Soi tiềm lực 4 DN xếp hạng tín nhiệm: 'Ông lớn' hậu thuẫn 'tân binh'
(VNF) - Trong khi bóng dáng của các “ông lớn” hiện diện ngay trong cơ cấu cổ đông của các “tân binh” S&I Ratings và VIS Rating thì hai đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là Saigon Ratings và FiinRatings chủ yếu khai thác nguồn lực qua cơ chế hợp tác.
Thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến tháng 8/2024, đơn vị này đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đối với 4 doanh nghiệp.
Đó là Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (Saigon Ratings), Công ty CP FiinRatings (FiinRatings), Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm S&I (S&I Ratings).
Như vậy, so với năm 2023, thị trường xếp hạng tín nhiệm đã có thêm một “gương mặt mới” là S&I Ratings.
Theo Nghị định 88/2014/NĐ-CP, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phải được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, các doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm thì không được phép sử dụng cụm từ “xếp hạng tín nhiệm” hoặc các cụm từ khác có nội hàm như “xếp hạng tín nhiệm” trong tên gọi. Mặc dù Nghị định này đã ra đời được 10 năm song số lượng công ty xếp hạng tín nhiệm trên thị trường hiện nay vẫn còn hạn chế.
Liên quan đến 4 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp phép, theo quan sát, mỗi đơn vị lại có một cấu trúc cổ đông và mô hình hoạt động khác nhau. Trong khi bóng dáng của các “ông lớn” hiện diện ngay trong cơ cấu cổ đông của các “tân binh” S&I Ratings và VIS Rating thì hai đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ này là Saigon Ratings và FiinRatings chủ yếu khai thác nguồn lực qua cơ chế hợp tác.
S&I Ratings và “bệ đỡ” SSI
Về S&I Ratings, “tân binh” trên thị trường xếp hạng tín nhiệm có liên quan đến “ông trùm” chứng khoán Nguyễn Duy Hưng. Doanh nghiệp được thành lập ngày 14/3/2022, đặt trụ sở tại số 1C Ngô Quyền, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, cùng toà nhà với Quỹ đầu tư Thành viên SSI (SSI-IMF) – một đơn vị trong hệ sinh thái SSI.
Cần biết, SSI-IMF cùng Công ty CP Chứng khoán SSI là hai trong ba cổ đông sáng lập của S&I Ratings. Thời điểm mới thành lập, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm này có vốn điều lệ là 30 tỷ đồng. Trong đó, SSI-IMF góp 25,2 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 84%, Chứng khoán SSI góp 4,5 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 15%. Cổ đông còn lại là Công ty CP Đầu tư Melchi Capital góp 300 triệu đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 1% .
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, theo thông tin S&I Ratings công bố trên website chính thức, Chứng khoán SSI đang là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu 14,99% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, còn có 3 nhà đầu tư tổ chức sở hữu vốn của S&I Ratings, bao gồm Công ty TNHH Tư vấn NDH, Công ty CP AGON và Công ty CP PALLAS, mỗi bên nắm 10%. Đáng chú ý, Tư vấn NDH là doanh nghiệp nơi ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch.
Ngoài ra, danh sách cổ đông của S&I Ratings còn có sự xuất hiện của 6 cổ đông cá nhân khác, đó là Nguyễn Thị Hà Dương (9,5%), Vũ Thị Hồng Hạnh (9,4%), Lê Tuyết Lan (9,3%), Nguyễn Việt Hà (9%), Bùi Huy Phương (9%) và Tô Minh Đức (8,81%).
Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng S&I Ratings hiện xếp thứ ba trong số bốn doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm về quy mô vốn điều lệ. Với bệ đỡ là Chứng khoán SSI – công ty chứng khoán lâu đời và lớn nhất Việt Nam, doanh nghiệp này sẽ được “thừa hưởng” không ít lợi thế về cơ sở dữ liệu tài chính, bao gồm chứng khoán, trái phiếu, các ngành, IPO, M&A và kinh tế vĩ mô.
Theo giới thiệu, S&I Ratings đang cung cấp 3 sản phẩm, bao gồm: xếp hạng tín nhiệm công cụ nợ, xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành và phân tích khả năng phục hồi sau vỡ nợ và xếp hạng tín nhiệm các sản phẩm tài chính có cấu trúc.
VIS Rating và bước đi chiến lược của Moody’s tại Việt Nam
Trong khi đó, VIS Rating cũng mới gia nhập thị trường kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cách đây không lâu. Doanh nghiệp này được Bộ Tài chính cấp phép vào ngày 18/9 năm ngoái, sau gần 2 năm thành lập.
Theo tìm hiểu, VIS Rating ra đời ngày 30/11/2021, đặt trụ sở chính tại Phòng 2709, tầng 27, tháp Tây, toà nhà Lotte Center Hà Nội. Được thành lập trên dựa trên sáng kiến của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, doanh nghiệp hoạt động theo mô hình liên doanh giữa tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s và các định chế tài chính hàng đầu Việt Nam.
VIS Rating cũng là hãng xếp hạng tín nhiệm có quy mô lớn nhất hiện nay với số vốn điều lệ 103,14 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Moody’s Singapore Pte. Ltd. vẫn được giữ ở mức 49%, bằng thời diểm VIS Rating mới thành lập. Năm cổ đông sáng lập khác là Dragon Capital Finance Ltd, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Nam Á NamABank, Công ty CP Chứng khoán VPS cùng nắm 8,84% (trước đó là 10,2%). Trong khi đó, cổ đông mới là Công ty Tài chính TNHH TNEX sở hữu tỷ lệ nhỏ nhất với 6,8%.
Sự hậu thuẫn từ Moody’s – tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế với bề dày lịch sử 115 năm mang tới cho VIS Rating những nguồn lực quan trọng, nổi bật là quyền truy cập dữ liệu toàn cầu bao gồm Moody’s CreditView và Bureau van Dijk. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn trong việc thực hiện các phân tích và nghiên cứu tín dụng chuyên sâu cho các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như các công ty tương tự trong khu vực. Chưa kể, những nhà đầu tư còn lại của VIS Rating cũng là những tên tuổi “có số có má” trên thị trường vốn Việt Nam.
Hiện tại, VIS Rating đang cung cấp hai loại dịch vụ chính là xếp hạng tín nhiệm và dịch vụ đánh giá và phân tích. Trong đó, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm gồm có xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành được công bố ra công chúng và xếp hạng tín nhiệm công cụ nợ dài hạn/ngắn hạn được công bố ra công chúng; dịch vụ đánh giá và phân tích gồm có đánh giá mức độ tín nhiệm giám sát thường xuyên, đánh giá mức độ tín nhiệm và đánh giá mức độ tín nhiệm cho danh mục đầu tư.
Saigon Ratings và mối liên hệ với Fitch Ratings
Về Saigon Ratings, đây là tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đơn vị đầu tiên được cấp phép (tháng 7/2017). Doanh nghiệp được thành lập ngày 30/7/2015, chưa đầy một năm sau khi Nghị định 88/2014/NĐ-CP được ban hành. Saigon Ratings đặt trụ sở tại số 78-80 Lê Văn Thiêm, khu phố Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7, TP. Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp có số vốn điều lệ ban đầu là 15 tỷ đồng, được góp bởi 3 cổ đông sáng lập là Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Phát Thịnh (60%), Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Phát Thịnh (15%) và ông Phùng Xuân Minh (25%). Thời điểm đó, dù không phải cổ đông lớn nhất nhưng với cương vị Chủ tịch của cả hai pháp nhân còn lại, ông Minh là người giữ vai trò chi phối tại Saigon Ratings.
Sau này, vị đại gia liên tục gia tăng sở hữu tại Saigon Ratings khi “bơm tiền” cho doanh nghiệp tăng vốn. Theo cập nhật mới nhất trên website, ngày 25/5/2022, Saigon Ratings đã tăng vốn điều lệ lên mức 50 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của ông Phùng Xuân Minh đã tăng lên 77,5%. Hai cổ đông còn lại là Đầu tư Sài Gòn Phát Thịnh và Tư vấn Kinh doanh Phát Thịnh nắm lần lượt 18% và 4,5%.
Về nguồn lực và lợi thế, theo giới thiệu, Saigon Ratings là thành viên chính thức của tổ chức Hiệp hội Xếp hạng Châu Á (ACRAA). Điều này mang tới cho hãng điều kiện, cơ hội để học hỏi kinh nghiệm quản trị, quản lý vận hành và nghiệp vụ chuyên môn nhằm từng bước tiệm cận phù hợp với thông lệ hoạt động và chuẩn mực thế giới. Mặt khác, Saigon Ratings cũng nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và sự hợp tác chuyên môn với Fitch Learning – đơn vị đào tạo cùng hệ sinh thái với Fitch Ratings (một trong ba “ông lớn” xếp hạng tín nhiệm, bên cạnh Standard & Poor's (S&P) và Moody’s).
Về hoạt động, Saigon Ratings hiện cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm các tổ chức phát hành (các doanh nghiệp và định chế tài chính) và xếp hạng tín nhiệm công cụ nợ (các khoản vay, trái phiếu, công cụ nợ tài trợ dự án). Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cung cấp các dịch vụ khác như báo cáo đánh giá tín nhiệm, báo cáo phân tích biến động quỹ đầu tư và đánh giá chuyên sâu doanh nghiệp.
FiinRatings và sự hỗ trợ từ S&P Global
Về hãng xếp hạng tín nhiệm còn lại là FiinRatings, xét về bề dày lịch sử, đây lại là đơn vị có “tuổi đời” lớn nhất. Theo tìm hiểu, FiinRatings tiền thân là Công ty CP StoxPlus, thành lập tháng 3/2008, ban đầu tập trung cung cấp dữ liệu trên thị trường chứng khoán. Năm 2019, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty CP FiinGroup và đến năm 2020 thì bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm.
Được Bộ Tài chính cấp phép ngày 20/3/2020, đây là doanh nghiệp thứ hai cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường tài chính Việt Nam. Sau 2 năm “chinh chiến”, với sự tăng trưởng tích cực của thị trường này, FiinGroup đã tiến hành tái cơ cấu hoạt động khi tách các dịch vụ thông tin tài chính, thông tin tài chính và nghiên cứu sang cho công ty mẹ là Công ty CP FiinGroup Việt Nam. Tập trung vào mảng duy nhất là dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, FiinGroup đổi tên thành FiinRatings.
Theo số liệu mới nhất, FiinRatings có số vốn điều lệ là 25 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP FiinGroup Việt Nam nắm giữ tỷ lệ gần như tuyệt đối với 99,994%. Hai cổ đông còn lại là ông Nguyễn Quang Thuân và ông Nguyễn Hữu Hiệu cùng sở hữu 75 cổ phần, tương ứng 0,003% vốn.
Về nguồn lực, tương tự Saigon Ratings, FiinRatings cũng tiếp nhận sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ phía ADB. Tuy nhiên, khác với “kình địch”, FiinRatings được đào tạo kỹ thuật, chuyển giao các công nghệ phát triển bởi S&P Global Ratings. Đơn vị này đã có 160 năm hoạt động – lâu đời nhất trong “Big 3” xếp hạng tín nhiệm.
Về hoạt động, bên cạnh xếp hạng tín nhiệm các tổ chức phát hành và xếp hạng tín nhiệm công cụ nợ, FiinRatings còn cung cấp một số dịch vụ cho nhà đầu tư như đánh giá tín dụng doanh nghiệp, nghiên cứu tín dụng ngành và giám sát danh mục đầu tư. Năm 2023, mảng xếp hạng tín nhiệm và liên quan mang về 17,7 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm trước đó, chiếm hơn một nửa cơ cấu doanh thu.
Đáng chú ý, FiinRatings hiện đang đơn vị duy nhất ở Việt Nam được ủy quyền cung cấp dịch vụ Xác nhận Trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Trái phiếu khí hậu (CBI).
Xếp hạng tín nhiệm: Tránh 'minh bạch nửa vời'
Muốn phát triển bền vững nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu
(VNF) - Trước những tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường trên thế giới về phát triển bền vững, khiến các DN Việt Nam phải quan tâm tìm hiểu và tiến tới thực thành ESG. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc này còn nhiều rào cản và dường như DN đang chưa biết phải “xuất phát” ra sao
Tân Chủ tịch ACV Vũ Thế Phiệt, gánh tiếp trọng trách Sân bay Long Thanh
(VNF) - Ông Vũ Thế Phiệt được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thay thế cho ông Lại Xuân Thanh - người vừa nghỉ hưu từ 1/9.
DN liên quan Trương Mỹ Lan khất nợ 445 tỷ đồng lãi trái phiếu
(VNF) - Setra Corp, công ty liên quan hệ sinh thái bà Trương Mỹ Lan, góp vốn xây tháp Vietcombank, đang nợ gần 445 tỷ đồng lãi trái phiếu.
Hình dáng Cao tốc Vân Phong – Nha Trang 12.000 tỷ tăng tốc về đích
(VNF) - Cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, được khởi công tháng 1/2023. Hiện các nhà thầu đang khẩn trương thi công, phấn đấu hoàn thành dự án vào dịp 30/4/2025, vượt tiến độ 8 tháng.
'Việt Nam hưởng lợi từ sắp xếp lại thị trường xuất khẩu toàn cầu'
(VNF) - Theo nhận định của các chuyên gia,Việt Nam là quốc gia tại ASEAN được hưởng lợi từ việc sắp xếp lại các thị trường xuất khẩu toàn cầu
Lần theo bước chân khối ngoại trên TTCK Việt Nam
(VNF) - Nhìn lại cả hành trình của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam, có thể thấy sau thời gian chạy đà gom gió cho “con diều chứng khoán Việt” bay lên, đến nay thị trường đã “tự bay” được, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm dần.
Kinh doanh ô tô, xe máy tại Việt Nam, Honda thu lợi hơn 1 tỷ USD
(VNF) - Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Honda Việt Nam, Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Honda Việt Nam ghi nhận hơn 30.399,7 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bão Yagi hướng vào đất liền: Chính phủ lập Bộ Chỉ huy tiền phương
(VNF) - Tính đến 9h sáng 7/9, tâm bão vẫn còn cách đất liền khoảng 120km, nhưng đĩa mây đã xâm lấn ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng gây mưa to.
Top 10 DN vốn hoá lớn nhất sàn: Sự trở lại ấn tượng của ‘ông lớn’
(VNF) - HPG đã cắt đứt chuỗi giảm điểm liên tiếp trong 7 phiên, đồng thời duy trì vị trí của mình trong top 10 doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất thị trường.
CEO Nvidia: Thà 'tra tấn nhân viên để họ trở nên vĩ đại' còn hơn sa thải
(VNF) - CEO "gã khổng lồ" ngành chip Nvidia, ông Jensen Huang, mới đây đã bày tỏ quan điểm về việc đào tạo nhân viên. Theo đó, vị tỷ phú này lựa chọn đẩy những nhân viên của mình tới giới hạn cuối cùng để thấy họ bứt phá, thay vì lựa chọn sa thải.
Ngắm toàn cảnh 'siêu' cảng lớn nhất Miền Bắc
(VNF) - Đến năm 2025, Khu bến cảng Lạch Huyện có 6 bến container và đến năm 2030 có tổng 10-12 bến đáp ứng lượng hàng từ 5,5 - 6,1 triệu Teu.