Trồng nấm rơm, chỉ bán mùng 1 và ngày rằm, anh nông dân bỏ túi 45 triệu/tháng

Khải Nguyên - 01/11/2022 10:58 (GMT+7)

(VNF) - Biết nhu cầu dùng nấm rơm chế biến món chay vào mùng 1 và ngày rằm của người dân Đà Nẵng rất lớn, giá lại tốt, anh Tùng tập trung sản xuất bán vào 2 ngày này. Trừ các khoản chi phí, mỗi tháng cơ sở sản xuất nấm rơm của anh thu lãi 40-45 triệu đồng.

VNF
Anh Đào Huy Tùng đang thu hoạch nấm rơm.

4 năm mày mò

Vợ chồng anh Đào Huy Tùng (SN 1982) và chị Lê Thị Phương Thảo (SN 1988) quê ở Nam Định, vào Đà Nẵng sinh sống, lập nghiệp nhiều năm nay. Hiện gia đình anh đang sống tại phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng).

Trước đây, anh Tùng là bộ đội công tác tại Vùng 3 Hải quân. Vì muốn dành nhiều thời gian chăm sóc bố mẹ và con cái, năm 2009, anh Tùng ra quân và muốn tìm một công việc phù hợp.

Vốn yêu thích làm nông nghiệp, nhà lại có quỹ đất nên anh Tùng quyết định đầu tư trồng rau, trồng hoa. Tuy nhiên, công việc trồng rau, trồng hoa của anh Tùng liên tục thất bại. Năm 2016, anh Tùng mạnh dạn chuyển qua đầu tư trồng nấm rơm.

Qua nghiên cứu, anh Tùng nhận thấy, nấm rơm phù hợp với khí hậu ở trong Nam, còn miền Trung khí hậu khắc nghiệt, năng suất không cao nhưng bù lại ở Đà Nẵng, giá nấm cao. Ngày mùng 1 và ngày rằm, người dân ở ăn chay nhiều, trong khi thị trường nấm lại khan hiếm.

“Ở Đà Nẵng cũng có nhiều người trồng nấm rơm nhưng do thời tiết khắc nghiệt, năng suất không cao. Vì vậy, tôi quyết tâm nghiên cứu để khắc phục hạn chế này”, anh Tùng nói và cho biết, để có được thành quả như ngày hôm nay, anh phải mất 4 năm mày mò và không biết bao nhiêu lần ‘lên bờ, xuống ruộng’ với nấm.

Anh Tùng chia sẻ, thời gian đầu khởi nghiệp, anh gặp không ít vất vả, gian truân bởi thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm. Ngoài vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh Tùng còn thường xuyên đọc các sách, báo, rồi xem video hướng dẫn trồng nấm ở các nước như Thái Lan, Trung Quốc…

Sau nhiều năm thất bại nhiều hơn thành công, anh Tùng đã hình thành quy trình trồng nấm rơm công nghệ cao trong phòng kín và mạnh dạn đầu tư 650 triệu đồng để biến 400m2 đất vườn thành nhà trồng nấm. Nhà nấm được chia thành các phòng khép kín, mỗi phòng rộng 35m2. Các phòng được quây kín bằng các lớp cách nhiệt, luôn luôn ấm và ẩm hơi nước.

Theo anh Tùng, yếu tố quan trọng quyết định năng suất của nấm là kỹ thuật và nguồn nguyên liệu (gồm hạt bông và rơm). Kỹ thuật đòi hỏi phải có bí quyết riêng. Nguồn nguyên liệu phải đảm bảo sạch, không bị nhiễm tạp chất. Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng chuẩn, không sai lệch từ lúc nấm còn nhỏ đến khi thu hoạch là 30-32 độ C.

Xây dựng thương hiệu nấm sạch

Năm 2020 khi việc trồng nấm thành công, anh Tùng bắt đầu mở rộng thêm nhà xưởng, đưa nấm ra thị trường nhiều hơn.

"Nấm rơm cứ trồng 15 ngày là thu hoạch, tôi chỉ thu hoạch vào ngày mùng 1 và ngày rằm để bán cho người dân ăn chay", anh Tùng nói.

Nấm thu hoạch được anh Tùng chở đến chợ đầu mối bỏ cho các tiểu thương. Chỉ cần dựng xe ở ngoài chợ là tiểu thương ùa ra lấy và chỉ mất vài chục phút anh Tùng mấy tạ nấm.

Trừ các khoản chi phí, mỗi tháng trại nấm của anh thu lãi 40-45 triệu đồng.

Thông thường, mỗi tháng trại nấm của anh Tùng thu hoạch 6-7 tạ nấm, trong đó, thời điểm mùa đông cho năng suất cao hơn mùa hè. Nấm bán ra thị trường thường có giá 140.000-150.000 đồng/kg, có thời điểm 160.000-170.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, mỗi tháng trại nấm của anh Tùng thu lãi 40-45 triệu đồng.

Hiện cơ sở trồng nấm của anh Tùng đang tạo công ăn việc làm cho 4 lao động thường xuyên với mức lương 270.000 đồng/người/ngày và 3-4 lao động thời vụ với mức lương 350.000 đồng/ngày.

Anh Tùng cho hay, để có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, anh cũng đã nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hội Nông dân quận Cẩm Lệ, Hội Nông dân phường Hòa Thọ Tây hỗ trợ vốn, đầu tư trang thiết bị.

Đến nay, cơ sở nấm của anh Tùng đã thành lập Hợp tác xã nấm công nghệ Hòa Thọ Tây gồm 7 thành viên. Mục đích thành lập hợp tác xã vì anh Tùng muốn xây dựng thương hiệu nấm rơm và tạo được giá trị an toàn cho người tiêu dùng.

Bà Hứa Thị Thùy Phương, Chủ tịch Hội nông dân quận Cẩm Lệ, cho biết mô hình trồng nấm rơm công nghệ cao của anh Tùng là mô hình đầu tiên trên địa bàn quận, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng chuyên mục
Tin khác