Nghi Sơn: Cực tăng trưởng kinh tế mới

Ái Châu Tử - 27/01/2023 11:45 (GMT+7)

(VNF) - Từng là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nhưng chỉ trong 16 năm, Tĩnh Gia xưa - Nghi Sơn nay đã đổi thay ngoạn mục, trở thành khu kinh tế lớn, vùng động lực quan trọng, cực tăng trưởng thần kỳ của xứ Thanh.

VNF

Từ Gia tới Sơn

Người Thanh Hóa trước kia có câu “Nhất Xương, nhì Gia, thứ ba Hậu Lộc”. Xương tức Quảng Xương, Gia tức Tĩnh Gia, cùng với Hậu Lộc là ba huyện nghèo đói nhất tỉnh này.

Nằm ở “cực nam” của xứ Thanh, phía đông có biển, phía tây có rừng, phía nam thông vào xứ Nghệ, biển sâu, đất rộng, dân đông, Tĩnh Gia gần như có đủ các điều kiện tiềm năng để phát triển kinh tế. Bởi vậy, nghèo đói với vùng đất này tựa như một nghịch lý.

Nhưng cũng phải chờ đến đầu thế kỷ này, nghịch lý ấy mới được giải quyết. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập khu công nghiệp Nghi Sơn – nền móng đầu tiên của sự phát triển. Nhưng những người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa bấy giờ đã có tư duy táo bạo hơn. Thay vì một khu công nghiệp, họ đề xuất với Chính phủ cho thành lập một khu kinh tế để có cơ chế rộng rãi hơn.

Mất 5 năm trình bày, thuyết phục, tới 2006, khu kinh tế Nghi Sơn cuối cùng cũng được ra đời, theo Quyết định số 102/QĐ-TTg của Thủ tướng, mở ra thời đại hoàng kim đối với vùng đất Tĩnh Gia.

Từ diện tích ban đầu là 18.612 ha, bao gồm 12 xã phía nam của huyện Tĩnh Gia, khu kinh tế Nghi Sơn đã được mở rộng lên tới 106.000 ha gồm toàn bộ huyện Tĩnh Gia và 6 xã thuộc các huyện Như Thanh, Nông Cống vào năm 2018. Đến năm 2020, Quốc hội quyết định thành lập thị xã Nghi Sơn. Từ đó, cái tên Tĩnh Gia trở thành lịch sử. Trên bản đồ Việt Nam, chỉ còn tên gọi Nghi Sơn. Và xứ Thanh đã đón nhận danh “Sơn” thứ sáu của mình, cùng với: Bỉm Sơn, Nga Sơn, Đông Sơn, Triệu Sơn và Sầm Sơn.

Nghi Sơn hôm nay

Về Nghi Sơn hôm nay, cảm giác của bất kỳ ai có lẽ cũng đều là sự choáng ngợp trước sự đổi thay của vùng đất này. Chỉ trong 16 năm, vùng đất Tĩnh Gia xưa đã hoàn toàn lột xác, trở thành khu kinh tế năng động, hiện đại, đa lĩnh vực, với trọng tâm là công nghiệp nặng, khai thác cảng biển, dịch vụ, du lịch.

Đến nay, khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút có 266 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 148.523 tỷ đồng và 23 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12,808 tỷ USD. Trong đó có những dự án rất lớn và có ý nghĩa rất quan trọng như: liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn I công suất 600 MW, nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II công suất 1.200 MW, nhà máy xi măng Nghi Sơn công suất 4,3 triệu tấn/năm, nhà máy xi măng Công Thanh công suất 5 triệu tấn/năm, nhà máy xi măng Đại Dương công suất 2,3 triệu tấn/năm, nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn 1 công suất 1,6 triệu tấn phôi thép/năm, nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn 2 công suất 3 triệu tấn phôi thép/năm, nhà máy giày dép xuất khẩu Annora sử dụng thường xuyên khoảng 20.000 lao động…

Hệ thống hạ tầng giao thông của Nghi Sơn cũng được đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ và hiện đại với tổng chiều dài lên tới 427km. Tính riêng giai đoạn 2016 – 2021, vốn bố trí cho các dự án hạ tầng giao thông trong khu kinh tế đã lên tới gần 14.000 tỷ đồng với khoảng 20 dự án hoàn thành, nâng tổng số dự án đi vào khai thác từ trước đến nay lên con số 60. Ngoài ra, Nghi Sơn cũng hoàn thành đầu tư các con đường huyết mạch quan trọng, liên kết với các vùng khác như: đường nối với sân bay Thọ Xuân, đường ven biển từ xã Nghi Sơn với khu công nghiệp Đông Hồi (tỉnh Nghệ An)… chưa kể là các dự án đang triển khai như: đường ven biển các đoạn, từ đại lộ Nam Sông Mã đến đường Bắc Nam 2 – khu kinh tế Nghi Sơn, từ đường 513 nối với đường ven biển tỉnh Nghệ An…

Ấn tượng hơn cả là hệ thống cảng biển của Nghị Sơn. Theo quy hoạch chi tiết được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2010, cảng biển Nghi Sơn gồm các bến: cảng tổng hợp, chuyên dùng, container; khu vực phát triển Gas & LNG, khu dịch vụ cảng, khu phát triển logistic... công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm. Tại Quyết định 1579 ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Nghi Sơn được xác định là cảng loại I, được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt.

Hiện nay, khu vực cảng tổng hợp (21 bến cảng), đã có 12 bến đã hoàn thành và đang khai thác kinh doanh; khu vực cảng chuyên dùng (18 bến và khu bến), đã có 12 bến hoàn thành và đi vào hoạt động. Với khu cảng container (10 bến cảng), hiện tỉnh đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần gang thép Nghi Sơn đầu tư 4 bến và Công ty TNHH Long Sơn 4 bến. Tuy nhiên, hiện tuyến đường vào cảng container Long Sơn vẫn chưa hoàn thành nên chủ đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng được.

Ngoài hệ thống cảng, Nghi Sơn cũng đã đưa vào khai thác 2 khu neo đậu, chuyển tải của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nghi Sơn, có khả năng tiếp nhận tàu thuyền có trọng tải trên 80.000 DWT; 1 bến phao SPM của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn được Cục Hàng hải công bố mở bến phao; 4 điểm neo đậu chuyển tải thuộc 2 phân khu phục vụ nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 được Cục Hàng hải công bố có khả năng tiếp nhận tàu thuyển có trọng tải đến 210.000 DWT.

Lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2021 đạt khoảng 41 triệu tấn, trong đó trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn đạt 23,8 triệu tấn. Giai đoạn 2019 – 2021, số chuyến tàu vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn là 89 chuyến, thu ngân sách khoảng 1.180 tỷ đồng.

Với 55 phân khu theo quy hoạch (gồm 1 phân khu cảng biển, 25 phân khu công nghiệp, 17 phân khu đô thị, 9 phân khu sinh thái, 1 phân khu xử lý chất thải rắn, 2 phân khu nghĩa trang), đến nay Nghi Sơn đã tìm được nhà đầu tư cho 10 phân khu công nghiệp.

Khu kinh tế này cũng đã thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp danh tiếng, gồm: Tổng công ty Anh Phát (cho khu công nghiệp Đồng Vàng, khu công nghiệp 1), Tập đoàn Xây dựng Miền Trung (cho khu công nghiệp số 3), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nghi Sơn (cho khu công nghiệp Luyện Kim).

Về phát triển đô thị, dịch vụ và du lịch, Nghi Sơn cũng đã thu hút được 19 dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven biển diện tích khoảng 460 ha với tổng vốn đăng ký đầu tư 12.755 tỷ đồng và 36 dự án thương mại dịch vụ diện tích 297 ha với tổng vốn đăng ký đầu tư 7.824 tỷ đồng, trong đó tập trung tại khu vực ven biển.

Một số tập đoàn kinh tế trong nước có thế mạnh về bất động sản tại Việt Nam như TNG, Sao Mai An Giang... cũng đang quan tâm đầu tư, lập quy hoạch phát triển các khu đô thị hiện đại tại thị xã Nghi Sơn với quy mô hàng nghìn ha. Đã có nhiều dự án đang hoạt động có hiệu quả như khu dịch vụ công cộng bắc núi Xước, trung tâm Vincom Nghi Sơn...

Dừng chân đứng lại trời non nước

Nghi Sơn đã trải qua 16 năm với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc để trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của xứ Thanh nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ nói chung. Dẫu vậy, tiềm năng vẫn là rất lớn, tương lai vẫn hết sức rộng dài với khu kinh tế này, nhất là khi Nghi Sơn mới phát triển chủ yếu ở phần phía nam và năng lực khai thác cảng biển chưa phát huy đến tột cùng.

Những việc cần làm là rất nhiều. Nhưng Nghi Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung không có gì ngoài thời gian. Mỗi năm mỗi khác, mỗi thời mỗi đổi thay. Người xưa nói “Quân tử ba ngày không gặp đã phải nhìn nhau bằng con mắt khác”, thiết tưởng câu nói này cũng có thể áp dụng với Nghi Sơn vậy, ba ngày không đến, lúc đến sẽ phải thêm phần ngạc nhiên.

Cùng chuyên mục
Tin khác