Tập đoàn đầu tư Winsan của CEO Phạm Văn Tam muốn ‘cứu’ startup Việt
Anh Phan -
01/09/2020 07:33 (GMT+7)
(VNF) - Trở lại sau hơn một năm vắng bóng, doanh nhân Phạm Văn Tam đã có những chia sẻ về những gì đã qua, cũng như kế hoạch cho tương lai.
Theo doanh nhân Phạm Văn Tam, trước khi xảy ra biến cố, anh phát hiện có nhiều chuyện cần thay đổi về quản trị trong các doanh nghiệp anh đang quản lý, vừa giữ được thương hiệu cũ nhưng không phải theo cách làm cũ. PV đã có cuộc trò chuyện với doanh nhân Phạm Văn Tam về chiến lược mới này.
- Anh có thể chia sẻ về định hướng cũng như mục tiêu của chiến lược mới?
Ông Phạm Văn Tam: Tôi có dự định thành lập một công ty quản lý vốn đầu tư vào các thương hiệu (trong đó có Asanzo) từ rất lâu rồi. Công ty này sẽ quan hệ với các công ty khác theo mô hình tập đoàn, công ty mẹ - công ty con. Như vậy tôi sẽ làm nhiệm vụ hoạch định chiến lược, đưa ra phương hướng nhưng các công ty con, thương hiệu con vận hành hoàn toàn độc lập. Đó là lý do Winsan ra đời.
Ý tưởng thành lập Winsan của tôi là kết quả của một quá trình dài đầu tư, kinh doanh. Tôi đầu tư nhiều công ty lớn nhỏ, nằm rải rác ở nhiều nơi trên cả nước, mỗi một công ty có một vị trí, vai trò riêng từ kinh doanh, phân phối, sản xuất… Và tôi nhận thấy rằng để tránh tình trạng khó kiểm soát tài sản, tiền bạc ở nhiều công ty, tôi cần có 1 công ty để quản lý nguồn vốn chung.
Trước mắt, khi những công ty con trong hệ sinh thái tôi quản lý cần vốn thì Winsan sẽ có vai trò cung cấp, đầu tư vốn. Từ đó tạo nguồn lực để tôi đầu tư những dự án bên ngoài hệ sinh thái, tạo sự đa dạng ngành nghề.
- Những dự án bên ngoài hệ sinh thái? Anh có thể nói rõ hơn về điều này không?
Ngoài một số lĩnh vực trong hệ sinh thái tôi quản lý, tôi sẽ đầu tư vào một số startup khởi nghiệp, đặc biệt là các dự án mang tính cộng đồng, đại trà.
Trên thực tế, Winsan đã đi vào hoạt động nhưng chúng tôi vẫn chưa chính thức công bố. Tôi cũng mong qua đây gửi lời tới các bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp, thiếu kinh nghiệm, yếu về việc định hướng, phát triển sản phẩm lâu dài, nếu có thể hãy liên hệ tới Winsan.
Bản thân tôi đã tham gia vào việc rót vốn cho các startup Việt gần 4 năm nay, do đó tôi sẽ càng sát sao hơn. Tại tập đoàn của tôi, tôi sẽ bàn giao các đầu công việc đúng với vị trí các bạn trẻ đang làm, đang quản lý, ở lĩnh vực họ đang làm tốt. Trách nhiệm của tôi chỉ là đầu tư, định hướng để có thể dành thời gian tập trung phát triển những dự án mới hơn.
Nếu thấy một lĩnh vực hay, kinh doanh tốt, tôi sẽ đầu tư và định hướng ngay cho người chủ đó để phát triển chứ không phải là người tham gia cạnh tranh. Lần này, thay vì tự thân vận động như trước đây, tôi sẽ đứng ở vai trò là người lắng nghe để giúp các bạn trẻ trong việc tìm ra hướng đi đúng. Dù cũng có chút thành công nhưng để đi lâu đi xa tôi vẫn thấy chưa ổn, tôi vẫn cần có người đồng hành là các bạn.
- Anh có thể bật mí ý nghĩa của cái tên Winsan?
Chữ “san” xuất phát từ từ “asan”, theo phiên âm chữ Hán có nghĩa là Tam – tên của tôi. Từ “Win” trong “Winsan” có trong cụm từ Win – Win – đôi bên cùng có lợi. Tại Winsan, tôi là chủ tịch cũng đồng thời là giám đốc điều hành.
Với tên Winsan, tôi muốn khẳng định tiêu chí cốt lõi của công ty là hợp tác mang đến thắng lợi cho cả hai bên.
Theo CEO Phạm Văn Tam, tiêu chí cốt lõi của Winsan là hợp tác mang đến thắng lợi cho cả hai bên.
- Vậy còn Asanzo? Anh có chiến lược gì không?
Cũng với mục đích tạo sự đa dạng ngành nghề trong hệ sinh thái đang có, tôi xác định sẽ không quá tập trung về ngành điện tử bởi cũng như những ngành khác, ngành điện tử khi phát triển đến một tầm nào đó đều cũng sẽ bị bão hoà.
Asanzo hiện tại đang được "làm mới lại". Asanzo được làm mới ngay cả trong ban điều hành, trong đó có những nhân sự phụ trách sản phẩm, chiến lược gần như là tuyển mới. Cùng với đó là tạo ra các sản phẩm mới.
Theo tôi, các nhân lực trẻ như làn gió mới mang đến sự sáng tạo, mới mẻ cho các sản phẩm. Có thể lượng sản phẩm bán ra không nhiều như trước kia, nhưng tính định hướng chắc chắn sẽ hơn và hiệu quả tương lai lâu dài hơn.
Tôi luôn quan điểm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hơn thì đi cùng nhau”. Từ thương hiệu, thị trường, sản xuất, tuy tôi có thể nắm bắt hết nhưng tôi cho rằng vẫn còn điểm yếu, chưa được trau chuốt, định hướng vẫn chưa được rõ ràng. Do đó tôi vẫn cần có người đồng hành để có thể đi được lâu dài hơn.
Tôi cũng sẽ ưu tiên những nhân sự có kinh nghiệm, được đào tạo từ nước ngoài về, có định hướng sản phẩm rõ ràng, có yếu tố chuyên nghiệp hơn từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tôi vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào Asanzo cũng như nhiều công ty khác thông qua Winsan. Cùng với đó, tôi dự kiến đầu tư thêm vào ngành hàng tiêu dùng như thực phẩm, định hướng ngành hàng sức khoẻ người tiêu dùng, sản phẩm mang tính đại trà và bất động sản công nghiệp.
- Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, Winsan có gặp khó khăn gì không?
Trong bối cảnh dịch Covid-19, vai trò của Winsan lại càng được thể hiện rõ hơn. Thời điểm này, nhiều công ty thua lỗ, tình hình tài chính kém, rơi vào trạng thái mệt mỏi. Do đó, tôi cho rằng việc mua lại cũng như đầu tư vào các công ty này sẽ dễ dàng hơn thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh. Qua đó, Winsan cũng có nhiều lựa chọn hơn để tìm ra một công ty ‘đáng để đầu tư’, hợp lý, chất lượng hơn.
Cũng ở thời điểm này, khi người tiêu dùng đang ở trạng thái luôn hạn chế từ sinh hoạt đến chi tiêu tiêu dùng, nếu tôi mở thêm ngành hàng khác sẽ rất khó tạo thị phần hoặc số lượng lớn. Thay vào đó, khi kết hợp cùng với các dự án có sẵn, tôi đóng vai trò hỗ trợ nguồn lực để các dự án này phát triển sẽ hợp lý hơn.
Đó cũng là vai trò chính của Winsan. Thực tế, trên thế giới, khi một đất nước phát triển luôn cần một doanh nghiệp như Winsan, với nhiệm vụ vừa hỗ trợ quản trị, hỗ trợ tài chính lẫn thị trường. Trong khi vai trò của ngân hàng chỉ là cho vay, lấy lãi thì mô hình như Winsan sẽ hợp tác đầu tư để giúp cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển, vượt qua khó khăn. Tôi xác định Winsan sẽ hoạt động theo cách hướng về doanh nghiệp như vậy, không có chuyện cạnh tranh lẫn nhau.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone