Táo bạo xẻ kính làm thớt, cô gái bán 20.000 chiếc mỗi tháng

Khánh Hồng - 30/11/2022 11:12 (GMT+7)

(VNF) - Với mong muốn có một chiếc thớt sạch sẽ của một bà mẹ đang chăm con nhỏ, chị Đặng Thị Hằng nhờ chồng xẻ cho mình một chiếc thớt từ kính. Dùng rất ưng ý, cô gái 9X quyết khởi nghiệp với sản phẩm thớt kính cường lực, đưa ra thị trường 15.000-20.000 chiếc mỗi tháng.

VNF
Chị Đặng Thị Hằng giới thiệu về những chiếc thớt do mình làm ra.

Bị chê vẫn quyết làm

Năm 2015, khi sinh đứa con đầu lòng, chị Đặng Thị Hằng (SN 1990, trú quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) quyết định nghỉ công việc thiết kế ở một công ty thiết kế độ họa để chăm con. Trong thời gian này, chị tranh thủ bán hàng online kiếm thêm thu nhập và chờ cơ hội tìm kiếm một công việc phù hợp.

Những lần vào bếp chế biến thức ăn cho con, chị Hằng rất khó chịu với chiếc thớt gỗ dễ bám bẩn và ẩm mốc. Đặc biệt, khi băm nhỏ thức ăn, những vết dao in hằn chi chít trên thớt tạo ra dăm dính vào đồ ăn. Nỗi lo lắng về sức khỏe của con khiến chị Hằng luôn muốn tìm kiếm một chiếc thớt sạch sẽ thay thế.

Gia đình chồng có xưởng kính, chị Hằng suy nghĩ “ly, đĩa cũng được làm từ thủy tinh, sao không làm thớt từ thủy tinh”. Thế rồi chị Hằng nhờ chồng xẻ cho mình một chiếc thớt từ kính.

Dùng thớt kính cường lực rất thích vì sạch sẽ, không bị ẩm mốc, chị Hằng nghĩ đến việc sản xuất ra thớt kính để bán. Đối tượng mà chị Hằng nhắm tới là những bà mẹ bỉm sữa - luôn lo lắng đến an toàn sức khỏe của con cái.

Đưa ý tưởng này nói với chồng nhưng chồng chị Hằng gạt phăng và bảo: “Không khả thi đâu, làm cho mình dùng được rồi, ai mua mà bán”.

Thấy chồng phản đối, chị Hằng lại càng quyết tâm làm. Chị Hằng nhờ chồng cắt thêm cho mình ít chiếc thớt để tặng mọi người, xem phản hồi của họ thế nào. Tuy nhiên, bạn bè chị Hằng sau khi dùng thì chê.

“Tôi nghĩ mình đã tặng sai người vì bạn bè tôi đều là những người trẻ, chưa lập gia đình, chưa có con cái nên chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe như các bà mẹ bỉm sữa. Vì vậy, tôi vẫn không bỏ cuộc”, chị Hằng nói và cho biết chị nhờ chồng cắt cho mình 300 cái thớt để chào bán.

Ưu điểm của thớt kính cường lực là không bị ẩm mốc, sạch sẽ.

Trước khi đăng bài bán thớt kính cường lực lên Facebook, chị Hằng chuẩn bị rất kỹ. Vốn là người làm thiết kế đồ họa, chị Hằng tự tay thiết kế bao bì cho sản phẩm. Chị cũng chuẩn bị bài giới thiệu những nhược điểm của thớt gỗ, thớt nhựa và những ưu điểm của thớt kính. Chỉ sau một giờ đăng bài, 300 chiếc thớt đã được đặt mua hết.

“Những ngày sau đó tôi nợ đơn khách hàng liên tục. Cảm giác lúc đó của tôi thật là vui sướng. Thành công ban đầu cũng là động lực để tôi khởi nghiệp và phát triển thương hiệu thớt kính cường lực Sala”, chị Hằng nói.

Số thớt khách đặt hàng ngày càng tăng, chị Hằng quyết định mở xưởng riêng. Chồng chị cũng nghỉ công việc ở xưởng kính để về giúp vợ khâu sản xuất, còn chị Hằng chỉ lo khâu thương mại.

Doanh thu 700 triệu đồng/tháng

Ban đầu những tấm thớt chỉ là tấm kính trong suốt kích thước 23x32cm với một phần đục lỗ để làm tay cầm; thớt khá to, dày và nặng. Sau khi nhận phản hồi, đóng góp của khách hàng, chị Hằng cải tiến thiết kế với mẫu mã đa dạng hơn, chú trọng đến hoa văn trên thớt, rồi tiến đến cải thiện thêm mẫu thớt có viền silicone nhẹ hơn và giảm âm khi sử dụng.

Hiên chị Hằng đang cho ra thị trường 3 dòng sản phẩm chính gồm: thớt trong suốt, thớt có hoa văn và thớt với viền silicon. Ngoài ra, chị còn làm theo đơn đặt hàng của các nhà hàng, công ty thực phẩm…

Mỗi tháng, chị Hằng bán ra thị trường khoảng 15.000-20.000 chiếc thớt, doanh thu khoảng 700 triệu đồng/tháng. Nhà xưởng của chị đang tạo công ăn việc làm cho 6 lao động với mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng và khoảng 20 lao động thời vụ tham gia hoàn thiện, đóng gói sản phẩm.

Hiện mỗi tháng, xưởng thớt kính của chị Đặng Thị Hằng đưa ra thị trường 15.000-20.000 chiếc thớt, doanh thu 700 triệu đồng.

Chị Hằng chia sẻ, thời gian đầu, khi đưa sản phẩm ra thị trường, cũng có những ý kiến chê bai này nọ. Tuy nhiên điều đó không làm chị nản chí. Chị Hằng luôn kiên định theo hướng đối tượng mà mình nhắm tới là các bà mẹ bỉm sữa. Chính những lời khen ngợi từ các bà mẹ bỉm sữa và chính những bà mẹ bỉm sữa đã trở thành cộng tác viên cho thương hiệu Sala giúp chị Hằng thêm tự tin để tiếp tục phát triển sản phẩm.

Hiện tại, đa phần đại lý phân phối sản phẩm đều là khách hàng từng mua thớt để sử dụng trong gia đình, sau đó, vì thích quá nên trở lại đặt vấn đề trở thành nhà phân phối. Các đại lý của Sala hiện đã có mặt khắp cả nước.

Bên cạnh ưu điểm là không có dăm, không có vết hẳn, không ẩm mốc; theo chị Hằng thớt kính cường lực Sala cũng có điểm yếu là dễ trơn trượt, có tiếng kêu khi sử dụng. Tuy nhiên, khi đã dùng thì rất thích, rất mê vì những ưu điểm của nó. Có những khách hàng, khi mua dùng thích quá nên tiếp tục đặt thêm nhiều cái để tặng người thân, bạn bè.

“Để có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài những nỗ lực của bản thân, tôi còn gặp may bởi thời điểm bắt đầu trên thị trường chưa có sự cạnh tranh nào cả”, chị Hằng chia sẻ thêm.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.