Số phận Dòng chảy phương Bắc 2 chưa ngã ngũ, lượng dự trữ khí đốt tại Đức giảm sâu

Mộc An - 10/02/2022 21:57 (GMT+7)

(VNF) - Các kho dự trữ khí đốt của Đức hiện ở “mức đáng lo ngại” khi giảm xuống dưới ngưỡng 40%, mức mà Chính phủ Đức cho là cần thiết để nước này vượt qua một đợt rét đậm rét hại kéo dài 7 ngày liên tiếp.

VNF
Số phận Dòng chảy phương Bắc 2 chưa ngã ngũ, lượng dự trữ khí đốt tại Đức giảm sâu.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 9/2, phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức cho biết các kho dự trữ khí đốt của Đức hiện ở mức 35-36% mức mà chính quyền Đức xem là “đáng lo ngại”. Trong năm 2020, dự trữ khí đốt của Đức chưa bao giờ giảm xuống dưới 71%.

Để vượt qua 30 ngày với thời tiết lạnh vừa phải, kho dự trữ khí đốt của Đức cần ở mức 50%.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài khi giá khí đốt đã tăng vọt trong những tháng gần đây do lượng dự trữ thấp và nhu cầu phục hồi sau đại dịch tăng cao. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản xuất điện gió, lại cho hiệu quả thấp.

Trước đó, trong một thông cáo đăng trên Telegram ngày 5/1, Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom cho biết 84,7% (khoảng 40,5 tỷ m2) khí đốt được bơm trong mùa Hè đã được rút ra.

Theo cơ quan Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu, tính đến ngày 3/2, khối lượng khí đốt khả dụng trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của châu Âu thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm trước (ở mức 13,4 tỷ m3).

Bên cạnh đó, công suất của các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của Ukraine cũng ở mức thấp nhất, giảm còn 11,2 tỷ m3 tại thời điểm ngày 3/1, thấp hơn 46,5% so với năm ngoái.

Theo Euronews, trong bối cảnh Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ của châu Âu, Nga có thể căn cứ vào tình hình căng thẳng trên thị trường thế giới để giảm nguồn cung và tăng giá bán.

Theo Đại diện thường trực Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov, Gazprom không bị ràng buộc theo hợp đồng để tăng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Gazprom cho biết  mặc dù đã thực hiện đúng các nghĩa vụ theo hợp đồng khí đốt dài hạn nhưng tập đoàn này vẫn bị cáo buộc gây ra tình trạng thiếu nguồn cung.

Nhiều chỉ trích cho rằng, Kremlin đang cố tình đặt cuộc khủng hoảng khí đốt châu Âu vào tình thế của những tranh chấp địa chính trị đối với tương lai của Ukraine. Các quan chức EU đã đổ lỗi cho Nga vì sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị giữa căng thẳng với Ukraine.

Bất chấp những cáo buộc, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định rằng Điện Kremlin không bao giờ sử dụng xuất khẩu năng lượng như một vũ khí chính trị.

Lượng khí đốt dự trữ của châu Âu sụt giảm trong bối cảnh dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm vẫn chưa được cấp phép hoạt động.

Việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia, trong đó Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất do lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang khu vực.

Xem thêm >> Tổng thống Ukraine: ‘Chẳng nước châu Âu nào có thể áp chế Nga’

Theo Euronews
Cùng chuyên mục
Tin khác