Tân Thủ tướng Thái Lan 'loay hoay' với chính sách phát 14 tỷ USD cho dân

Bích Hợp - 29/08/2024 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Vài ngày sau khi được bầu làm thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay của Thái Lan, bà Paetongtarn Shinawatra đã “dội gáo nước lạnh” vào một vấn đề chính sách đã âm ỉ trong nhiều tháng.

Chính sách gây nhiều tranh cãi

Tại một cuộc họp báo ngay sau khi nhậm chức, bà Paetongtarn cho biết kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 14 tỷ USD, một cam kết vận động tranh cử lớn từ người tiền nhiệm của bà, cần được xem xét thêm để xem liệu nó có tuân thủ luật pháp của đất nước về kỷ luật tài chính hay không.

Đây là bước lùi mới nhất trong nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng trong nền kinh tế của Thái Lan, vốn đang chững lại do sự phục hồi du lịch yếu hơn mong đợi và sản xuất chậm hơn.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra trong cuộc họp báo ngày 18/8 tại Bangkok (Ảnh: Chanakarn Laosarakham/AP/Getty Images)

Bà Paetongtarn đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng vào ngày 18/8, sau khi tòa án hiến pháp Thái Lan phế truất ông Srettha Thavisin vì cáo buộc vi phạm đạo đức khi bổ nhiệm một bộ trưởng có tiền án hình sự.

Bà Paetongtarn là con gái út của ông Thaksin Shinawatra, cựu thủ tướng Thái Lan và là cháu gái của bà Yingluck Shinawatra (em gái của ông Thaksin), người cũng từng giữ chức thủ tướng.

Ông Srettha đã biến chính sách kích thích tiêu dùng thành một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử của mình trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái và tiếp tục thúc đẩy chính sách này khi còn là thủ tướng, gọi đây là "chính sách thay đổi cuộc sống của người dân".

Vào tháng 7, ông Srettha cho biết người Thái có thể bắt đầu đăng ký vào ngày 1/8 để nhận tiền mặt kỹ thuật số. Chương trình này nhằm mục đích trao cho 50 triệu người Thái mỗi người 10.000 baht (290 USD) thông qua ví kỹ thuật số vào quý IV của năm nay.

Những công dân có thu nhập ít hơn 70.000 baht một tháng (2.030 USD) và giữ ít hơn 500.000 baht (14.500 USD) trong tài khoản tiết kiệm sẽ đủ điều kiện để nhận khoản tiền này,

Nhưng những người chỉ trích, bao gồm các nhà kinh tế, cựu giám đốc ngân hàng trung ương và các chính trị gia đối lập, lập luận rằng một biện pháp kích thích trực tiếp có thể lên tới 14 tỷ USD sẽ làm trầm trọng thêm thâm hụt của Thái Lan và thúc đẩy lạm phát.

Mối đe dọa về các thách thức pháp lý đã thúc đẩy ông Srettha phải làm lại mô hình tài trợ cho gói kích thích kinh tế của mình. Thay vì phải vay một lần, ông Srettha đề xuất sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước cho năm tài chính tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1/10, cũng như ngân sách bổ sung từ năm tài chính hiện tại.

Điều gì đang xảy ra với nền kinh tế Thái Lan?

Nhưng với một thủ tướng mới, kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 14 tỷ USD của Thái Lan có thể sẽ được điều chỉnh lại một lần nữa.

Nền kinh tế Thái Lan hiện đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Năm ngoái, quốc gia này chỉ tăng trưởng 1,9%, chậm hơn các nước trong khu vực. Đây là nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, nhưng đang mất dần vị thế vào tay các nước như Việt Nam và Malaysia, những nước đang tích cực theo đuổi sản xuất.

Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra và cha bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, đến trụ sở Đảng Pheu Thai tại Bangkok vào ngày 18/8. (Ảnh: Varuth Hirunyatheb)

Đó là một phần lý do tại sao bà Syetarn Hansakul, một nhà kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, cho rằng gói kích thích kinh tế vẫn sẽ được triển khai.

Bà cho biết người Thái có thu nhập trung bình và thu nhập trung bình thấp đang gặp khó khăn và có thể hưởng lợi từ các biện pháp kích thích trực tiếp. Nhưng bà cho rằng bất kỳ sự thúc đẩy nào trong hoạt động kinh tế cũng sẽ chỉ là thoáng qua, chỉ kéo dài tối đa hai quý.

Ông Alexandra Hermann, nhà kinh tế trưởng về dự báo và phân tích vĩ mô tại Oxford Economics, cho rằng hy vọng của chính phủ rằng biện pháp kích thích sẽ làm tăng GDP thêm 1,6% là "rất lạc quan".

Nền kinh tế Thái Lan đang bắt đầu phục hồi, với mức tăng trưởng theo năm là 2,3% trong quý trước, vượt kỳ vọng. Sự mở rộng này được thúc đẩy bởi chi tiêu của chính phủ và xuất khẩu nhiều hơn. Tuy nhiên, Văn phòng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia của Thái Lan lưu ý rằng các khoản đầu tư công và tư đã giảm, ám chỉ đến điểm yếu tiềm ẩn trong nền kinh tế.

Bà Syetarn cảnh báo rằng các vấn đề dài hạn có thể khiến Thái Lan rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" khi nước này thua lỗ trước sự cạnh tranh từ các nước láng giềng.

Thái Lan có một trong những mức nợ hộ gia đình cao nhất trong khu vực, ở mức 92% GDP trong quý IV/2023 và cao hơn nhiều so với mức 70% được ghi nhận trong hơn một thập kỷ trước. Nợ cao kìm hãm người tiêu dùng vì các hộ gia đình ưu tiên trả nợ.

Quốc gia Đông Nam Á này cũng có thể đang phải trả giá cho nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào du lịch của mình.

Ông Hermann lưu ý rằng tăng trưởng của Thái Lan kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 chủ yếu là do du lịch thúc đẩy, ngay cả khi các lĩnh vực khác suy giảm.

Nhưng đại dịch Covid-19 đã phá hủy ngành du lịch của Thái Lan, vốn vẫn chưa phục hồi trở lại mức trước đại dịch. Quốc gia này đã thực hiện các sáng kiến như nới lỏng các hạn chế về thị thực để thu hút khách du lịch trở lại. Khả năng khách du lịch Trung Quốc quay trở lại cũng có thể dẫn đến tăng trưởng.

Nhưng phần còn lại của nền kinh tế đang gặp khó khăn. Ông Pichai Chunhavajira, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan cho biết nền kinh tế "gần như khủng hoảng" do xuất khẩu giảm và sản xuất không có sức cạnh tranh. Ông cho biết xuất khẩu chiếm 70% nền kinh tế của Thái Lan, nhưng lĩnh vực sản xuất không thể đáp ứng được nhu cầu.

Trong khi Thái Lan vẫn là trung tâm sản xuất ô tô thống trị khu vực, phần còn lại của ngành sản xuất vẫn tập trung vào các sản phẩm cũ hơn, như máy móc văn phòng vẫn được coi là mặt hàng xuất khẩu chính.

Bà Syetarn cho rằng Thái Lan cần nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và công nghệ thông tin hơn để đảm nhận các công việc trong các ngành công nghiệp đổi mới, nhằm giúp đất nước trở nên hấp dẫn hơn so với các nước láng giềng trong khu vực như Malaysia và Việt Nam, và tiến lên trong cuộc đua giành thị phần trong chuỗi cung ứng sản xuất chip tiên tiến.

"Bất ổn chính trị không phải là điều mới mẻ ở Thái Lan, nhưng chắc chắn đang ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước", ông Hermann nhận định.

Theo Fortune
Sát cánh cùng con gái, ông Thaksin muốn 'giải cứu' Thái Lan khỏi bẫy nợ

Sát cánh cùng con gái, ông Thaksin muốn 'giải cứu' Thái Lan khỏi bẫy nợ

Tài chính quốc tế
(VNF) - Theo cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, Thái Lan cần phải khẩn trương giải quyết tình trạng nợ hộ gia đình và nợ công cao, đồng thời tập trung vào các chính sách có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của đất nước ngang bằng với một số nước láng giềng Đông Nam Á.
Cùng chuyên mục
Tin khác