Sai lầm của ông Trần Phương Bình đẩy DongABank xuống dốc, bị 'kiểm soát đặc biệt'
(VNF) - Do mắc sai lầm mà ông Trần Phương Bình đã vướng vòng lao lý, phải trả giá bằng bản án chung thân. DongABank sau khi Bình bị bắt cũng xuống dốc và bị kiểm soát đặc biệt.
Sai lầm lớn và bản án chung thân
Chiều 20/8/2015, ông Trần Phương Bình đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc DongA Bank sau khi có thông tin chính thức về kết luận thanh tra toàn diện quyết định kiểm soát đặc biệt ngân hàng này. Ông Bình sau đó vướng vòng lao lý với nhiều vụ xét xử.
Ngày 11/12/2016, ông Bình bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố và bắt tạm giam với 2 tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định.
Kết quả thanh tra cho thấy, trong giai đoạn 2012 trở về trước, DongA Bank đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của nhà băng này.
Ông Bình bị cơ quan điều tra xác định là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DongA Bank, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DongA Bank tổng số tiền 3.405 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, hành vi vi phạm của ông Bình và lãnh đạo ngân hàng này trước năm 2015 là nguyên nhân dẫn đến việc DongA Bank lỗ lũy kế đến 31.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015. Lý do chính là bởi ngân hàng này cho vay theo chỉ đạo ông Bình mà không tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và của nội bộ ngân hàng.
Ông Bình sau đó đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng, các cổ đông và tập thể cán bộ nhân viên của DongABank. Ông thừa nhận đã có những quyết sách điều hành sai lầm trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế dẫn tới tình trạng xấu của DongA Bank.
Ông Bình đã bị khởi tố trong 5 vụ án và nhận án tù chung thân vì những sai phạm trước đó.
Năm 2018, ông Bình đã nhận án tù chung thân trong vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm chiếm đoạt, làm thất thoát tiền của Ngân hàng Đông Á.
Năm 2020, ông Bình nhận án tù chung thân lần thứ 2 trong vụ thất thoát hơn 8.000 tỷ đồng của ngân hàng. Trong sai phạm của ông Bình có việc ông đã xuất quỹ sai nguyên tắc, chi 200 tỷ đồng cho Phan Văn Anh Vũ để Vũ mua cổ phần của ngân hàng Đông Á.
Vụ án thứ 3, ông Bình liên quan đến vụ thất thoát 184 tỷ đồng của Ngân hàng Đông Á. Ở vụ án này, ông Bình bị tuyên phạt 10 năm tù với cáo buộc chỉ đạo cấp dưới bỏ qua các quy trình thẩm định cho một khách hàng thân thiết vay tiền sai quy định.
Ngày 17/3/2023, TAND TP.HCM tuyên án vụ vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đối với ông Bình cùng 7 đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại cho DongA Bank hơn 5.500 tỷ đồng.
Đây là vụ án thứ 4 ông Bình bị khởi tố do sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của Ngân hàng Đông Á. Ở vụ án này, ông Bình bị tuyên phạt mức án 20 năm tù.
Ngày 1/4 vừa qua, cựu Ceo DongA Bank Trần Phương Bình bị Tòa án Nhân dân TP. HCM tuyên phạt 8 năm tù. Đây là vụ án thứ 5 ông Bình bị đưa ra xét xử liên quan đến cáo buộc chỉ đạo cho vay trái quy định, gây thiệt hại cho DongA Bank gần 981 tỷ đồng.
Tổng hợp hình phạt chung với 4 bản án trước, ông Bình phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân.
Số phận DongA Bank sau khi ông Trần Phương Bình bị bắt
DongA Bank dưới thời ông Trần Phương Bình có những năm tháng thăng hoa nhưng lại tuột dốc, bị kiểm soát đặc biệt và buộc chuyển giao bắt buộc cho ngân hàng khác.
DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 14/8/2015. Kể từ thời điểm bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt đến nay, DongA Bank không còn công khai báo cáo tài chính. Bản báo cáo tài chính gần nhất được ngân hàng công bố là năm 2014, trước thời điểm ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Kết quả kinh doanh 2014 cho thấy, DongA Bank chỉ đạt 7% kế hoạch đề ra. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 35 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2013. Thu nhập lãi ròng của ngân hàng này cũng rớt mạnh còn chưa tới 1.500 tỷ đồng vào năm 2014. Với kết quả này, DongA Bank không trả cổ tức cho cổ đông.
Hoạt động cho vay tại DongABank chìm trong sụt giảm suốt nhiều năm và chỉ mới có dấu hiệu tăng trưởng thời gian gần đây.
Nguyên nhân DongA Bank tuột dốc được ông Bình thừa nhận và trong kết quả thanh tra là do nợ xấu khó đòi. Nhưng sâu xa hơn, nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Đông Á đã “trượt chân” có phần nguyên nhân do kinh doanh vàng và không loại trừ khả năng kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài.
Chính vì được phép kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài mà DongA Bank đã phải nếm mùi cay đắng khi giá vàng quốc tế giảm một mạch 450 USD/ounce chỉ trong năm 2013. Trước đó, năm 2012, DongA Bank đã chi hơn 450 tỷ đồng đầu tư vào vàng nhưng kết quả thu về chưa đủ bù chi phí, chỉ đạt 385 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, DongA Bank cũng sa chân vào lĩnh vực bất động sản. Trong giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, DongABank có dấu hiệu đẩy tín dụng mạnh vào lĩnh vực bất động sản sốt nóng, thay vì định hướng tăng trưởng chậm mà chắc đã được chính ông Bình đề ra từ những ngày đầu dẫn dắt ngân hàng này.
Tại đại hội cổ đông năm 2015, nhiều cổ đông đã chất vấn về các khoản nợ xấu của DongA Bank. Những khoản nợ xấu hàng trăm tỷ đồng tại một doanh nghiệp bất động sản và những khoản vay mới được xới lên.
Sau khi ông Trần Phương Bình bị bắt, NHNN đã chỉ định nhân sự mới từ VietinBank và BIDV vào lãnh đạo DongABank.
Sau gần 10 năm, DongABank vẫn ở diện kiểm soát đặc biệt và đang chờ phương án chuyển giao bắt buộc, cùng với một số ngân hàng khác như CBBank, OceanBank...
Trong 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ mới đây quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng, còn DongABank và SCB vẫn do NHNN kiểm soát đặc biệt.
Cựu tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình qua đời
Ông Trần Phương Bình: Đại gia kim tiền lừng lẫy, 1 đời gắn với DongA Bank
- NHNN tiếp tục kiểm soát đặc biệt DongABank và SCB 29/05/2024 11:58
- DongA Bank: Vang danh một thời và số phận chìm nổi chưa lối thoát 23/11/2023 12:03
- Ngân hàng Nhà nước phải chuyển giao bắt buộc DongA Bank 22/11/2023 09:19
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.