Tăng gấp rưỡi từ đầu năm, cổ phiếu MSN có còn dư địa tăng tiếp?

Thanh Long - 12/08/2021 11:39 (GMT+7)

(VNF) - Thống kê cho thấy cổ phiếu MSN của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan đã tăng gấp rưỡi từ đầu năm. Nếu tính trong vòng 1 năm qua, mức tăng lên đến trên 150%.

VNF
Tăng gấp rưỡi từ đầu năm, cổ phiếu MSN có còn dư địa tăng tiếp?

Diễn biến trên phần nào cũng đồng pha với kết quả kinh doanh của Masan trong 6 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, nửa đầu năm, Masan đã công bố kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu thuần đạt 41.196 tỷ, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế (LNST) trừ lợi ích thiểu số đạt 979 tỷ, tăng trưởng 736,8%, hoàn thành lần lượt 44,8% và 39,2% mục tiêu doanh thu thuần và LNST trừ lợi ích thiểu số (cận dưới) đặt ra tại đại hội đồng cổ đông.

Đi sâu vào từng công ty con, Công ty Hàng tiêu dùng Masan (MCH) công bố mức tăng trưởng doanh thu thuần 11,7% và lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) tăng 10,2%. Các ngành hàng chính như gia vị, thực phẩm đóng gói và đồ uống ghi nhận tăng trưởng, từ đó dành được thị phần dù thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang chịu ảnh hưởng từ Covid-19.

Nhận định trong báo cáo phân tích công bố gần đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng MCH được hưởng lợi từ chiến lược tập trung cao cấp hóa, đa dạng hóa và tiện lợi hóa, khi người tiêu dùng tuy đang tạm thời cắt giảm chi tiêu nhưng lại tập trung hơn đến vấn đề an toàn sức khỏe và tìm kiếm những sản phẩm tiện lợi chất lượng để sử dụng tại nhà.

Công ty VinCommerce (VCM) thì công bố mức giảm doanh thu thuần 8,5% nhưng ghi nhận quý thứ 3 liên tiếp biên EBITDA khả quan và cải thiện.

Về mặt doanh thu, sự sụt giảm chủ yếu do số lượng cửa hàng ít hơn 550 điểm so với năm ngoái trong khi các cửa hàng hiện hữu vẫn ghi nhận tăng trưởng doanh thu LFL/m2 ở mức 2 chữ số tại các khu vực trọng điểm như TP. HCM.

Về mặt lợi nhuận, biên EBITDA tăng 8,48 điểm phần trăm nhờ đàm phán lại với các nhà cung cấp và các sáng kiến tối ưu hóa hoạt động. Mô hình ki-ốt Phúc Long, đã được chứng minh là cải thiện khả năng sinh lời của cửa hàng, sẽ tiếp tục được triển khai trên các cửa hàng VinMart+.

Nhìn chung, theo đánh giá của BVSC, bên cạnh các biện pháp hạn chế Covid-19 liên quan đến chợ truyền thống đã giúp cải thiện lưu lượng khách tại chuỗi bán lẻ, cải tiến sản phẩm và cách bài trí, giá cả và các chương trình khuyến mãi và dịch vụ bán hàng cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Với Masan MeatLife (MML), công ty này công bố mức tăng trưởng doanh thu thuần 42,1% và EBITDA tăng 19,6%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là thức ăn cho lợn tăng đáng kể nhờ việc tái đàn trên cả nước trong khi thức ăn gia cầm và thủy sản cũng tăng trưởng tốt.

Đối với mảng chuỗi giá trị thịt, MeatDeli đóng góp 11,4% tổ doanh thu với biên lợi nhuận gộp liên tục đạt trên 20%, phần nào giải tỏa áp lực đối với mảng thức ăn chăn nuôi có biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp do giá hàng hóa nông sản tăng.

Cũng giống như VinCommerce, BVSC tin rằng việc đóng cửa các chợ truyền thống đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi tiêu dùng thịt tươi sang các sản phẩm thịt đóng gói và có thương hiệu. BVSC quan sát thấy nhu cầu các sản phẩm của MeatDeli tăng đột biến tại các cửa hàng VinMart+.

Trong khi đó, Masan Hi-Tech Materials (MSR) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 137,6% và EBITDA tăng trưởng 86,9%. Sự phục hồi của hoạt động kinh tế toàn cầu đã khiến giá kim loại tăng mạnh, là lý do chính giúp MSR đạt mức hồi phục ấn tượng trong nửa đầu năm 2021.

BVSC lưu ý rằng MSR đã không ghi nhận doanh thu đồng trong kỳ với lượng hàng tồn kho tính đến cuối quý II/2021, ước tính là 14.000 tấn. Nếu lượng tốn kho này được bán trong nửa cuối năm 2021 thì có thể mang lại lợi nhuận đáng kể.

BVSC cho rằng lợi nhuận sau thuế của Masan có khả năng tăng gấp 3 lần trong cả năm 2021.

“Nhờ những thay đổi đáng khích lệ trong nửa đầu 2021, chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh cả năm sẽ tăng trưởng mạnh với doanh thu thuần đạt 96.498 tỷ (tăng trưởng 25%) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 3.599 tỷ (tăng trưởng 191,6%)”, chuyên gia dự báo.

Tuy nhiên, kể cả trong kịch bản tích cực như vậy, hệ số định giá P/E cuối năm nay của MSN vẫn ở mức cao, lên đến 44,1 lần.

Vậy liệu cổ phiếu MSN có còn dư địa tăng?

Với một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn như MSN, BVSC định giá dựa trên từng đơn vị kinh doanh và tiến hành chiết khấu.

Cụ thể, Masan hiện đang sở hữu The CrownX (công ty mẹ của MCH – tỷ lệ lợi ích 72,78% và VinCommerce – tỷ lệ lợi ích 71,1%) với tỷ lệ lợi ích 84,9%.

Lượng cổ phần tại The CrownX của Masan được BVSC định giá hơn 138.000 tỷ đồng, dựa trên giả định P/E kỳ vọng năm 2021 của MCH là 28,3 lần và dựa trên định giá của SK khi tập đoàn này trả 410 triệu USD cho 16,26% cổ phần VinCommerce.

Định giá của BVSC đối với Masan. Nguồn: BVSC

Masan cũng đang sở hữu 87,9% cổ phần tại MML, được định giá hơn 19.000 tỷ đồng.

Với MSR, lượng cổ phần tương đương 86,4% tại đây được định giá hơn 18.000 tỷ đồng, dựa vào thương vụ Mitsubishi trả 90 triệu USD để đổi lấy 10% cổ phần MSR.

Masan còn đang sở hữu tỷ lệ lợi ích 21,5% tại Techcombank, có định giá gần 47.500 tỷ đồng, theo giả định P/B khoảng 2,4 lần mà BVSC đưa ra.

Chuỗi Phúc Long với tỷ lệ lợi ích 20% có định giá 70,5 tỷ đồng.

Mức chiết khấu toàn tập đoàn mà BVSC đưa ra là 5%, thấp hơn thông thường do công ty chứng khoán này nhận thấy nhiều sự cộng hưởng trong các ngành tiêu dùng của Masan.

Tựu trung, mức định giá BVSC đưa ra cho toàn tập đoàn Masan là 187.579 tỷ đồng, tương đương gần 160.000 đồng/cổ phiếu.

So với giá tham chiếu phiên 12/8 là 136.600 đồng/cổ phiếu, dư địa tăng đến mức định giá của BVSC vào khoảng 17%.

Cùng chuyên mục
Tin khác