Sự thật về những tờ tiền giả và cách nhận biết bằng chữ cái đầu seri

PV (tổng hợp) - 22/05/2016 07:49 (GMT+7)

Dư luận trên mạng đang xôn xao về thông tin xuất hiện tiền polymer giả do một facebooker đăng tải. Và đây chính là sự thật đằng sau thông tin đó.

Theo thông tin này, các loại tiền có chữ cái đầu dãy seri sau sẽ là tiền giả: Tiền 500.000 đồng có đầu số seri là chữ cái LF, NJ, LN. Tiền 200.000 đồng có đầu số seri là AT, BS, CN, BP. Tiền 100.000 đồng có đầu seri LF, PT, SG, Yi và tiền 50.000 đồng có chữ cái XP, LB, MA, SA, VR, WP…

Tuy nhiên, lãnh đạo phòng kiểm đếm tiền của một ngân hàng lớn tại TP. HCM khẳng định: Không có tình trạng tiền polymer giả có chữ cái đầu seri xuất hiện như nêu trên. Chẳng hạn tiền 200.000 đồng mà đầu seri có chữ BP thì chưa hẳn đã là tiền giả.

"Hiện tôi đang có 10 tờ tiền 200.000 đồng nhưng có đến chín tờ có chữ BP ở đầu và đây không phải là tiền giả. Ngoài ra, nếu có thông tin về tiền giả, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có văn bản cảnh báo gửi tất cả ngân hàng, các phòng giao dịch, chi nhánh" - vị lãnh đạo này nói.

Tháng 1/2016, trên thị trường từng xuất hiện tiền polymer giả mệnh giá 500.000 đồng và 200.000 đồng có hình thức khá giống tiền thật. "Thời điểm đó NHNN đã gửi hướng dẫn cách nhận biết tiền giả tới các ngân hàng, thậm chí đến các quận, phường để người dân phân biệt", ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết.

Theo NHNN, tiền polymer giả không tinh xảo, có thể nhận biết bằng tay và mắt thường như sau:

- Khi soi tờ tiền trước nguồn sáng, hình bóng chìm chỉ là hình mô phỏng, không có các chi tiết in tinh xảo, sáng rõ như tiền thật. Hình định vị (hình ảnh trên mặt trước và hình ảnh trên mặt sau in trên cùng một vị trí) không khớp khít, không cân đối và không tạo thành các khe sáng trắng đều nhau như tiền thật khi soi tờ tiền trước nguồn sáng.

- Vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm). Nếu là tiền giả thì vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như ở tiền thật.

- Chao nghiêng tờ bạc (kiểm tra mực đổi màu, IRIODIN, hình ẩn nổi)

- Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn) tức cụm gố mệnh giá dập nổi trên cửa số trong suốt không tinh xảo, không có yếu tố hình ẩn là tiền giả

- Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang).

Ngoài ra, các chất liệu in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách khi bị kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bong tróc. Để khẳng định một tờ bạc là tiền thật hay giả, theo cơ quan này, người tiêu dùng cần phải kiểm tra nhiều yếu tố bảo an, tối thiểu là 3 đến 4 yếu tố nêu trên để xác định tiền thật hay giả. NHNN khuyến cáo người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật, và có thói quen kiểm tra đồng tiền mỗi khi giao dịch tiền mặt để tránh rủi ro nhận phải tiền giả.

Cùng chuyên mục
Tin khác