Siêu dự án hoá 'thành phố ma' khiến Tập đoàn Country Garden đổ nợ
Khánh Tú -
20/08/2023 18:01 (GMT+7)
(VNF) - Từng là tập đoàn bất động sản lớn nhất nhì Trung Quốc với doanh số bán nhà cao ngất ngưởng, nay Country Garden lại đứng trước bờ vực vỡ nợ. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan từ thị trường bất động sản và chính sách của chính quyền Bắc Kinh, cú ngã ngựa của Country Garden con liên quan đến siêu dự án Forest City.
Theo New York Times, tập đoàn bất động sản Country Garden đang phải gánh khoản thua lỗ hàng tỷ USD và khối nợ khổng lồ lên tới 200 tỷ USD.
Tính đến ngày 11/8, giá cổ phiếu của Country Garden giảm sâu, xuống chỉ còn khoảng 0,13 USD/cp. Đồng thời, khối tài sản của CEO Dương Huệ Nghiên cũng giảm tới 84% so với mức đỉnh vào tháng 6/2021, xuống còn 5,5 tỷ USD.
Có vẻ như hiện thực bi đát này chưa từng xuất hiện trong suy nghĩ của người dân Trung Quốc. Trong nhiều năm liền, Country Garden luôn nằm trong top 100 nhà phát triển bất động sản có doanh số bán hàng lớn nhất Trung Quốc, theo thống kê của China Real Estate Information.
Sự suy yếu của Country Garden giống như một đòn giáng mạnh mẽ vào thị trường bất động sản vốn đã “yếu ớt”, đặc biệt là sau “cái chết” của tập đoàn China Evergrande.
Truyền thông Trung Quốc nhận định sự thất bại của Country Garden có liên quan ít nhiều đến siêu dự án bất động sản tại Malaysia – Thành phố rừng “Forest City” tại Malaysia. Đây là một trong những dự án bất động sản gây tranh cãi nhất ở Malaysia và được đặt tại ngoại ô thành phố Johor Bahru, cách Singapore vài km.
Dự án Forest City khởi công xây dựng từ năm 2015 với tổng đầu tư lên tới 100 tỷ USD. Theo Country Garden, Forest City là thành phố thông minh dành cho tương lai. Forest City được xây dựng dựa trên 4 hòn đảo nhân tạo với diện tích 30km2 với hàng loạt căn hộ cao cấp, 2 sân golf, 2 khách sạn sang trọng, trường học quốc tế và cả thủy cung.
Theo kế hoạch, dự án Forest City có thể thu hút 700.000 dân cư sinh sống. Tuy nhiên, sau 8 năm, số cư dân của Forest City ước tính chỉ khoảng 2.000 người, thậm chí vào thời cao điểm, cũng chỉ có khoảng 10.000 người sinh sống tại đây.
Từ một thành phố tương lai đầy triển vọng, Forest City trở thành “thành phố ma” khi hầu hết cửa hàng trong khu phức hợp đóng cửa hoặc bị bỏ hoang trong khi dân cư thưa thớt. Nhiều khu resort của Forest City cũng nằm “đắp chiếu” do không có khách đến. Theo New Straits Times, gần 90% cửa hàng tại Forest City đã bị bỏ hoang.
Lý do Forest City không thành công như kỳ vọng là do giá nhà ở đây quá cao, vượt xa mức thu nhập trung bình của người dân địa phương. Giá căn hộ tại Forest City ở mức 170.000 USD vào năm 2017, cao hơn giá nhà trung bình tại Johor Bahru là 141.000 USD/căn hộ.
Trong khi đó, vào năm 2018, Malaysia tuyên bố không cho phép người nước ngoài mua nhà tại Forest City do lo ngại người Trung Quốc đổ sang định cư. Mặc dù sau đó quy định này được thay đổi nhưng sự không nhất quán của chính phủ Malaysia cùng với sự vắng vẻ cũng khiến nhiều người ngần ngại xuống tiền.
Không chỉ vắng cư dân, thiếu hoạt động thương mại, Forest City còn gặp rắc rối liên quan đến vấn đề môi trường. Siêu dự án của Country Garden được ví như một “quả bom đối với hệ sinh thái” khi có tới 163 triệu mét khối cát được đổ ra biển để xây dựng Forest City.
Việc xây dựng Forest City còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của những ngư dân sống tại các làng chài gần đó. Mặc dù Country Garden khẳng định đã được chính phủ Malaysia phê duyệt và cấp phép xây dựng nhưng vào năm 2018, tập đoàn bất động sản này đã chi 25 triệu USD để bồi thường cho khoảng 250 ngư dân do hoạt động xây dựng làm sản lượng đánh bắt cá của họ sụt giảm.
Tuy nhiên, Country Garden vẫn không thừa nhận rằng siêu dự án Forest City đã thực sự thất bại. Đại diện công ty cho biết sự phát triển của Forest City đã bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan như dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Mặc dù trước đó Country Garden cam kết vẫn sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển vào Forest City nhưng dựa trên tình hình thực tế của tập đoàn, khả năng cao dự án Forest City sẽ sớm rơi vào quên lãng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone