Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin: Rời 'kim tự tháp' để cống hiến cho người dân
Quốc Anh -
23/08/2023 10:27 (GMT+7)
(VNF) - Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin từng tuyên bố kẻ thù của ông là nghèo đói và bất bình đẳng. Ở cương vị mới, ông đặt mục tiêu cống hiến hết sức để cải thiện cuộc sống của mọi người dân Thái Lan.
Ngày 22/8, ông Srettha Thavisin, nhà lãnh đạo giàu có của một trong những đế chế bất động sản hàng đầu Thái Lan, đã chính thức được chọn làm thủ tướng chỉ sau 9 tháng gia nhập đảng chính trị Vì nước Thái (Pheu Thai) do cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra thành lập.
Xuất thân giàu có
Ông Srettha Thavisin sinh năm 1963 và lớn lên trong một gia đình giàu có với nhiều mối quan hệ sâu rộng trong giới doanh nhân thượng lưu tại Thái Lan.
Khi còn trẻ, ông từng theo học chuyên ngành kỹ thuật dân dụng tại Đại học Chulalongkorn (Bangkok), sau đó tiếp tục học lên cao học và thành công lấy được bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường Claremont (Mỹ).
Bắt đầu sự nghiệp với vai trò trợ lý giám đốc tại tập đoàn đa quốc gia Procter & Gamble tại Thái Lan, ông Srettha từng bước học hỏi tích luỹ kinh nghiệm. Năm 1990, ông cùng với một số anh em họ thành lập một công ty bất động sản, là tiền thân của Sansiri, doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Thái Lan hiện nay.
Ông Srettha từng giữ ghế chủ tịch và giám đốc điều hành của Sansiri. Dưới sự dẫn dắt của ông Srettha, năm 2022, Sansiri niêm yết tại Bangkok (SIRI.BK), đạt doanh thu 34,9 tỷ baht (1,01 tỷ USD) và 4,2 tỷ baht (gần 120 triệu USD) lợi nhuận ròng.
Cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản này đã tăng hơn 8% tại Bangkok vào ngày 22/8, hướng tới phiên giao dịch tốt nhất trong gần 7 tháng. Hiện doanh nghiệp đang có giá trị vốn hóa khoảng 880 triệu USD.
"Làn gió mới" trong chính trường Thái Lan
Với hiểu biết của mình, ông Srettha gia nhập Pheu Thai với tư cách là cố vấn trưởng cho bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu Thủ thướng Thái Lan Thaksin Shinawatra.
Trong khoảng thời gian làm cố vấn cấp cao, ông Srettha cảm thấy tự thôi thúc muốn vực dậy nền kinh tế Thái Lan, do đó, ông quyết định sẽ tham gia tranh cử thủ tướng. Vị doanh nhân chia sẻ ông mong muốn kích thích nền kinh tế đang tụt hậu, giúp Thái Lan bắt kịp với các nước láng giềng và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Chính vì vậy, tháng 4/2022, ông Srettha rời công ty phát triển bất động sản và chuyển toàn bộ cổ phần của mình cho con gái để tập trung toàn bộ thời gian vào cuộc bầu cử.
“Tôi làm điều này là vì tôi muốn cải thiện đất nước và nền kinh tế. Kẻ thù duy nhất của tôi là nghèo đói và bất bình đẳng. Mục tiêu của tôi là cải thiện cuộc sống của tất cả người dân Thái Lan”, ông Srettha nhấn mạnh trên mạng xã hội X (trước đây được biết đến là Twitter).
Đi lên từ cương vị một doanh nhân, ông Srettha rất được yêu mến và tín nhiệm trong cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan. Theo một cuộc khảo sát lựa chọn người phù hợp cho vị trí thủ tướng, 66% trong số các doanh nhân tham gia đều lựa chọn ông Shrettha là người lãnh đạo tiếp theo.
Xuyên suốt quá trình tranh cử, ông Srettha từng đưa ra hàng loạt các sáng kiến liên quan đến việc giúp thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế của chính phủ.
Một trong số đó có thể kể đến sáng kiến giúp vị tân thủ tướng tạo ra một tiếng vang lớn: kế hoạch tặng 10.000 baht (khoảng 290 USD) tiền kỹ thuật số cho tất cả người dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên.
Bên cạnh những lời hứa về việc kích thích nền kinh tế, các vấn đề đang được ông Shrettha đặt lên hàng đầu trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền sẽ là giải quyết các vấn đề chi phí sinh hoạt đang tăng; chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc; đảm bảo bình đẳng hôn nhân cho các cặp đồng giới và soạn thảo một hiến pháp mới theo những góp ý, mong muốn của người dân…
Vị tân thủ tướng cũng từng cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình rằng sẽ tăng 70% mức lương tối thiểu, đảm bảo thu nhập hộ gia đình 20.000 baht (khoảng 572 USD) mỗi tháng và tăng gấp ba lần lợi nhuận nông nghiệp để nâng mức tăng trưởng kinh tế lên 5%.
"Hãy nhìn xung quanh khi ngồi trên đỉnh kim tự tháp, bạn sẽ thấy cách những người bên dưới sống. Tôi cảm thấy thất vọng vì những điều mình chứng kiến, vì chênh lệch xã hội, giáo dục, y tế hay những thứ cơ bản khác như đồ ăn trên bàn. Đó không phải thứ nên diễn ra ở một quốc gia có tiềm năng to lớn như Thái Lan", ông Srettha trả lời báo chí quốc tế.
Với những mối quan hệ kinh doanh cùng kinh nghiệm của mình trên thương trường, tân thủ tướng Thái Lan đang được kỳ vọng sẽ đem lại một “làn gió mới” trong bộ máy điều hành và quản lý đất nước trong tương lai.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.