Sự phát triển của thị trường Fintech Việt Nam

Giang Lê - 26/02/2022 10:19 (GMT+7)

(VNF) - Đại dịch Covid-19 cùng với những biến chủng mới đã khiến kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên riêng với ngành công nghiệp Fintech thì đây là thời điểm phát triển mạnh mẽ nhất. Theo các chuyên gia, Blockchain chắc chắn là sự đổi mới tài chính quan trọng nhất đối với các giao dịch kỹ thuật số vì việc quản lý của nó được phân tán, không thể bị kiểm soát bởi một cá nhân, công ty, chính phủ hoặc ngân hàng cụ thể.

VNF
Tính đến nay, Việt Nam đã có khoảng 160 công ty trong ngành tài chính công nghệ.

Nếu năm 2015 cả thị trường chỉ có 39 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech thì tính đến nay, Việt Nam đã có khoảng 160 công ty trong ngành tài chính công nghệ, tương đương tăng gấp 4 lần. Năm 2021 chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của thị trường Fintech Việt Nam khi nền kinh tế Internet đạt giá trị 21 tỷ USD, xếp thứ 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu và đứng ở vị trí 14/50 khu vực châu Á.

Hệ sinh thái của Fintech Việt Nam được chia thành nhiều phân khúc, tiêu biểu như: thanh toán (payment), ngân hàng số (digital banking), cho vay ngang hàng (P2P lending), gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), công nghệ bảo hiểm (Insurtech), đầu tư và quản lý tài sản (retail investment & wealth management), blockchain/cryptocurrency, đánh giá điểm tín dụng (creditscoring), SMEs Financing, Comparison, POS…

Thanh toán vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Từ khi dịch bệnh diễn ra, việc mua sắm online trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các công ty Fintech “đua nhau” kết nối với hệ thống sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ thanh toán không tiền mặt. Các doanh nghiệp thanh toán trực tuyến chiếm tới 31% số lượng doanh nghiệp Fintech hiện có, được coi là lĩnh vực chủ đạo với các thương hiệu điển hình như: Momo, Zalopay, Viettelpay, Moca, Vnpay, Airpay, Napas. Các nhà cung cấp các dịch vụ cho vay ngang hàng, cho vay tiêu dùng cũng phát triển mạnh mẽ, có thể kể đến như EasyCredit, FECredit, HomeCredit, Fiin.

Lĩnh vực Blockchain/Cryptocurrency cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, chiếm 13% số lượng doanh nghiệp Fintech hiện có. Trong khi đó, các doanh nghiệp Fintech hoạt động trong mảng Đầu tư và Quản lý tài sản chỉ chiếm tỷ trọng 7,5%, thể hiện nguồn cung trong lĩnh vực này còn đang thiếu hụt và thị trường hứa hẹn sẽ là mảnh đất màu mỡ để các Startup có cơ hội khai phá và phát triển trong thời gian tới. Các doanh nghiệp đã phát triển khá thành công có thể kể đến Finhay, Stockbook, Fmarket, Finbase, Tikop, Fireant…

Các dịch vụ như tài chính cá nhân, quản lý bán hàng, quản lý dữ liệu/đánh giá tín dụng, gọi vốn cộng đồng, bảo hiểm, tài chính doanh nghiệp SMEs… cũng đã có những doanh nghiệp xuất hiện, đi vào hoạt động và được đánh giá sẽ là động lực tăng trưởng mới của thị trường.

Năm 2022, khi dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thói quen áp dụng công nghệ vào đời sống, xu hướng sử dụng các thiết bị và ứng dụng phần mềm để thực hiện các hoạt động hàng ngày tiếp tục trở nên phổ biến hơn nữa, Fintech sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn để cho ra đời những giải pháp công nghệ tốt nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trên cơ sở đó, ngành Fintech Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc hơn nữa.

Nhiều ngành kinh tế đang tích cực ứng dụng Fintech vào các hoạt động của mình, đặc biệt là ngành ngân hàng. Các ngân hàng đang rất chuộng các công nghệ Fintech như eKYC, ngân hàng số... Để đáp ứng nhu cầu về sự tân tiến và hiện đại, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các loại hình công nghệ vào hoạt động, từ đó nâng cao tính hữu dụng và các công năng tối ưu có thể dẫn đầu xu thế.

Blockchain là công nghệ không mấy phổ biến và ít được nhiều người biết đến. Nhưng trên thực tế, các ngành công nghiệp nước ngoài hiện đã bắt đầu phát triển nền công nghiệp này trong những năm gần đây. Blockchain chắc chắn là sự đổi mới tài chính quan trọng nhất đối với các giao dịch kỹ thuật số vì việc quản lý của nó được phân tán, không thể bị kiểm soát bởi một cá nhân, công ty, chính phủ hoặc ngân hàng cụ thể.

Năm 2022 sẽ có nhiều dịch vụ tài chính điện tử Fintech hơn được tích hợp vào các công ty phi tài chính. Trong khi đó, các tổ chức tài chính sẽ tìm cách loại các bỏ rào cản thanh toán phức tạp để mang lại trải nghiệm liền mạch hơn cho người tiêu dùng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.