Trái phiếu doanh nghiệp: Chờ trời sáng sau cơn mưa

Khánh Tú - 26/11/2023 22:19 (GMT+7)

(VNF) - Sau thời kỳ giảm tốc và suy thoái, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 được dự đoán sẽ có nhiều thay đổi tích cực, bước sang một chu kỳ "bình thường mới" với nhiều yếu tố hỗ trợ.

Nguy cơ từ doanh nghiệp SPE

Trong hơn một thập niên qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về cả lượng và chất, khẳng định vị thế là một kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách của doanh nghiệp.

Giai đoạn 2017 – 2021 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với các đợt phát hành trái phiếu chủ yếu từ các doanh nghiệp trong ngành bất động sản (với 36%) và ngân hàng (31%).

Trong năm 2017, tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở mức dưới 310.000 tỷ đồng nhưng đến năm 2021, con số này đã tăng lên 1.469.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,3 lần quy mô của thị trường chỉ trong vòng 5 năm.

Riêng trong năm 2021, vai trò của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được khẳng định rất rõ ràng trong hoạt động chung của thị trường tài chính. Trong năm này, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành mới lên tới 746.000 tỷ đồng, tương đương 60% tổng dư nợ tín dụng do các ngân hàng cung cấp ra thời gian đó và vượt trội hơn so với quy mô phát hành mới trên thị trường cổ phiếu trong cùng thời gian.

Thời điểm này đánh dấu dấu mốc thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển đến một mức đủ lớn để không ai có thể bỏ qua được.

Những nghị định ảnh hưởng đến trái phiếu doanh nghiệp.

Nguyên nhân đằng sau sự tăng trưởng nóng của thị trường trái phiếu là do chi phí huy động từ hoạt động phát hành trái phiếu không đắt hơn so với vay ngân hàng mà lại không cần tài sản đảm bảo và không chịu sự giám sát khoản vay, ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc VIS Rating cho biết tại hội thảo “Cập nhật các biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam và hoạt động xếp hạng tín nhiệm”.

Tuy nhiên, đi cùng với sự tăng trưởng nóng, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn này lại xuất hiện một vấn đề, đó là quy mô phát hành của các doanh nghiệp SPE tăng đột biến, từ 36.000 tỷ đồng vào năm 2018 lên 137.000 tỷ đồng trong năm 2021. Tỷ trọng SPE/tổng số trái phiếu phát hành là 35%, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Các doanh nghiệp SPE là các doanh nghiệp vỏ, được tạo ra với mục đích huy động vốn và không có dòng tiền thật hoạt động để trả nợ. Chính vì thế, việc hơn một nửa số SPE có vấn đề trong trả nợ trong khi bên mua lại trái phiếu của nhóm này chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Tính đến cuối năm 2021, nhà đầu tư cá nhân là đối tượng sở hữu trái phiếu nhiều thứ hai sau ngân hàng, với mức sở hữu lên tới khoảng 480.000 tỷ trái phiếu.

Những SPE có vấn đề đã để lại hậu quả chưa thể khắc phục trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hậu quả đầu tiên là không đáp ứng được nghĩa vụ nợ đối với trả cả gốc lẫn lãi. Theo thống kê của VIS, trái phiếu chậm trả lãi gốc/lãi chủ yếu đến từ các nhóm bất động sản (tỷ lệ 23,5%), xây dựng (tỷ lệ 24,8%) và năng lượng tái tạo (tỷ lệ 21,9%), những nhóm ngành từng dẫn đầu thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời kỳ bùng nổ.

Điều này đã khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp chững lại trong một thời gian dài, kể từ tháng 10/2022. Tuy nhiên, dòng vốn đã quay trở lại thị trường trái phiếu doanh nghiêp từ tháng 7/2023 với nhiều tín hiệu tích cực. Số lượng trái phiếu chậm trả gốc và lãi lần đầu cũng đã giảm dần. Các giá trị trái phiếu có rủi ro cao cũng giảm dần trong vòng 12 – 13 tháng tới.

2024: Cửa sáng hé mở

Ông Simon Chen, Giám đốc khối xếp hạng và nghiên cứu của VIS Rating, cho biết sau cú sốc về thanh khoản trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra nhiều vấn đề cho các nhà phát hành, dẫn đến xu hướng lãi và gốc trái phiếu không được thanh toán đúng hạn thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những bước tiến mới trong năm 2024.

Tốc độ gia tăng các trái phiếu không được thanh toán lãi và gốc đang chậm lại.

Ông dự báo trong năm 2024, tốc độ gia tăng các trái phiếu không được thanh toán lãi và gốc sẽ chậm lại, thị trường sẽ phát triển theo hướng kỉ luật và chặt chẽ hơn cùng với đó, niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ đần được khôi phục, dẫn đến hoạt động phát hành sẽ dần phục hồi. 

Về nhận định tỷ lệ trái phiếu chậm trả gốc lãi phát sinh mới sẽ giảm, ông Chen cho biết xu hướng này chủ yếu đến từ môi trường lãi suất thấp do 4 lần cắt giảm của Ngân hàng Nhà nước giúp việc huy động vốn trở nên dễ dàng hơn. Chính phủ cũng có các biện pháp hỗ trợ, kích thích nền kinh tế, giúp cải thiện điều kiện kinh doanh tại các lĩnh vực có nhu cầu huy động vốn bằng trái phiếu. Điều kiện kinh doanh của nhiều doanh nghiệp được cải thiện, dòng tiền sẽ được ổn định, hỗ trợ khả năng thanh toán của nhiều đơn vị phát hành trái phiếu.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đã có những sáng kiến mới, giúp cải thiện cách các nhà đầu tư, đơn vị phát hành trái phiếu và bên trung gian hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Từ năm 2024, các quy định còn lại trong Nghị định 65 sẽ chính thức có hiệu lực, đồng nghĩa rằng những bên phát hành trái phiếu sẽ phải công bố nhiều thông tin hơn và thường xuyên hơn, từ đó các nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định dựa trên số liệu cụ thể. Năm 2024 sẽ là một thời kỳ thú vị khi các đơn vị phát hành trái phiếu công bố nhiều thông tin một cách đều đặn và kịp thời”, ông nói

Trong năm 2023, giá trị trái phiếu chậm thanh toán phát sinh mới sẽ giảm dần và các ngân hàng sẽ là đầu tàu thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu. Đây sẽ là những thay đổi tích cực giúp phục hồi niềm tin của cà nhà đầu tư và đơn vị phát hành vào thị trường trái phiếu, ông Chen nhận định.

Ngày 24/11, Tổ chức xếp hạng tín dụng VIS Rating chính thức khai trương hoạt động. VIS Rating được thành lập vào tháng 11/2021, được Bộ Tài chính cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm vào ngày 18/9/2023 và là tổ chức thứ 3 được cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này.

Mục tiêu của VIS Rating đảm bảo rằng trái phiếu doanh nghiệp thực sự trở thành một công cụ quan trọng trong việc thu hút vốn cho các doanh nghiệp, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. 

Cùng chuyên mục
Tin khác