Sợ thanh tra, kiểm toán nhiều doanh nghiệp xin không hỗ trợ lãi suất 2%

Linh Anh - 27/08/2022 01:09 (GMT+7)

(VNF) - Gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40 nghìn tỷ đồng nhưng triển khai rất chậm. Nhiều doanh nghiệp không nhận ưu đãi lãi suất do lo ngại sau khi tham gia lại bị cơ quan thanh tra, kiểm toán vào làm việc.

VNF

Gói hỗ trợ lãi suất 2% từng được ví như chiếc “phao cứu sinh” giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng, sau 3 tháng triển khai, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.407 tỷ đồng với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng. Dự kiến, số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8 khoảng 13,5 tỷ đồng.

Nhiều khó khăn khi giải ngân

Tai hội nghị giải đáp vướng mắc triển khai Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng ngày 26/8, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã chỉ ra hàng loạt khó khăn khi giải ngân. Trong đó, băn khoăn lớ nhất là việc xác định đối tượng thuộc diện hỗ trợ.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, cho hay, tiến trình giải ngân còn chậm do đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 đã được cụ thể hóa nhưng thực tiễn một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành chưa có quy định rõ. Số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất rất hạn chế.

Hơn nữa, quá trình triển khai còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, một số hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề, lĩnh vực được quy định và không thể tách bạch chi tiết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank - nêu khó khăn trong việc xác định khách hàng có khả năng phục hồi. Theo ông Cường, Nghị định 31 quy định ngân hàng thương mại phải tự đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng. Việc mỗi ngân hàng có tiêu chí khác nhau khiến khách hàng khi vay vốn nhiều nơi, có khoản vay được ngân hàng này hỗ trợ, ngân hàng khác thì lại không.

Còn theo Phó Tổng giám đốc VietinBank Nguyễn Trần Mạnh Trung, khách hàng vay vốn thường kinh doanh đa ngành nghề, khó bóc tách nên việc xác định mục đích sử dụng vốn vay gặp nhiều khó khăn. Điều kiện xác định đối tượng được hưởng ưu đãi lãi suất trong Nghị định 31 không phân tích cụ thể khách hàng có khả năng phục hồi là như thế nào nên mỗi ngân hàng đang áp dụng một chính sách cho vay khác nhau.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết, hiện nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Đây lại là đối tượng đông đảo, đang cần được hỗ trợ.

Đại diện các ngân hàng tiết lộ nhiều doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ nhưng lại từ chối nhận bởi họ lo ngại sau khi tham gia hỗ trợ lãi suất phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

"Các khách hàng có thể phát sinh nợ xấu trong quá trình làm ăn, một số khách hàng từ chối tham gia do sợ bị thanh tra, kiểm tra vào làm việc" - Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, chia sẻ, nhiều khách hàng mong được ngân hàng cho vay tín chấp, chứ không muốn được hỗ trợ lãi suất. Bởi suốt 2 năm chịu tác động của đại dịch, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn, cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng gần như là không có.

Mở rộng đối tượng hỗ trợ để đẩy nhanh giải ngân

Nguyên nhân chậm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% còn đến từ phía ngân hàng. Theo Tổng Giám đốc TPBank, các ngân hàng còn tâm lý e ngại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất, gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, được triển khai thông qua hệ thống NHTM. Vì thế, tâm lý các NHTM và khách hàng khi tham gia đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Cần mở rộng đối tượng để đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ.

 

Theo Phó Tổng giám đốc Agribank, trước hết cần mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, lãnh đạo Agribank cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thống kê và hạch toán bổ sung hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng đã giải ngân và ký hợp đồng tín dụng từ ngày 1/1 mà đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.

Với hộ kinh doanh, các ngân hàng kiến nghị nên bỏ điều kiện phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Đây là đối tượng thực sự khó khăn và mong muốn được giảm lãi vay.

Ngoài ra, chính sách cũng cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể về tiêu chí khách hàng có khả năng phục hồi để các ngân hàng thương mại yên tâm triển khai cho vay và hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn tiền ngân sách nhà nước.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác