SSI chỉ ra hàng loạt ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số trở lên trong quý I/2022

Hải Đường - 13/04/2022 17:40 (GMT+7)

(VNF) - Theo báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý I/2022 của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, 12/13 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) trong phạm vi nghiên cứu có kết quả lợi nhuận ước tính tăng trưởng 2 chữ số, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng 3 chữ số.

VNF
SSI chỉ ra hàng loạt ngân hàng tăng trưởng 2 chữ số trở lên trong quý I/2022

Trong 32 doanh nghiệp thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI, nhóm ngân hàng chiếm số lượng 13 đơn vị, trong đó 12 ngân hàng ước tính đạt mức lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý I. Động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ tín dụng (hoạt động kinh doanh cốt lõi), cùng với đó là việc kiểm soát chi phí trích lập dự phòng và thu nhập từ hợp đồng bancassurance.  

Cụ thể, VPBank là ngân hàng duy nhất có mức tăng trưởng lợi nhuận quý I theo ước tính đạt 3 chữ số (tăng 175%), tương đương giá trị ước 11.000 tỷ đồng nhờ ghi nhận đầy đủ phí trả trước từ hợp đồng bancassurance với AIA và tăng trưởng tín dụng ở mức 7%.

Tiếp theo là SHB với mức tăng trưởng lợi nhuận quý I ước đạt 92%, giá trị 3.200 tỷ đồng nhờ tăng trưởng tín dụng 5% và giá trị tiền gửi tăng 2,5% so với đầu năm, NIM ước tính duy trì ổn định.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacomank) đứng thứ ba về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, ước đạt 40-50% tương đương thu về 1.400-1.500 tỷ đồng trong quý I nhờ gia tăng thu nhập hoạt động và kiểm soát tốt chi phí dự phòng.

Các ngân hàng còn lại có kết quả lợi nhuận quý I ước tăng trưởng dương theo báo cáo của SSI là ACB, BIDV, HDBank, MB, MSB, Sacombank, Techcombank, TPBank, VIB và Vietcombank. Trong đó mức tăng trưởng đều ước 2 chữ số.

Đáng chú ý, ngân hàng duy nhất trong báo cáo của SSI ước lợi nhuận giảm là VietinBank. Theo đó, SSI cho rằng dù tăng trưởng tín dụng và huy động của VietinBank tại thời điểm cuối quý I ước tính ở mức cao lần lượt là 7% và 5% so với đầu năm, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế có thể sẽ thấp hơn cùng kỳ năm 2021 do mức nền so sánh cao.

Cùng với đó, phí trả trước từ bancassurance với Manulife có thể chưa được ghi nhận trong quý I/2022, theo SSI.

Ngoài nhóm ngân hàng, trong số 32 doanh nghiệp mà SSI theo dõi, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nguyên vật liệu ước đạt mức tăng trưởng “khủng” tính bằng lần về lợi nhuận trong quý I.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) ước lợi nhuận trước thuế quý I tăng lần lượt gấp 6,6 lần, 10 lần và 5 lần so với cùng kỳ, đều nhờ giá bán bình quân tăng mạnh.

Kết quả này không quá bất ngờ, khi việc các công ty nguyên vật liệu được hưởng lợi trong thời gian qua đã được nhiều chuyên gia nhận định.

Đại diện cho nhóm cảng biển – logicstics trong các doanh nghiệp mà SSI theo dõi là Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD) và Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH), đều thuộc nhóm có lợi nhuận ước tăng trưởng dương trong quý I. Trong đó lãi trước thuế của Gemadept ước tăng 20% so với cùng kỳ nhờ đóng góp của cảng Gemalink và lãi trước thuế của HAH ước tăng gấp 3 lần nhờ tăng năng suất hoạt động, giá cước vận tải tăng và giá dịch vụ cảng tăng.

Nhóm y dược trong danh sách của SSI gồm có 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Traphaco (HoSE: TRA) và Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP), dự kiến lợi nhuận biến động ngược chiều trong quý I.

Cụ thể, SSI ước lợi nhuận ròng của Traphaco có thể đạt 83 tỷ đồng trong quý đầu năm nhờ doanh thu tăng mạnh tại kênh nhà thuốc do đột biến về nhu cầu điều trị Covid-19 tại nhà và doanh thu mới từ việc thương mại hóa thành công các sản phẩm chuyển giao công nghệ với Daewoong Pharmarceutical.

Trong khi đó, lợi nhuận ròng của Imexpharm lại ước tính giảm 6% do nhu cầu thuốc tại kênh bệnh viện phục hồi chậm tại khu vực miền nam, đặc biệt là thuốc kháng sinh – sản phẩm chính của Imexpharm trong giai đoạn bùng phát biến chủng Omicron trên cả nước.

SSI cho rằng Imexpharm phụ thuộc vào nhu cầu tại kênh bệnh viện và thuốc kháng sinh, trong khi đó cả 2 kênh này đều không cải thiện đáng kể từ đợt giãn cách xã hội gần nhất tại miền nam.

Nhóm thép có 2 đại diện thuộc danh sách nghiên cứu của SSI là Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đều ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 2 chữ số lần lượt ở mức 57% và 18% nhờ sự phục hồi giá thép HRC và sản lượng tiêu thụ tốt.

Một số doanh nghiệp khác có mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý I khá ấn tượng theo ước tính của SSI là Công ty Cổ phần FPT, Tổng công ty Khí Việt Nam, Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận,…

Cùng chuyên mục
Tin khác