Standard Chartered: 'GDP năm 2023 của Việt Nam đạt 6,5%'
Kỳ Thư -
13/05/2023 11:20 (GMT+7)
(VNF) - Standard Chartered vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 0,7 điểm phần trăm so với nhận định trước đó, xuống còn 6,5%.
Trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 6,5% từ mức 7,2% trước đó.
Các chỉ số vĩ mô trong tháng 4 cho thấy sự chậm lại. Xuất khẩu giảm 17,1% so với cùng kỳ, nhập khẩu giảm 20,5% so với cùng kỳ và sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ; thặng dư thương mại tăng lên 1,5 tỷ USD từ mức 0,7 USD trong tháng 3.
Trong cả 4 tháng đầu năm, xuất khẩu đã giảm 11,8%; nhập khẩu giảm 15,4% so với cùng kỳ, với thặng dư thương mại đạt 6,4 tỷ USD. Lạm phát ở mức 2,8% trong tháng 4, giảm tháng thứ ba liên tiếp từ mức 4,9% hồi tháng 1; lạm phát cơ bản tăng 4,6% do doanh số bán lẻ tăng mạnh 11,5%. Vốn FDI giải ngân từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2023 đạt tổng cộng 5,9 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ; vốn FDI cam kết đạt 8,9 tỷ USD, giảm 17,9%.
“Việt Nam có đặc thù nhập khẩu nhiều, do vậy các chỉ số nhập khẩu giảm đáng kể cho thấy hoạt động kinh tế đang chậm lại, mặc dù sức tiêu dùng trong nước vẫn mạnh.”, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định.
Trước đó, tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kinh tế xã hội, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói lo ngại với kịch bản này. Bởi để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,5% năm nay, các quý sau phải tăng trưởng rất cao, trong đó, quý II phải tăng 6,7%, quý III tăng 7,5%, quý IV tăng 7,9%.
Trao đổi với VietnamFinace, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng, các động lực chính cho tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm.
"Các động lực tăng trưởng chủ yếu như khẩu, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tác, chế tạo đều đang suy giảm; khó có thể phục hồi nhanh và mạnh trong thời gian tới. Điều đáng lo ngại thêm là, kinh tế TP. HCM chỉ tăng 0,7%, có lẻ là mức tăng thấp nhất, trừ thời kỳ đại dịch. Vai trò đầu tàu của kinh tế TP. HCM đang ngày càng giảm trong những năm gần đây", ông Cung nói.
Standard Chartered dự báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống 5% vào cuối quý II, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tình huống lãi suất sẽ tăng, đặc biệt là vào cuối năm, do NHNN có thể sẽ chú trọng vào sự ổn định của thị trường tài chính hơn là tăng trưởng.
“Từ đầu năm 2023, NHNN đã chuyển hướng sang hỗ trợ quá trình phục nồi của nền kinh tế. Ngoài việc cắt giảm lãi suất, NHNN còn hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bằng cách cho họ thêm thời gian để giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản.
Tháng 4 năm nay, các điều khoản cho vay đã dễ dàng hơn, bao gồm việc hoãn trả nợ (tối đa 12 tháng) và miễn giảm lãi suất. Thị trường bất động sản có thể sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ thanh khoản do các biện pháp tính đã được triển khai tính đến nay mới chỉ giúp làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn.” ông Tim Leelahaphan chia sẻ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone