách thức bên ngoài.

Phân tích thêm về tính đổi mới công nghệ, Shark Hưng nhớ lại vào đầu những năm 90, Hàn Quốc có slogan: “Bắt chước rồi mới đến sáng tạo”. Cũng giống như con người, trước khi sáng tạo phải bắt chước được. Tức là phải hiểu, bắt chước rồi mới đổi mới.

“Như đứa trẻ mới sinh ra, trước khi làm được cái gì cho riêng nó, phải bắt chước được những gì người lớn, thầy cô dạy đã. Hiểu người khác làm gì và làm được cái giống người khác đã làm, rồi mới làm được điều gì đó cho riêng mình”.

“Tôi nghĩ rằng đó là lộ trình tương đối đúng đắn. Nếu chưa hiểu họ làm gì mà đã chê bai “Trời ơi, cái đó đơn giản”! Đơn giản thì cứ thử làm giống họ. Còn nếu chưa hiểu họ làm gì, chưa làm được giống họ mà đã nghĩ rằng làm điều gì đó hơn họ rất nhiều, xa hơn rất nhiều thì dễ bị thất bại”, ông Hưng nói.

Startup nên rũ bỏ “áo phong trào”

Đưa ra lời khuyên đối với startup, Shark Hưng nhấn mạnh nên rũ bỏ “áo phong trào” để tập trung vào tính thực chất và hiệu quả.

“Lâu nay chúng ta cứ nói phong trào khởi nghiệp Việt Nam đang lên rất cao. Nhưng đúng là mới phong trào chứ thực chất hiệu quả chưa nhìn thấy nhiều”, ông cho hay.

Ông viện dẫn khảo sát gần đây cho thấy phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang rất cao, bằng chứng là khi khảo sát khoảng 2.000 bạn trẻ thì có tới 1/4 muốn khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học. Có nghĩa là cứ 4 người tốt nghiệp đại học lại có một người muốn làm ông chủ, 3 người làm thuê, tỷ lệ này cao gấp đôi so với Mỹ (1/8).

Shark Hưng nhắn nhủ rằng khởi nghiệp là một con đường, song không phải là duy nhất để thành công. Người trẻ nên bình tĩnh, cẩn trọng để bớt vấp ngã.

“Giai đoạn khởi đầu của phong trào khởi nghiệp đã qua đi và bây giờ chúng ta sang giai đoạn hai - giai đoạn sàng lọc thực chất và hiệu quả hơn”, ông Hưng nhận định.

Cùng chuyên mục
Tin khác