Minh bạch thị trường TPDN: Áp dụng xếp hạng tín nhiệm chuẩn quốc tế

Khánh Nam - 02/12/2023 16:17 (GMT+7)

(VNF) - Tính đến cuối tháng 11/2023, còn khoảng 69 DN chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tổng dư nợ ước tính lên đến 176.000 tỷ đồng khiến dư luận quan tâm tới những giải pháp để thị trường trái phiếu DN phát triển bền vững.

VNF

Trước những dư âm buồn về sự đổ vỡ, mất mát của nhiều nhà đầu tư trái phiếu ngân hàng, bất động sản trên thị trường, VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, ông Phạm Phú Khôi, Chủ tịch VIS Rating (Công ty cổ phần xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam).

- Ông có nhận xét gì về vai trò của việc xếp hạng tín nhiệm đầu tư độc lập, đặc biệt trong việc phân tích rủi ro đối với các tổ chức phát hành và các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay?

Ông Phạm Phú Khôi: Trong thời gian gần đây, hoạt động đầu tư trên thị trường vốn tại Việt Nam diễn ra rất sôi động. Tuy nhiên chúng ta đã chứng kiến một giai đoạn khó khăn của thị trường TPDN, cũng như những vấn đề cần phải giải quyết để thị trường có thể phát triển bền vũng trong tương lai. 

Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, và xếp hạng tính nhiệm đầu tư đối với các đợt phát hành trái phiếu là một giải pháp tối ưu để có thước đo chuẩn mực cho thị trường đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp và các trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành. Đây là biện pháp đã được áp dụng và đã được kiểm chứng về tầm quan trọng của mình tại hầu hết các nước trong khu vực và trên thể giới, các thị trường cận biên, mới nổi, hay đã phát triển, như là điều kiện tiên quyết để thị trường TPDN phát triển bền vững lâu dài.

Một khi doanh nghiệp đã được xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng độc lập và có uy tín như Moody’s, doanh nghiệp - tổ chức phát hành- sẽ dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, từ ngân hàng, quỹ đầu tư, hoặc các nhà đầu tư tài chính khác, những nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro tương ứng với độ tín nhiệm của tổ chức phát hành, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vốn vay và đảm bảo phát hành thành công.

Các tập đoàn tài chính lớn đều có các giải pháp riêng để sàng lọc, đánh giá và giám sát khoản đầu tư của họ. Họ có thể tự triển khai việc đánh giá xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp mà họ muốn đầu tư. Tuy nhiên điều này đòi hỏi nhiều chi phí và chỉ phù hợp với các giao dịch tay đôi - đầu tư trực tiếp. Đối với các đợt phát hành cho nhiều nhà đầu tư tổ chức, hoặc nhiều cá nhân, hoặc phát hành ra công chúng, sẽ cần phải có xếp hạng tính nhiệm độc lập để cung cấp đầy đủ thông tin, phân tích rủi ro, các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của tổ chức phát hành trong tương lai…

Chúng ta đang rất cần những tổ chức xếp hạng tín nhiệm có năng lực, áp dụng những tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế vào thực tiễn thị trường Việt Nam, để cung cấp một thước đo tiêu chuẩn cho việc xếp hạng tín nhiệm đầu tư nhằm khôi phục lòng tin của nhà đầu tư vào doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng như các trái phiếu được phát hành trên thị trường. Đảm bảo một giai đoạn mới của sự phát triển bền vững cho TPDN.
 
- Theo ông, cần phải làm gì để thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam  phát triển ổn định, lành mạnh? Và ông cho biết rõ hơn các quy định tại các thị trường khác tương đồng với Việt Nam, ví dụ như về yêu cầu bắt buộc có xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu?
 
Đã có rất nhiều hội thảo bàn luận về nội dung này. Thị trường được tạo lập bởi Người Mua, Người Bán, Tổ chức trung gian (Môi giới - lưu ký hàng hoá). Để thị trường được cải thiện lành mạnh hơn, chúng ta cần hướng nội mà tìm xem còn có những nhược điểm ở đâu trong cả 3 cấu thành của thị trường. Vừa qua các nhà quản lý đã hoàn thiện sửa đổi các quy định theo định hướng tích cực về việc phát hành và lưu ký TPDN, cũng như các tiêu chí để nhà đầu tư cá nhân được công nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Yêu cầu bắt buộc các tổ chức phát hành có khối lượng phát hành lớn, và lớn tương đối so với vốn chủ (tỷ lệ nợ cao) phải có xếp hạng tính nhiệm. Nếu mọi trái phiếu phát hành đều được đánh giá xếp hạng tín nhiệm độc lập bởi các tổ chức chuyên nghiệp có uy tín như Moody’s, các nhà đầu tư sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin, phân tích rủi ro để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn, đồng thời luôn được cập nhật thông tin định kỳ cũng như bất thường để đảm bảo luôn được nhận biết và có thể đo lường được rủi ro mình đang chấp nhận khi đầu tư; thị trường sẽ dần dần khôi phục được lòng tin của nhà đầu tư để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững lâu dài.
 
Đối với các thị trường TPDN khu vực Đông Nam Á, thị trường trái phiếu có những tiêu chuẩn đặc thù riêng. Tại Malaysia, khi khởi động thị trường TPDN từ những năm 1998, quy định bắt buộc mọi TPDN đều phải xếp hạng tín nhiệm khi phát hành, tạo bức tranh minh bạch cho thị trường. Sau gần 20 năm phát triển ổn định và tới một tầm cao mới, nhà chức trách đã bỏ quy định bắt buộc phải có định hàng tín nhiệm cho TPDN để tạo điều kiện cho các sản phẩm TPDN mới có độ rủi ro cao hơn, dành cho các nhà đầu tư chịu rủi ro cao, có cơ hội phát triển. Tại Thái Lan, không bắt buộc phải có xếp hàng tín nhiệm cho các đọt phát hành. Tuy nhiên họ có những biện pháp hiệu quả để đảm bảo các nhà đầu tư cá nhân được tiếp cận đầy đủ thông tin và nhận biết rủi ro khi đầu tư.

- Ông nhận định như thế nào về sự đón nhận của cả doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư đối với sự ra đời của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như cần phải thay đổi chính sách gì để xếp hạng tín nhiệm trái phiếu tại Việt Nam trở thành thông lệ hơn?

Có thể so sánh xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu như 1 lần khám sức khỏe, giúp doanh nghiệp tự đánh giá về tình hình tài chính của mình, mức độ rủi ro đối với việc doanh nghiệp không có đủ hay không có khả năng tiếp cận nguồn vốn khác để trả nợ. Còn đối với nhà đầu tư, đây là thước đo về rủi ro mất vốn khi họ đầu tư vào các trái phiếu hay công cụ nợ khác do doanh nghiệp phát hành. Đây là yếu tố rất quan trong đối với nhà đầu tư. Thông thường trên các thị trường quốc tế và khu vực, các nhà đầu tư ít mạo hiểm là tổ chức, là các quỹ đầu tư trái phiếu thuộc bảo hiểm nhân thọ, và các nhà đầu tư cá nhân có số dư tài sản cao, họ chỉ đầu tư các trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm đầu tư. Các trái phiếu không có xếp hạng tín nhiệm chỉ phát hành được khi đó là giao dịch tay đôi, hoặc vài nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các giao dịch cấu trúc.

Về phía các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tất nhiên, họ phải tốn khoản chi phí cho việc đánh giá sức khỏe, nên có thể có doanh nghiệp vì tiết kiệm chi phí mà bỏ qua, nhưng những giá trị mà các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập mang lại cho doanh nghiệp sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí của doanh nghiệp, đó là từ việc giảm được chi phí vốn khi phát hành thành công và đúng mức giá thích ứng với độ rủi ro của mình.

Ngày 5/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ trong và ngoài nước. Trong đó, tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm để thị trường và các công ty xếp hạng tín nhiệm có thời gian chuẩn bị. Với sự ra đời của VIS Rating, là công ty thứ 3 hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù có điều kiện này, thị trường TPDN đã có đủ hạ tầng cơ sở để sau khi NĐ 08 hết hiệu lực, thị trường có thể tái khởi động trên một nền tảng vững chắc hơn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Ông Phạm Phú Khôi là Thạc sỹ Kinh tế hàng không (ĐH Hàng không Dân dụng Riga, Latvia – Nga) và là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (trường Wharton, ĐH Pennsylvania – Hoa Kỳ). Ông từng giữ vị trí Phó Tổng giám đốc khối Thị trường Tài chính kiêm Giám đốc trung tâm quản lý bảng cân đối tại Ngân hàng VP Bank. Trước đó, ông từng giữ vị trí Giám đốc tại Ngân hàng đầu tư Bank of America Merrill Lynch, Giám đốc giao dịch đầu tư tín dụng Quốc tế - thị trường mới nổi - tại Standard Chartered Bank Singapore.
Cùng chuyên mục
Tin khác